Không phải các món rau chính nhưng lại là những món rau không thể thiếu, các loại rau thơm cũng đem đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Rau thơm hay rau gia vị là khái niệm khái quát dùng để chỉ các loại rau ăn được, được trồng hoặc hái từ tự nhiên mà có mùi thơm đặc trưng. Rau thơm tuy không phải các loại rau chính nhưng lại là loại rau không thể thiếu, làm tăng thêm hương vị cho các món ăn. Không chỉ giúp những bữa ăn thêm phần đậm đà, thơm ngon và chuẩn vị, các loại rau thơm còn mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe mà có thể trước nay bạn chưa từng biết đến.
Dưới đây là các loại rau thơm phổ biến nhất và tác dụng của rau thơm đối với sức khỏe của bạn:
1. Hành lá
Hành lá được coi là loại rau thơm phổ biến nhất, xuất hiện ở rất nhiều món ăn và cũng dễ dàng mua ở bất cứ khu chợ, cửa hàng nào. Gần giống như củ hành, hành lá cũng có mùi hơi hăng đặc trưng. Do có màu xanh đậm nên hành lá vừa dùng để trang trí, vừa dùng để tăng thêm hương vị cho món ăn. Những món ăn phổ biến nhất thường sử dụng hành lá mà chúng ta không thể không kể đến như: phở, các món canh, cháo, hàu nướng, các món bún...
Ngoài công dụng trong ẩm thực, hành lá còn có tác dụng trị ho, tiêu đờm và sát trùng hiệu quả. Ngoài ra, hành lá còn được sử dụng như một bài thuốc trị viêm, mụn nhọt.
2. Rau mùi (ngò rí)
Rau mùi hay còn gọi là ngò rí cũng là loại rau thơm phổ biến không kém gì hành lá. Rau mùi có thể kết hợp trong rất nhiều món ăn, đa dạng từ món nấu, canh, xào, nước chấm hoặc nộm. Rau mùi có thể ăn sống hoặc chín, mùi thơm dễ chịu và không khó ăn. Tại Việt Nam, cây ra mùi còn được dùng để đun nước tắm trong ngày 30 Tết để vừa thơm tho, sạch sẽ, vừa mang ý nghĩa tẩy uế, xua đuổi vận xui.
Rau mùi cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, giúp hạ đường huyết, tốt cho tim mạch, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ tiêu hóa và đường ruột, giúp giảm cân, đốt cháy mỡ thừa, làm đẹp da...
3. Rau mùi tàu (ngò gai)
Rau mùi tàu hay còn gọi là ngò gai, bởi vì ở mép lá có đường viền răng cưa mỏng. Rau mùi tàu hoàn toàn có thể ăn sống hoặc chín và thường được sử dụng trong những món canh, phở, canh măng... Rau mùi tàu cũng có mùi thơm rất dễ chịu.
Rau mùi tàu có nhiều công dụng với sức khỏe, ví dụ như chữa cảm cúm, đờm, sổ mũi, chữa viêm kết mạc, giảm sốt, hạ nồng độ cholesterol trong máu, trị ngứa hoặc mẩn đỏ, chữa đầy hơi, hôi miệng, chữa kiết lỵ...
4. Rau răm
Một trong những loại rau thơm phổ biến khác là rau răm. Loại rau này có mùi khá nồng, vị hơi cay và hơi đắng. Rau răm có tác dụng khử mùi tanh nên thường được sử dụng trong các món liên quan đến hải sản hoặc ăn kèm với trứng vịt lộn.
Rau răm có chứa một chất chống oxy hóa là flavonoid, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, chống lão hóa, ngoài ra còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, trị phong hàn, tiêu viêm, trị mụn nhọt, trị say nắng mùa hè, đứt tay, hạ sốt, thông tiểu, chữa kiết lỵ...
5. Rau ngổ
Mùi thơm của rau ngổ giúp át đi mùi tanh của thủy hải sản, do đó loại rau này thường được sử dụng trong một số món liên quan đến cá và thủy hải sản như canh chua, cá kho, ngoài ra còn ăn kèm với các mòn về ngan, vịt hoặc lòng.
Trong Đông y, rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau, sát trùng đường ruột, làm thuốc lợi tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa, ngừa ung thư... Ngoài ra, rau ngổ còn có khả năng hỗ trợ điều trị viêm khớp, gan nhiễm mỡ...
6. Rau bạc hà
Rau bạc hà cũng là một trong những loại rau thơm phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Rau bạc hà có mùi thơm đặc trưng, không chỉ làm tăng hương vị cho các món ăn mà còn được chế biến thành tinh dầu, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tinh dầu bạc hà giúp cải thiện cơn đau do hội chứng ruột kích thích gây ra, giảm đầy hơi chướng bụng, giảm táo bón, chống buồn nôn.
Rau bạc hà cũng giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm cúm, giảm ho, hạ sốt, tăng cường chức năng não bộ, giảm đau cho phụ nữ đang cho con bú...
7. Húng quế (húng chó)
Húng quế, cũng có nơi gọi là húng chó thường được sử dụng trong các món bún, phở hoặc lòng, vừa để át đi những mùi hôi tanh, vừa tạo thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn.
Không chỉ làm gia vị trong ẩm thực, húng quế còn có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh. Nó giúp chống lại nhiễm trùng và tăng cường miễn dịch nhờ khả năng ức chế sự phát triển của một loạt vi khuẩn, nấm men và nấm mốc. Húng quế cũng có công dụng giảm lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn, điều trị chứng lo âu và trầm cảm, tốt cho xương khớp, chữa một số bệnh ngoài da...
8. Tía tô
Một trong những loại rau thơm không thể không nhắc đến là tía tô. Lá tía tô có 2 màu, xanh hoặc tím hoặc cả 2, hơi cứng, thường dùng làm gia vị cho các món canh, cháo, món xào, bún, lẩu...
Tía tô có rất nhiều công dụng như giải cảm, giảm đau dạ dày, ngăn ngừa bệnh tim, chống viêm và dị ứng, hỗ trợ chữa bệnh gút, chữa viêm khớp dạng thấp, giảm căng thẳng lo âu. Ngoài ra, lá tía tô còn có nhiều công dụng cho việc làm đẹp, giúp trị mụn, làm trắng da.
9. Lá lốt
Lá lốt có màu xanh đậm, hình trái tim, mọc thành bụi và rất dễ trồng. Lá lốt thường được người Việt sử dụng trong một số món ăn như chả lá lốt, các món liên quan đến ốc, ếch, lươn, bò, cá...
Theo Đông y, lá lốt có tính cay vị ấm, có tác dụng làm ấm bụng, trừ lạnh, hạ khí, chống viêm, giảm đau... Trong một số bài thuốc dân gian, lá lốt được dùng để chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân, hạ sốt, tiêu chảy...
10. Rau thì là
Khi nấu các món liên quan đến cá, việc thiếu rau thì là sẽ giảm hẳn hương vị của món ăn, khiến món ăn không còn đúng mùi vị nữa. Rau thì là không chỉ giúp khử mùi tanh của cá mà còn giúp cho món ăn thêm thơm ngon hơn.
Rau thì là tốt cho hệ hô hấp, giúp giảm đau bụng kinh, làm lành vết thương, điều trị bệnh tả... Bên cạnh đó, một trong những công dụng nổi bật nhất của thì là là kích thích tiết sữa ở những bà mẹ đang cho con bú.
11. Rau diếp cá
Một số nơi còn gọi rau diếp cá là rau dấp cá, giấp cá, rau giấp... Sở dĩ có cái tên này là vì rau diếp cá có mùi hơi tanh, khá khó ăn, không phải ai cũng ăn được loại rau này.
Rau diếp cá có một số công dụng như hạ sốt ở trẻ em, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, chữa táo bón khó tiêu, chữa kinh nguyệt không đều, chữa ho, hạ sốt, hỗ trợ điều trị sỏi thận, thanh nhiệt giải độc, làm đẹp da, chữa tắc sữa gây đau ngực...
12. Húng chanh
Húng chanh còn được biết đến với cái tên khác là rau tần. Nó có thể làm rau sống để ăn kèm với các loại rau khác hoặc làm gia vị cho các món từ cá, ốc, vịt, bò...
Trong y học cổ truyền, húng chanh có vị chua the, hơi hăng, tính ấm. Nó có tác dụng giảm phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, chữa viêm hụng, giải cảm, hạ sốt...
Nguồn tham khảo: 10 Delicious Herbs and Spices With Powerful Health Benefits - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 3/6/2017. |