Dù nhà sống gần biển nhưng bà H không dám ra tắm vì khiếm khuyết trên cơ thể, may mắn được sự động viên của chồng con, người phụ nữ đã quyết tâm làm đẹp cho bản thân mình.
Bà N.T.H (ở TP Vinh, Nghệ An) dù đã ở tuổi lục tuần nhưng vẫn quyết tâm đi làm lại ngực sau khi bị cắt bỏ vì mắc căn bệnh ung thư. Bà H cho biết, ban đầu bà cũng ngại vì tuổi đã cao, nhưng may mắn được sự động viên của chồng và các con nên bà quyết tâm đi lấp đầy bên ngực đang bị khuyết. Việc phẫu thuật không chỉ giúp bà H có một thân hình cân đối mà còn hỗ trợ cải thiện lệch cột sống, thuận tiện hơn trong sinh hoạt, cuộc sống.
Bà H chia sẻ, cách đây 4 năm,bà được chẩn đoán ung thư vú. Khi đó, người phụ nữ này chỉ mong sao điều trị để hạn chế bệnh phát triển và bảo tồn sức khoẻ, chứ chẳng có tâm trí nào nghĩ đến vẻ đẹp hình thể.
Cắt bỏ vú sau ung thư khiến không ít chị em tự ti vì cơ thể mất cân đối. Ảnh minh họa.
Quá trình điều trị, bà H phải phẫu thuật cắt bỏ vú phải, may mắn sau đó bệnh không tiến triển, gần như khỏi hoàn toàn và không phải dùng đến phương pháp xạ trị. Khi điều trị khỏi bệnh ung thư, bà H bắt đầu nghĩ về những khiếm khuyết ở vòng một, nhưng vấn đề tuổi tác cũng khiến bà cân nhắc và suy nghĩ.
“Nhiều người nghĩ, tuổi này khuyết một bên ngực cũng chẳng sao, nhưng thực tế gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Nhà tôi gần biển mà từ ngày phẫu thuật cắt bỏ một bên vú, tôi không dám đi tắm, rất ngại và tự ti, sợ mọi người phát hiện ra.
Con gái thấy vậy cũng đã tìm đủ mọi cách, thậm chí còn mua cho ngực giả bằng silicon, nhưng không hỗ trợ, cải thiện được. Thực sự tôi rất khao khát được đi biển trở lại cũng như thuận tiện hơn trong mặc đồ. Bên cạnh đó, bản thân bị thoát vị đĩa đệm, bên vú còn lại phì đại khiến người biến dạng, cong lệch hẳn sang trái, ảnh hưởng hình dáng và gia tăng bệnh đau lưng”, bà H chia sẻ.
GS Trần Thiết Sơn và PGS Phạm Thị Việt Dung đang thăm khám cho bà H sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
Sau khi được sự động viên của chồng con, bà H liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai để nhờ tư vấn và được đặt lịch hẹn khám và phẫu thuật ngay sau đó. PGS.TS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, tái tạo vú sau điều trị cắt bỏ ung thư trong nhiều trường hợp hoàn toàn có thể triển khai mà không ảnh hưởng đến quá trình theo dõi, tái phát hay điều trị ung thư của người bệnh. Hơn thế nữa, tái tạo vú nếu dùng vạt da mỡ bụng, thì chất liệu tạo hình là da, mỡ tự thân, có độ tương thích cao, không phải lo thải loại, vú tạo lại mềm mại, tự nhiên, sờ như vú thật.
“Tuỳ từng thể trạng, tình trạng bệnh lý và điều kiện của người bệnh, tạo hình vú có thể tiến hành đồng thời khi cắt bỏ khối ung thư hoặc sau khi cắt bỏ và điều trị bệnh ung thư ổn định. Tái tạo vú cũng không giới hạn độ tuổi, thậm chí nếu được chẩn đoán và phẫu thuật ở giai sớm, bệnh nhân hoàn toàn có thể cắt bỏ khối ung thư và tạo hình vú trong cùng một thì phẫu thuật”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Theo bác sĩ Dung, ở độ tuổi nào vấn đề sức khoẻ, sắc đẹp và hình thể luôn là điều chị em phụ nữ quan tâm. Với người bệnh ung thư vú và nhất những chị em bị khuyết một phần cơ thể, trong sâu thẳm họ luôn khát khao sự hoàn mỹ. Tái tạo vú sau ung thư đã và đang là liệu pháp “chữa lành” thân, tâm hữu hiệu giúp người bệnh có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện sau phẫu thuật, bà H vừa có vòng bụng gọn, vừa có khuôn ngực đẹp, đây là điều không mà tất cả các chị em phụ nữ đều mong ước. Đặc biệt, những ngày sau đây bà sẽ được thỏa mong ước ra biển tắm với thân hình cân đối như trước khi mắc bệnh.