Tác dụng của cà rốt và những ai không nên ăn cà rốt

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 25/07/2021 16:17 PM (GMT+7)

Tác dụng của cà rốt có rất nhiều nhưng không phải ai cũng có thể ăn cà rốt. Bạn nên cân nhắc ăn cà rốt vừa phải cho dù tốt tới đâu.

Cà rốt là một loại rau củ thường được coi là thực phẩm hoàn hảo cho sức khỏe. Cà rốt là một nguồn đặc biệt tốt của beta carotene, chất xơ, vitamin K1, kali và chất chống oxy hóa.

Chúng cũng có một số lợi ích cho sức khỏe, tốt cho việc giảm cân và có liên quan đến việc giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe của mắt. Hơn nữa, chất chống oxy hóa carotene của cà rốt có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.

Tác dụng của cà rốt và những ai không nên ăn cà rốt - 1

Giá trị dinh dưỡng

Hàm lượng nước của cà rốt dao động 86-95% và có khoảng 10% carbs. Cà rốt chứa rất ít chất béo và protein.

Thành phần dinh dưỡng trong 100 gram cà rốt sống là:

- Lượng calo: 41

- Nước: 88%

- Chất đạm: 0,9 gam

- Carb: 9,6 gram

- Đường: 4,7 gam

- Chất xơ: 2,8 gam

- Chất béo: 0,2 gam

Cà rốt là một nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng. Một nửa cốc cà rốt có thể cung cấp cho bạn tới:

- 73% nhu cầu vitamin A hàng ngày của bạn

- 9% lượng vitamin K hàng ngày của bạn

- 8% lượng kali và chất xơ hàng ngày của bạn

- 5% lượng vitamin C hàng ngày của bạn

- 2% lượng canxi và sắt hàng ngày của bạn

Tác dụng của cà rốt

Cải thiện tầm nhìn

Sự thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến bệnh viêm mắt, thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân chính có thể gây mù ở trẻ em. Cà rốt cung cấp vitamin A nên rất tốt cho mắt của bạn.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thể cải thiện thị lực khi ăn cà rốt, trừ khi họ bị thiếu vitamin A.

Cà rốt cũng chứa chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin, và sự kết hợp của hai chất này có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, một dạng mất thị lực.

Tác dụng của cà rốt với mắt là giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. (Ảnh minh họa)

Tác dụng của cà rốt với mắt là giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. (Ảnh minh họa)

Bệnh ung thư

Theo Viện Ung thư Mỹ, quá nhiều gốc tự do trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư. Tác dụng chống oxy hóa của các carotenoid có trong cà rốt và các loại rau khác có thể làm giảm nguy cơ này. 

Chất chống oxy hóa đã được chứng minh là có khả năng chống lại các gốc tự do có hại trong cơ thể, và điều đó có thể làm cho bạn ít bị ung thư hơn. Hai loại chất chống oxy hóa chính trong cà rốt là carotenoid và anthocyanins. Carotenoids tạo cho cà rốt có màu vàng và cam, trong khi anthocyanins chịu trách nhiệm tạo ra màu đỏ và tím.

Tốt cho tiêu hóa

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotenoid hơn có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết, theo nghiên cứu năm 2014 điều tra dữ liệu từ 893 người.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng những người tiêu thụ một chế độ ăn nhiều chất xơ có nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn những người tiêu thụ ít chất xơ.

Một củ cà rốt vừa chứa 1,7 g chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ có thể thúc đẩy sức khỏe đường ruột.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Cà rốt có hương vị ngọt ngào và chứa đường tự nhiên. Carbohydrate chiếm khoảng 10% của một củ cà rốt, và gần một nửa trong số này là đường. 30% khác của hàm lượng carbohydrate này là chất xơ. Một củ cà rốt trung bình cung cấp 25 calo.

Nhìn chung, cà rốt làmột loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp, nhiều chất xơ và tương đối ít đường. Vì lý do này, nó đạt điểm thấp về chỉ số đường huyết (GI). Điều này có nghĩa là chúng không có khả năng gây tăng đột biến lượng đường trong máu và an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Kiểm soát huyết áp và sức khỏe tim mạch

Chất xơ và kali trong cà rốt có thể giúp kiểm soát huyết áp.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến khích mọi người thêm ít muối hoặc natri trong bữa ăn và ăn nhiều thực phẩm có chứa kali, chẳng hạn như cà rốt. Kali giúp giãn các mạch máu, giảm nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch khác.

Một nghiên cứu năm 2017 cũng kết luận rằng những người ăn nhiều chất xơ ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những người ăn ít chất xơ. Ăn nhiều chất xơ cũng có thể giúp giảm cholesterol trong máu và cà rốt cũng cung cấp không ít chất xơ. 

Tác dụng của cà rốt và những ai không nên ăn cà rốt - 3

Cải thiện hệ miễn dịch 

Một chất chống oxy hóa khác mà cà rốt cung cấp là vitamin C.

Vitamin C góp phần sản xuất collagen. Collagen là một thành phần quan trọng của các mô liên kết và cần thiết cho việc chữa lành vết thương và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Vitamin cũng có trong các tế bào miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể ngăn ngừa một loạt bệnh, bao gồm cả ung thư. 

Một vài chuyên gia tin rằng bổ sung vitamin C có thể tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch. Ví dụ, tiêu thụ vitamin C có thể làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh cảm lạnh.

Tốt cho xương

Cà rốt chứa vitamin K và một lượng nhỏ canxi và phốt pho. Tất cả những điều này góp phần vào sức khỏe của xương và có thể giúp ngăn ngừa loãng xương.

Tác hại và những ai không nên ăn cà rốt

Một số người nên hạn chế ăn cà rốt như người dị ứng, người đang bổ sung vitamin A,... (Ảnh minh họa)

Một số người nên hạn chế ăn cà rốt như người dị ứng, người đang bổ sung vitamin A,... (Ảnh minh họa)

Tiêu thụ quá nhiều vitamin A có thể gây độc. Ngoài ra, nó có thể khiến da chuyển sang màu cam nhưng  điều này không gây hại cho sức khỏe.

Quá liều vitamin A khó có thể xảy ra chỉ vì chế độ ăn uống, nhưng nó có thể là kết quả của việc sử dụng chất bổ sung. Những người đang dùng các chiết xuất từ vitamin A nên ăn cà rốt điều độ để tránh quá liều vitamin A.

Bất kỳ ai đang bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới nên hỏi bác sĩ của họ về bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống nào.

Một số người bị dị ứng với các hợp chất trong cà rốt. Bất kỳ ai bị nổi mề đay, sưng tấy và khó thở sau khi ăn cà rốt đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ, một phản ứng có thể đe dọa tính mạng.

Nếu một người biết rằng họ bị dị ứng với cà rốt, họ nên kiểm tra cẩn thận các thành phần của sinh tố, súp rau và một loạt các sản phẩm khác.

Nguồn tham khảo

- What are the health benefits of carrots? - Medical News Today - Xuất bản ngày 4/12/2019

Củ dền có tác dụng gì với sức khỏe?
Củ dền có màu đỏ tía vô cùng bắt mắt. Đây cũng là một loại củ nhiều chất dinh dưỡng. Vậy củ dền có tác dụng gì?

Thực phẩm phòng bệnh

HOÀNG DƯƠNG (Dịch từ Medical News Today)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh