Hoa đậu biếc có rất nhiều lợi ích với sức khỏe và làm đẹp. Loại hoa này đã được nhiều người trên thế giới sử dụng.
Hoa đậu biếc là loại hoa có màu xanh lam đặc trưng, thường được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm, trà thảo mộc, bánh ngọt và nhiều đồ ăn, đồ uống khác. Hoa đậu biếc có nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp.
Hoa đậu biếc có nguồn gốc từ châu Á với tên khoa học là Clitoria ternatea. Hoa đậu biếc rất giàu hợp chất anthocyanins được gọi là ternatins, là chất chống oxy hóa giúp loại hoa này có màu xanh. Các nghiên cứu cho thấy ternatins có thể làm giảm bớt tình trạng viêm nhiễm và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Ngoài ra, hoa đậu biếc còn chứa một số chất chống oxy hóa khác, bao gồm:
- Kaemphferol: Chất chống oxy hóa có đặc tính chống ung thư.
- Axit p-Coumaric: Tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus, bảo vệ chống lại bệnh tật.
- Delphinidin-3,5-glucoside: Chất chống oxy hóa giúp kích thích chức năng miễn dịch, tiêu hủy tế bào ung thư đại trực tràng.
Tác dụng của hoa đậu biếc
1. Tốt cho da và tóc
Hoa đậu biếc là thành phần của rất nhiều sản phẩm làm đẹp như serum, dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc... Những chất chống oxy hóa trong hoa đậu biếc đều có lợi cho da và tóc.
Theo một nghiên cứu năm 2021, chiết xuất hoa đậu biếc có thể làm tăng độ ẩm trên da của bạn lên 70% trong một giờ sau khi thoa tại chỗ.
Nghiên cứu năm 2012 cho thấy chiết xuất hoa đậu biếc có thể hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển của tóc so với minoxidil, một sản phẩm phổ biến được sử dụng để điều trị rụng tóc.
2. Hỗ trợ giảm cân
Một nghiên cứu trên ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ hoa đậu biếc có thể làm chậm quá trình hình thành tế bào mỡ bằng cách điều chỉnh một số cách liên quan đến sự tiến triển của tế bào. Nghiên cứu khác cho thấy hoa đậu biếc cũng có thể ngăn chặn quá trình tổng hợp tế bào mỡ trong cơ thể. Do đó, nhiều người thường sử dụng hoa đậu biếc khi ăn kiêng để hỗ trợ giảm cân hiệu quả hơn.
3. Ổn định lượng đường trong máu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoa đậu biếc có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các triệu chứng liên quan.
Một nghiên cứu trên 15 người đàn ông cho thấy đồ uống có chiết xuất từ hoa đậu biếc làm tăng mức độ chống oxy hóa, giảm lượng đường trong máu và lượng insulin. Đặc tính chống oxy hóa của hoa đậu biếc có thể bảo vệ khỏi tổn thương tế bào và các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
4. Chống lại ung thư
Hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong hoa đậu biếc có khả năng ngăn chặn các tác động có hại của các gốc tự do gây ra, từ đó hạn chế được sự phát triển tế bào ung thư và bảo vệ bệnh nhân trong quá trình xạ trị.
5. Giảm căng thẳng
Những hợp chất có lợi trong hoa đậu biếc không chỉ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn giúp thư giãn, giảm căng thẳng và stress trong công việc, học tập.
Nên uống hoa đậu biếc vào lúc nào?
Trà hoa đậu biếc là thức uống phổ biến và rất dễ sử dụng. Bạn chỉ cần cho vài bông hoa đậu biếc khô (4 gam) vào một cốc nước nóng (240 ml), đợi khoảng 10-15 phút rồi thưởng thức. Bạn cũng có thể thêm một chút nước chanh hoặc mật ong để đồ uống thêm ngon miệng hơn.
Bạn có thể uống trà hoa đậu biếc cả ngày, tuy nhiên, thời điểm tốt nhất là từ 15-17h chiều và trước khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, nên uống trà hoa đậu biếc khi vừa mới pha xong để cảm nhận được hương vị đậm đà, đồng thời hấp thụ được trọn vẹn dinh dưỡng. Ngược lại, khi hãm quá lâu, trà hoa đậu biếc sẽ có màu sậm hơn, giảm hương vị thơm ngon. Để càng lâu, trà càng dễ bị oxy hóa, những chất chống oxy hóa trong trà cũng bị mất dần và vi khuẩn bắt đầu sinh sôi. Việc này ảnh hưởng đến cả chất lượng của trà lẫn sức khỏe người dùng.
Nhiệt độ lý tưởng để pha trà hoa đậu biếc là 75-90 độ C vì khi pha ở nhiệt độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến hương vị của trà. Ngược lại, nếu pha trà với nước quá nguội thì tinh chất trong trà sẽ không tiết ra được hết.
Người nào không nên uống trà hoa đậu biếc?
Trà hoa đậu biếc rất lành tính, tuy nhiên một số đối tượng không nên sử dụng trà hoa đậu biếc bao gồm:
- Trẻ nhỏ.
- Chị em đang mang thai.
- Phụ nữ đang tới kỳ kinh nguyệt.
- Người đang điều trị bệnh và sắp phải phẫu thuật.
- Người đang dùng thuốc chống đông máu.
- Người già có bệnh nền mãn tính.
- Người bị huyết áp thấp, đường huyết thấp.
Nguồn tham khảo: What Is Butterfly Pea Flower, and Does It Aid Weight Loss? - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 8/7/2021. |