Rau nhút có tác dụng gì cho sức khỏe? Những lưu ý khi ăn rau nhút

Khánh Hằng - Ngày 02/06/2021 16:24 PM (GMT+7)

Rau nhút có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng cũng có một số tác hại mà bạn nên biết để sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Đặc điểm cây rau nhút

Rau nhút hay còn gọi là rau rút, có tên tiếng Anh là water mimosa, là một loại cây thân thảo xốp, sống dưới nước, mọc bò lên mặt nước. Thân cây rau nhút có những mô khí màu trắng, bên trong xốp, trông giống như chiếc phao giúp chúng nổi được trên mặt nước.

Thân cây rau nhút khi sống dưới nước có thể phát triển từ 90 - 150 cm, trong khi sống ở môi trường trên cạn thì chỉ được khoảng 15 cm. Ngoài ra, thân cây còn được che phủ bởi những chiếc lá hình lông chim kép nhỏ, có độ nhạy cảm rất cao gần giống như lá trinh nữ.

Hoa rau nhút có kích thước nhỏ, mọc thành cụm và có màu vàng ánh lục. Quả của cây rau nhút có hình dạng giống như quả đậu, dẹp với chiều dài từ 2,5-5cm.

Rau nhút có tác dụng gì cho sức khỏe? Những lưu ý khi ăn rau nhút - 1

Rau nhút thường được trồng hoặc tự mọc ở các vùng ao hồ. Rau nhút có mùi thơm đặc trưng, được dùng làm rau ăn. Loại rau này thường xuất hiện trong một số món ăn quen thuộc tại Việt Nam như canh chua, canh sườn, canh khoai sọ, canh cá, canh nghêu... Thân non và quả của cây rau nhút cũng có thể chế biến thành các món ăn thơm ngon.

Thành phần dinh dưỡng trong khoảng 100g rau nhút:

- Calo: 40

- Carb: 2g

- Chất đạm: 6g

- Canxi: 381mg

- Magie: 186mg

- Phốt pho: 405mg

- Kali: 3000mg

Ngoài ra, còn chứa một số chất khác như glucid, celluloza, vitamin B12, amin leucin, threonin, methionine...

Tác dụng của rau nhút

Theo Đông y, rau nhút có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt, có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh như:

- Hỗ trợ điều trị táo bón, đầy hơi, khó tiêu, tốt cho hệ tiêu hóa.

- Hỗ trợ chứng mất ngủ.

- Khắc phục tình trạng bệnh bướu cổ.

- Hạ sốt.

Rau nhút có tác dụng gì cho sức khỏe? Những lưu ý khi ăn rau nhút - 2

- Thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, trị nóng trong.

- Thông huyết mạch, lợi tiểu, tiêu viêm, nhuận tràng...

Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau nhút:

- Chữa nóng trong, táo bón: Rau nhút phơi khô, đem sắc với 400ml nước đến khi còn 200ml nước, uống thay nước trong ngày. Hoặc ăn rau nhút sống thường xuyên (hái lấy ngọn non, nhặt bỏ phần rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, ăn cả cọng lẫn lá như các loại rau khác).

- Chữa chứng mất ngủ, an thần: Rau nhút 300g, khoai sọ 25g, lá sen 10g đem rửa sạch rồi ninh với nước đến khi nhừ, cho gia vị vừa ăn, ăn cả bã lẫn nước. Một tuần ăn 3-5 lần, nên ăn khi còn ấm, tốt nhất nên ăn vào buổi tối khoảng 30 phút trước khi đi ngủ.

- Hỗ trợ điều trị bướu cổ: Rau nhút 300g rửa sạch, cắt ngắn. Cá rô 200g làm sạch lấy phần thịt nạc, ướp với gia vị. Xương cá giã nhỏ, thêm nước vào lọc để lấy khoảng 500ml nước, đun sôi rồi cho rau nhút và nạc cá vào, đun sôi thêm 1-2 phút nữa rồi ăn với cơm. Ngày 1 lần, dùng liền 5 ngày.

Rau nhút có tác dụng gì cho sức khỏe? Những lưu ý khi ăn rau nhút - 3

- Chữa chảy máu cam, mụn nhọt do nóng trong người: Lấy rau nhút 300g, thêm 80ml nước sắc uống thay nước hàng ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp các món ăn từ rau nhút, tránh ăn đồ cay, nóng.

- Trị cảm sốt: Lấy 300g rau nhút tươi giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

- Trị phù thũng: Lấy 2 nắm rau nhút tươi giã nát lấy nước cốt uống hoặc ăn các món từ rau nhút hàng ngày.

Lưu ý khi sử dụng rau nhút

Rau nhút không có độc, không gây dị ứng nhưng vẫn có một số lưu ý sau dành cho những người muốn sử dụng rau nhút:

- Người có thể trạng yếu, trẻ em không nên ăn rau nhút bởi loại rau này có tính hàn, không tốt cho người bị yếu bụng, thể hàn, dễ gây tiêu chảy hoặc đau bụng ở trẻ em.

- Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn rau nhút, đặc biệt là rau nhút sống bởi môi trường sống của loại rau này là ở dưới nước, dễ nhiễm giun sán hoặc các mầm bệnh nguy hiểm, không tốt cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi.

- Rau nhút có khả năng hút một số kim loại nặng như kẽm, đồng và chì trong môi trường sống của chúng nên việc ăn nhiều rau nhút có thể gây ra tích tụ các kim loại nặng trong cơ thể.

Nguồn tham khảo:

- Rau rút an thần, mát gan, giải nhiệt độc - Sức khỏe đời sống - Xuất bản ngày 29/10/2019

Những tác dụng của rau cải đối với sức khỏe
Các loại rau cải đều mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, nhiều loại còn có tác dụng chữa bệnh.
Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe