Nhiều người thường bỏ phần vỏ chanh đi mà không biết rằng vỏ chanh cũng đem lại rất nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Chanh là một loại trái cây phổ biến với vị chua đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc trong các loại nước giải khát. Trong khi phần cùi chanh được sử dụng nhiều nhất và phần vỏ lại bị bỏ đi thì trên thực tế, vỏ chanh đem lại rất nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Thành phần dinh dưỡng có trong 6 gam vỏ chanh:
- Lượng calo: 3
- Carbs: 1 gram
- Chất xơ: 1 gram
- Vitamin C: 9% giá trị hàng ngày (DV)
- Các khoáng chất: canxi, kali, magie
- D-limonene: Một hợp chất tạo nên mùi thơm đặc trưng của quả chanh và cũng được tìm thấy nhiều trong vỏ chanh.
Tác dụng của vỏ chanh
1. Hỗ trợ sức khỏe răng miệng
Sâu răng và nhiễm trùng nướu là những bệnh răng miệng phổ biến do một số vi khuẩn như Streptococcus mutans gây ra. Trong khi đó, vỏ chanh có chứa các chất kháng khuẩn có thể ức chế sự phát triển của vi sinh vật.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh 4 hợp chất trong vỏ chanh có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ và chống lại hiệu quả các vi khuẩn gây bệnh răng miệng phổ biến.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất vỏ chanh chống lại hoạt động của vi khuẩn Streptococcus mutans, với liều lượng cao hơn sẽ hiệu quả hơn.
2. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các hợp chất thực vật ngăn ngừa tổn thương tế bào bằng cách ức chế hoạt động của các gốc tự do trong cơ thể.
Vỏ chanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm D-limonene và vitamin C. Việc hấp thụ chất chống oxy hóa flavonoid như D-limonene có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tim và bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số nghiên cứu đã chỉ ra vỏ chanh có đặc tính chống oxy hóa mạnh hơn vỏ bưởi hoặc vỏ quýt.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng D-limonene làm tăng hoạt động của một loại enzyme giúp giảm căng thẳng oxy hóa. Căng thẳng oxy hóa có liên quan đến tổn thương mô và tăng tốc độ lão hóa của cơ thể.
Ngoài ra, vitamin C trong vỏ chanh hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và sức khỏe nói chung.
3. Đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm
Vỏ chanh có một số đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, lớp vỏ chanh đã gây hại và làm giảm đáng kể sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất vỏ chanh đã chống lại một loại nấm kháng thuốc gây nhiễm trùng da.
4. Tăng cường hệ miễn dịch
Như đã nói ở trên, vỏ chanh chứa rất nhiều flavonoid và vitamin C, nhờ đó có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Việc sử dụng vỏ chanh thường xuyên sẽ giúp cải thiện phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Một đánh giá dựa trên 82 nghiên cứu cho thấy việc sử dụng 1-2 gam vitamin C mỗi ngày giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc cảm lạnh thông thường ở người lớn và trẻ em. Vỏ chanh lại là một nguồn vitamin C rất lớn, do đó rất tốt cho hệ miễn dịch, ngăn ngừa các chứng bệnh cảm cúm thông thường.
5. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Huyết áp cao, cholesterol cao và béo phì là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.
Nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất như flavonoid, vitamin C và pectin - chất xơ chính trong vỏ chanh - có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, hợp chất D-limonene có trong vỏ chanh cũng làm giảm lượng đường trong máu, chất béo trung tính và mức cholesterol LDL ( cholesterol xấu), đồng thời tăng mức cholesterol HDL (cholesterol tốt). Vỏ chanh cũng có tác dụng làm giảm huyết áp, từ đó giảm các nguy cơ dẫn đến bệnh tim.
6. Có đặc tính chống ung thư
Lượng chất chống oxy hóa flavonoid trong vỏ chanh có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư và vitamin C có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào bạch cầu, giúp loại bỏ các tế bào ung thư bị đột biến. Hợp chất D-limonene cũng có đặc tính chống ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.
7. Hỗ trợ điều trị sỏi mật
Sỏi mật là chất lắng đọng cứng có thể phát triển trong túi mật, gây ra những cơn đau và khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy rằng hợp chất D-limonene có thể giúp điều trị sỏi mật. Trong một nghiên cứu ở 200 người bị sỏi mật, 48% trong số những người được tiêm dung môi D-limonene đã biến mất hoàn toàn sỏi mật mà không cần can thiệp phẫu thuật.
8. Công dụng trong ẩm thực và làm sạch
Vỏ chanh làm gia vị trong món ăn hoặc đồ uống:
- Nạo vỏ chanh vào các món nướng, salad, sữa chua, súp hoặc các loại nước xốt.
- Phơi hoặc nướng khô vỏ chanh, sau đó dùng để pha trà.
- Thêm vỏ chanh tươi vào trà nóng hoặc một số loại nước uống giải khát khác.
- Làm mứt vỏ chanh.
Vỏ chanh có tác dụng làm sạch hoặc khử mùi:
- Ngâm vỏ chanh trong giấm trắng trong vài ngày rồi dùng dung dịch này để làm sạch các bề mặt.
- Đặt vỏ chanh trong tủ lạnh hoặc dưới đáy thùng rác để khử mùi hôi.
- Dùng muối và vỏ chanh chà xát đề làm sạch một số nơi như bàn bếp, kệ inox, vòi inox...
- Cho vỏ chanh vào ấm nước rồi đun sôi để loại bỏ cặn khoáng.
- Đặt vỏ chanh ở góc bếp hoặc những nơi côn trùng thường xuyên xuất hiện để đuổi chúng hiệu quả.
Bài thuốc từ vỏ chanh
1. Vỏ chanh chữa bệnh ho
- Cách 1: Rễ và vỏ cây chanh 10g, vỏ rễ dâu hoặc tầm gửi cây dâu 10g, lá trắc bá 8g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 200 ml nước rồi đun sôi, để cạn tới khi còn 50ml, sử dụng uống luôn trong ngày.
- Cách 2: Vỏ chanh 12g, lá chua me đất hoa vàng 10g, lá hẹ 8g, lá xương sông 8g, hạt mướp đắng 5g, phèn chua 2g, 1-2 thìa đường, sắc lấy nước uống.
2. Vỏ chanh chữa đau răng, sâu răng
Đun nước vỏ chanh chữa đau răng bằng cách điều chế 12g vỏ chanh tươi, rễ cây cà dại 10g, vỏ cây lai 10g, vỏ cây trám 10g. Sắc lấy dung dịch cô đặc. Mỗi lần ngậm 1 ngụm trong vòng 5-10 phút rồi nhổ bỏ.
3. Vỏ chanh chữa cảm cúm, nhức đầu
Đun nước xông bao gồm các nguyên liệu lá chanh, vỏ chanh, lá bưởi, lá tre, cúc tần, hương nhu, mỗi thứ 50 g; bạc hà 20g, sả 2 củ, tỏi 3 nhánh. Đun nồi nước cho tới khi sôi, mùi thơm ngào ngạt rồi xông người cho ra nhiều mồ hôi, giải cảm.
4. Vỏ chanh trị viêm da, lở loét
Vỏ quả chanh nghiền thành bột mịn, hòa với 1 thìa cà phê bột long não, rễ cây hoa bạch xà giã nhỏ, sau đó bôi vào vết thương.
Nguồn tham khảo: 9 Benefits and Uses of Lemon Peel - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 19/8/2019. |