Sờ vùng kín con trai 2 tuổi thấy bất thường, mẹ hoảng hốt khi bác sĩ nói nguyên nhân

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/08/2022 14:30 PM (GMT+7)

Mỗi lần tắm cho con trai và thấy vùng kín của trẻ có biểu hiện khác thường, người mẹ lo lắng, sợ con mắc bệnh ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.

Các bác sĩ khoa Nam học và Y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa tiếp nhận một trường hợp là cháu bé 2 tuổi, được mẹ đưa đến khám vì có những bất thường ở bộ phận sinh dục.

Theo người mẹ, từ khi con 1,5 tuổi, mỗi lần tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, chị thấy vùng bìu của trẻ có bất thường: tinh hoàn ở bìu phải lớn hơn bên trái. Qua theo dõi, người mẹ còn phát hiện, tinh hoàn con có sự biến đổi, lúc to, lúc nhỏ chứ không cố định. Đặc biệt gần đây, mỗi lần trẻ sốt thì khối bìu lại sưng to hơn và gây đau, khó chịu cho con.

TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính cho biết, qua khám lâm sàng và quan sát trên hình ảnh siêu âm, các bác sĩ phát hiện cháu bé bị tràn dịch tinh hoàn bên phải và được tư vấn điều trị. Nghe chẩn đoán này, mẹ bệnh nhi tỏ ra hoang mang vì sợ sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của con. Nắm bắt được tâm lý, các bác sĩ đã lập tức trấn an, bởi tràn dịch tinh hoàn có thể điều trị và xử lý được một cách dễ dàng.

Tràn dịch tinh hoàn ở trẻ sau 12 tháng tuổi cần được đưa đi sớm để xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa)

Tràn dịch tinh hoàn ở trẻ sau 12 tháng tuổi cần được đưa đi sớm để xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa) 

Trẻ sinh non dễ bị tràn dịch tinh hoàn

Theo bác sĩ Bắc, tràn dịch tinh hoàn là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ nam. Đây là bệnh lành tính, thường không biểu hiện triệu chứng nặng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan, cần đưa trẻ đến khám sớm nếu có những dấu hiệu bất thường, đề phòng biến chứng và những bệnh lý mắc kèm.

Theo thống kê, tràn dịch màng tinh hoàn chiếm tỷ lệ 3 - 5% ở trẻ đủ tháng, tăng lên gấp 3 lần ở trẻ sinh non. Đặc biệt trẻ sinh non dưới 30 tuần, thiếu cân (chào đời nhỏ hơn 1.500g) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với trẻ đủ tháng.

Khi trẻ bị tràn dịch tinh hoàn thường một bên hoặc cả hai bên bìu sẽ to hơn bình thường, bìu căng tròn, không có các nếp nhăn như bên còn lại, khối dịch có thể xuất hiện từ khi trẻ sinh ra, kích thước tăng dần theo thời gian.

Phụ huynh có thể quan sát bìu con thường to hơn vào buổi chiều hoặc sau khi trẻ chơi, chạy nhảy nhiều, buổi sáng bìu có thể xẹp, giảm kích thước trở về bình thường.

Sẽ gây biến chứng nếu không phát hiện sớm

Khi khối dịch kích thước nhỏ thường không gây đau, khó chịu, trẻ vẫn chơi, nhảy, ăn uống được bình thường. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, tràn dịch tinh hoàn có thể gây ra một số biến chứng nhất là khi khối dịch tụ số lượng lớn, dễ gây đau tức, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc.

Ngoài ra, khối dịch tụ lớn có thể khiến lưu lượng máu xuống tinh hoàn bị giảm đi và dẫn đến teo tinh hoàn, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh lý cũng như khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai. Nếu không xử lý kịp thời, nguy cơ tiến triển thành bệnh lý thoát vị bẹn, gây chèn ép làm tắc nghẽn dòng máu đi xuống tinh hoàn và gây suy giảm chức năng tinh hoàn. Đặc biệt, bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn có thể kèm theo tinh hoàn di động, làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn.

Với trẻ được chẩn đoán bị tràn dịch màng tinh hoàn, tùy từng trường hợp sẽ có những biện pháp điều trị phù hợp. Thông thường, tràn dịch màng tinh hoàn có thể tự mất đi sau 12 tháng sau sinh mà không cần điều trị gì, nên có thể theo dõi trẻ đến 12 tháng tuổi.

Phẫu thuật nội soi sử lý tràn dịch tinh hoàn sẽ mang lại nhiều lợi thế cho trẻ hơn là mổ mở. (Ảnh minh họa)

Phẫu thuật nội soi sử lý tràn dịch tinh hoàn sẽ mang lại nhiều lợi thế cho trẻ hơn là mổ mở. (Ảnh minh họa)

Không tự khỏi sẽ phải phẫu thuật sớm

Những trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn không tự mất đi sau 12 tháng, khối vùng bẹn tăng kích thước, gây đau tức cho trẻ hoặc xuất hiện thêm thoát vị bẹn thì phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất.

Theo bác sĩ Bắc, hiện phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn đang dần chiếm ưu thế so với phẫu thuật mổ mở do có nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, ít biến chứng, giảm tỷ lệ tái phát, có thể đánh giá được ổ bụng cũng như lỗ bẹn đôi bên, giảm thời gian phẫu thuật, nhanh phục hồi sớm sau phẫu thuật, nhanh được xuất viện.

Cuối cùng, bác sĩ Bắc cho rằng, bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn có thể dễ dàng phát hiện, chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng. Khi phát hiện những bất thường vùng bìu, bẹn, phụ huynh nên cho trẻ đến gặp bác sỹ sớm, để được tư vấn và điều trị hợp lý, kịp thời.

Nam sinh 16 tuổi phải cắt tinh hoàn vì chủ quan, bác sĩ chỉ dấu hiệu cần nhập viện ngay lập tức
Khi phát hiện những cơn đau bất thường ở tinh hoàn cần phải đến viện khám và xử lý ngay lập tức, nếu chủ quan người bệnh có thể phải cắt bỏ tinh hoàn.

Viêm tinh hoàn

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm tinh hoàn