Em đang mang thai tháng thứ 6, hiện em bị đau mắt đỏ vì lây trong khu nhà em có nhiều người bị đau mắt đỏ.
Em đang mang thai tháng thứ 6, hiện em bị đau mắt đỏ vì lây trong khu nhà em có nhiều người bị đau mắt đỏ. Em đi khám bác sĩ cho dùng thuốc. Tuy nhiên, em vẫn cứ băn khoăn không biết thuốc có ảnh hưởng tới đứa con tương lai của em không? Rất mong quý báo tư vấn.
Hồ Thị Thu (Điện Biên)
Hiện nay, dịch đau mắt đỏ đang bùng phát khá mạnh ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Trong số những bệnh nhân đau mắt đỏ có cả phụ nữ mang thai bởi phụ nữ mang thai là một trong những nhóm đối tượng rất dễ bị lây nhiễm vì sức đề kháng kém. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ mang thai lại quá lo lắng khi mắc bệnh, họ thường băn khoăn khi phải dùng đến thuốc trị đau mắt đỏ vì sợ thuốc gây hại cho thai nhi.
Trong các đường dùng thuốc, nhỏ mắt là ít ảnh hưởng nhất.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, khi bị mắc, người bệnh rất khó chịu với các triệu chứng sưng, ngứa, nhức, kết mạc bị viêm đỏ... nhưng là bệnh do virut nên hiện chưa có thuốc đặc trị. Với những người có sức đề kháng kém như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, nếu không cẩn thận khi mắc bệnh rất dễ bị bội nhiễm, virut tấn công hệ hô hấp, tiêu hóa, gây các triệu chứng như ho, sốt, nổi hạch, tiêu chảy... Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, các bà mẹ mang thai cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị. Nên thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% nhiều lần trong ngày giúp đẩy bớt virut ra khỏi mắt và làm êm dịu mắt. Các kháng sinh và thuốc có chứa cortizol không nên dùng quá 7 ngày, nếu không đỡ, cần đi khám lại ngay.
Có một điều thú vị mà các bà mẹ mang thai nên biết là trong các đường dùng thuốc thì thuốc nhỏ mắt là ít ảnh hưởng tới thai nhi nhất nên nếu lỡ các mẹ có phải dùng thuốc cũng chớ quá lo lắng về những tác động của thuốc đến đứa con tương lai của mình. Bạn cứ yên tâm điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa như hiện nay, phòng tái phát bệnh, các bà mẹ mang thai cần biết cách tự bảo vệ, không đi tới những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bị đau mắt. Khi ra ngoài, cần có các biện pháp bảo vệ như đeo kính. Luôn giữ vệ sinh cho mắt, giữ khăn rửa mặt luôn sạch sẽ, nhỏ nước muối sinh lý 0,9% ngay khi có những cảm giác vướng, cộm trong mắt. Luôn giữ cho thể trạng tốt bằng các thực phẩm tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống chọi tốt với các tác nhân gây bệnh luôn sẵn có trong môi trường sống xung quanh.