Nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng với cơ thể người phụ nữ, do đó rối loạn nội tiết tố nữ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân và cách trị rối loạn nội tiết tố nữ như thế nào?
Rối loạn nội tiết tố nữ là gì?
Nội tiết tố nữ là hormone sinh dục nữ chủ yếu do buồng trứng tiết ra, còn có một phần ở nhau thai, tuyến thượng thận... Nội tiết tố nữ có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của người phụ nữ bởi nó chính là yếu tố quyết định tới đời sống tình dục, vóc dáng, sự trẻ trung và vẻ ngoài của người phụ nữ. Các loại nội tiết tố nữ chính là estrogen, progesterone và một lượng nhỏ testosterone.
Rối loạn nội tiết tố nữ hay còn gọi là rối loạn hormone, là khi cơ thể người phụ nữ có quá ít hoặc quá nhiều một loại hormone nhất định. Mặc dù mức độ hormone luôn dao động trong suốt cuộc đời người phụ nữ và có thể chỉ là kết quả của việc lão hóa theo tự nhiên nhưng những thay đổi khác xảy ra tại tuyến nội tiết cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn hoặc bệnh lý.
Nội tiết tố có nhiệm vụ chính là tiết các hormone vào máu, để đưa máu nuôi dưỡng các tế bào khác, giúp kiểm soát, điều động và phân phối các chức năng sinh lý trong cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất và sinh sản. Do đó, rối loạn nội tiết tố nữ sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình trao đổi chất và chức năng sinh lý.
Triệu chứng rối loạn nội tiết tố nữ
- Cơ thể mệt mỏi, không có khả năng tập trung
- Thường xuyên mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
- Nổi mụn bất thường trên da, mụn trứng cá ở mặt, ngực và lưng, da sẫm màu
- Bị đau đầu thường xuyên
- Cơ thể đổ nhiều mồ hôi hơn
- Tóc mỏng dần hoặc rụng tóc
- Tăng cân bất thường
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa
- Khô âm đạo, đau đớn khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn
Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết tố nữ. Những nguyên nhân khác nhau tùy thuộc vào loại hormone hoặc tuyến nội tiết bị ảnh hưởng, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Suy giáp, tuyến giáp hoạt động kém
- Suy sinh dục
- Hội chứng Cushing
- Viêm tuyến giáp
- Hạch tuyến giáp
- Sử dụng liệu pháp hormone
- Có khối u (cả lành tính và ung thư)
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh
- Rối loạn ăn uống
- Suy thượng thận
- Khối u tuyến yên
- Sử dụng các phương pháp điều trị ung thư
- Những nguyên nhân liên quan đến hormone sinh sản: Mãn kinh, thai kỳ, cho con bú, hội chứng buồng trứng đa nang, mãn kinh sớm, sử dụng thuốc nội tiết tố ví dụ như thuốc tránh thai, suy buồng trứng nguyên phát.
Xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn nội tiết tố nữ
Chưa có xét nghiệm nào để chẩn đoán rõ ràng rối loạn nội tiết tố nữ. Tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một hoặc một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, khám vùng chậu, siêu âm, một số bài kiểm tra khác như: sinh thiết, MRI, chụp X-quang, quét tuyến giáp.
Bạn cũng có thể tự kiểm tra nồng độ hormone ngay tại nhà, thông qua một bộ dụng cụ xét nghiệm. Đây là bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà đo hormone kích thích nang trứng (FSH) trong nước tiểu. Nồng độ FSH tăng khi bạn bước vào thời kỳ mãn kinh, nhưng mức độ cũng tăng và giảm trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà có thể cho bạn biết thời kỳ mãn kinh đã bắt đầu hay chưa nhưng chắc chắn không thể chính xác bằng việc đi kiểm tra tại bệnh viện.
Những bệnh lý xảy ra khi rối loạn nội tiết tố nữ
Nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn nội tiết tố nữ có thể gây ra những bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người phụ nữ.
- Dậy thì sớm: Tình trạng trẻ dậy thì khi chưa đến độ tuổi, khi nội tiết tố tình dục giải phóng quá sớm.
- Suy giảm chức năng buồng trứng, tử cung: Nội tiết tố nữ liên quan trực tiếp đến chức năng sinh sản, do đó rối loạn nội tiết tố nữ cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng của buồng trứng và tử cung.
- Vô sinh: Rối loạn nội tiết tố nữ có thể khiến chị em mắc các bệnh về phụ khoa, từ đó làm cho quy trình sản xuất và rụng trứng không diễn ra như bình thường. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những bệnh lý này có thể làm giảm khả năng thụ thai, từ đó gây ra vô sinh.
- Ảnh hưởng đến tuyến vú: Rối loạn nội tiết tố nữ có thể ảnh hưởng đến tuyến vú gây cảm giác đau, hình thành tăng sản tuyến vú và có thể bị ung thư vú.
- Các bệnh về da: Rối loạn nội tiết tố nữ sẽ gây mất cân bằng hormone, từ đó gây nên nhiều bệnh về da như nổi mụn, nám da, sạm da, da thô ráp, tàn nhang...
- Không kiểm soát được cân nặng.
Cách trị rối loạn nội tiết tố nữ
1. Điều trị bằng phương pháp tự nhiên
- Chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng, ít chất béo động vật, nhiều rau xanh và chất xơ, uống đủ nước, ăn đúng và đủ bữa, bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể...
- Chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, vừa phải và phù hợp với cơ thể.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức quá khuya hoặc ngủ không đúng giờ sinh học.
- Sử dụng các loại thuốc dựa trên sự chỉ dẫn đầy đủ của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc tránh thai.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.
2. Điều trị bằng can thiệp y tế
- Liệu pháp estrogen
- Kiểm soát sinh sản nội tiết tố: Thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, vòng âm đạo, vòng tránh thai.
- Thuốc chống androgen: androgen là hormone sinh dục có cả ở nam và nữ giới. Phụ nữ có nồng độ androgen cao có thể chọn dùng thuốc để ngăn chặn tác động của androgen như: rụng tóc, mọc lông mặt, mụn.
- Thuốc Metformin: Đây là loại thuốc dùng trong điều trị bệnh tiểu đường loại 2, có thể giúp trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang. Loại thuốc này có thể giúp giảm mức độ androgen và kích thích rụng trứng.
- Liệu pháp testosterone
- Liệu pháp hormon tuyến giáp
- Các loại thuốc điều trị ham muốn tình dục như: Flibanserin, Brasheranotide hay Eflornithine
Lưu ý: Tất cả các biện pháp can thiệp y tế trên đều phải qua hướng dẫn và điều trị của bác sĩ, tùy thuộc vào mức độ và tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ.
Nguồn tham khảo: Everything You Should Know About Hormonal Imbalance - Đăng tải trên trang tin y tế Healthline, xuất bản ngày 14/1/2020. |