Ba tháng đầu năm nay, Hà Nội ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 18/3, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết gần đây, thành phố ghi nhận rải rác nhiều ca sốt xuất huyết trong khi bệnh này thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Số mắc trung bình từ 17 đến 24 ca mỗi tuần. Quận, huyện có nhiều ca mắc nhất là Đống Đa với 81 ca, Hà Đông 58, Hoàng Mai 43, Hai Bà Trưng 32,...
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thủ đô ghi nhận 513 người mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 5 ổ dịch.
Các chuyên gia cho rằng đặc điểm và độc lực của virus gây sốt xuất huyết hiện không bất thường so với các năm trước. Tuy nhiên, nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện từ sớm và gia tăng là do công tác phòng, chống ở một số nơi chưa quyết liệt. Ngoài ra, thời tiết thay đổi thất thường, nồm ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh phát triển.
CDC Hà Nội dự báo số người mắc sẽ tăng trong thời gian tới, khuyến cáo người dân không chủ quan. Hiện Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, địa phương chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với từng cấp độ dịch.
Năm ngoái, Hà Nội ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2,4 lần so với 2022, trong đó có 4 ca tử vong.
Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng trên 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính khoảng 50-100 triệu trường hợp hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, gây nguy cơ cho gần một nửa dân số thế giới.
WHO đã cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất và là "mối đe dọa đại dịch". Biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tốc độ đô thị hóa gia tăng cùng với sự giao thương đi lại giữa các quốc gia có thể khiến bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực lưu hành nặng, trong đó có Việt Nam.
Bệnh nhân sốt xuất huyết với bàn tay đỏ au, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Thành
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, người bệnh có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít, giảm nhiều; tràn dịch đa màng ví dụ phổi, bụng...