Ngay khi ngồi trên giường ở phòng khách sạn, cô Huang đột nhiên thấy đau nhói ở mông. Khi đứng dậy cô bất ngờ thấy một vật thể lạ làm cô hoang mang.
Cô Huang đi công tác và thuê một khách sạn ở Hàng Châu. Trung Quốc. Buổi tối, cô Huang tới khách sạn nhận phòng. Vì quá mệt nên cô đã ngay lập tức ngồi xuống giường nhưng đột nhiên thấy đau nhói ở mông. Khi cô đứng lên thì phát hiện có một đoạn dây sắt nhỏ.
Mặc dù cô Huang không bị chảy máu nhưng cảm thấy khá đau ở mông, phần bị đoạn sắt chọc vào. Vì từng đọc tin tức về việc cảnh giác với những vật sắc nhọn lạ có thể lây nhiễm HIV nên sáng hôm sau, cô lập tức tới bệnh viện.
Cô Huang thuê phòng khách sạn ở Hàng Châu (Trung Quốc).
Sau khi được bác sĩ hướng dẫn, cô đã mua thuốc để ngăn chặn HIV, chi phí hơn 1000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu). Cô Huang sau đó cầm hóa đơn thanh toán về khách sạn, yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên phía khách sạn khẳng định đó không phải kim tiêm và cô Huang cũng không hề nhiễm HIV. Hơn nữa, nhân viên khách sạn ngày nào cũng dọn dẹp phòng nên khó có chuyện như vậy xảy ra. Ngoài ra, khi xảy ra vấn đề, cô Huang không ngay lập tức báo cho phía khách sạn. Khi cô rời đi, nhân viên đã dọn dẹp, thay ga giường nên cũng không có gì làm bằng chứng. Vì vậy, họ không thể chịu trách nhiệm cho vấn đề của cô Huang tuy nhiên sẽ vẫn lắng nghe góp ý và hỗ trợ cô.
Mẩu thanh sắt mà cô Huang tìm thấy trên giường.
Thực tế, đã có không ít những trường hợp bị nghi phơi nhiễm HIV sau khi bị vật sắc nhọn làm tổn thương hay bị kẻ lạ tấn công. Ở Việt Nam cũng đã xảy ra một số trường hợp khiến người dân hoang mang như sự việc 10 bệnh nhân ở TP.HCM phải điều trị phơi nhiễm HIV sau khi bị kẻ lạ tấn công bằng vật sắc nhọn.
Phải làm gì khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV?
Nếu chẳng may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV thì người dân cần bình tĩnh, cần rửa vết thương dưới vòi nước, để nguyên máu chảy nhưng không nặn ra; với vết thương hở lớn cần cầm máu, đến cơ sở y tế để được uống thuốc dự phòng lây nhiễm tốt nhất trong vòng 6 tiếng đầu (hoặc trong vòng 72 tiếng) sẽ có hiệu quả ngăn chặn virus qua da vào máu. Sau 1 tháng cần đánh giá lại và sau 3 tháng kiểm tra để xác định chính xác có dương tính với HIV không.
Với nhân viên y tế, người làm nhiệm vụ như công an truy bắt tội phạm nếu có máu bắn vào mắt, da, niêm mạc cần uống thuốc kháng virus trong vòng 28 ngày để đảm bảo virus không nhân lên…. Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cũng được khuyến khích và khuyến cáo dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Cách phòng tránh lây nhiễm HIV
- Sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một người chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV không nên có thai, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.