Căn bệnh ung thư gan tiềm tàng trong cơ thể, bùng phát dữ dội và gây tử vong cao cho con người.
Rất nhiều người đã bỏ mạng vì căn bệnh ung thư gan, kể cả những người giàu có, được hỗ trợ từ các nguồn y tế chất lượng cao nhưng vẫn không thể cứu được mạng sống. Lý do dẫn đến điều này là ung thư gan thường được phát hiện ở giai đoạn cuối.
Mắc ung thư gan không khác nào bước vào 'cửa tử'. (Ảnh minh họa).
Các nhà khoa học chỉ ra, các triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Một lá gan khỏe mạnh chỉ cần hoạt động 1/4 năng suất tổng để cơ thể hoạt động tốt. Do đó, khi gan ung thư từng phần, chức năng gan vẫn tương đối khỏe mạnh trong giai đoạn đầu, cơ thể con người không xuất hiện các triệu chứng như suy giảm chức năng gan. Cơ thể chỉ xuất hiện các triệu chứng bất thường khi tế bào ung thư đã lan rộng ở gan.
Ngoài ra, ung thư gan rất dễ di căn. Di căn phổ biến nhất của ung thư gan là di căn trong gan. Các tế bào ung thư ở nửa bên trái của gan có thể dễ dàng di căn sang nửa bên phải. Đồng thời, các khối u cũng có thể làm tắc các mạch máu. Theo cấu tạo cơ thể con người, có một mạch máu quan trọng gần gan được gọi là tĩnh mạch cửa. Nếu khối u làm tắc tĩnh mạch cửa, sẽ gây ra hiện tượng huyết khối khối u tĩnh mạch cửa. Hiện tượng này khiến cho ung thư dễ tái phát.
Nguyên nhân gây ung thư gan
Một nghiên cứu chỉ ra, hơn 90% bệnh nhân ung thư gan có tiền sử bệnh gan mãn tính lâu năm. Đa số các bệnh ung thư gan đều đi kèm với các mức độ xơ gan khác nhau. Nguyên nhân chính gây ra xơ gan là do virus viêm gan siêu vi cũng như tiền sử nghiện rượu hoặc uống nhiều rượu bia trong thời gian dài. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy 85% -90% ung thư gan có liên quan đến viêm gan B. Bản thân bệnh viêm gan B tương đối dễ chuyển thành viêm gan mãn tính.
Ung thư gan còn do việc thường xuyên ăn thực phẩm hết hạn sử dụng, hư hỏng, ẩm mốc. Những loại thực phẩm này rất dễ sinh ra độc tố aflatoxin, là chất gây ung thư bậc 1, có độc tính cao gấp 68 lần asen. Cơ thể sau khi bị nhiễm các độc tố này sẽ trở nên dễ mắc ung thư. Một trường hợp gần đây được báo Trung Quốc đăng: một phụ nữ Trung Quốc bị phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối. Tìm hiểu tiền sử ăn uống, bác sĩ phát hiện cô hay ăn nấm Tremella (nấm tuyết nhĩ). Quá trình chế biến, cô thường ngâm nấm nước rất lâu, làm sản sinh ra nấm mốc gây ung thư gan. Do đó, bác sĩ khuyến cáo không nên ăn thực phẩm dễ có nấm mốc. Bảo quản, chế biến thực phẩm không đúng cách dễ sinh ra độc tố aflatoxin. Tiếp xúc chất này thường xuyên có thể làm hỏng chức năng tế bào gan, gây đột biến DNA tế bào gan và cuối cùng gây ung thư gan.
Dầu ăn không chất lượng cũng là một yếu tố gây ung thư gan. Việc thường xuyên ăn đồ nhiều gia vị cũng gây ra căn bệnh nguy hiểm này. Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm được tẩm ướp có vị đậm đà hơn, kích thích vị giác và khiến người ăn cảm thấy rất ngon miệng. Tuy nhiên, lượng lớn muối từ thực phẩm sẽ tạo thành nitrosamine làm tổn thương gan, không chỉ dễ gây viêm gan mà còn dễ dẫn đến biến đổi ác tính của tế bào gan, gây ung thư gan.
Làm gì để ngăn ngừa ung thư gan?
Gan rất quan trọng đối với cơ thể con người. Nếu không được bảo vệ đúng cách, sau khi gan gặp vấn đề, các chức năng của cơ thể như chuyển hóa và giải độc, sản xuất máu, lưu trữ máu, sản xuất mật sẽ suy giảm, dẫn đến sự suy yếu trong cơ thể.
Để ngăn ngừa ung thư gan, điều quan trọng là tránh xa các nguy cơ có thể gây ung thư như uống rượu bia, dùng thực phẩm hư hỏng, nấm mốc... Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau quả. Các thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, nhiều loại vitamin và nguyên tố vi lượng, có tác dụng giảm bớt gánh nặng giải độc cho gan.
Đối với những người bình thường, nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc không chỉ giúp cải thiện năng lượng, tinh thần mà còn bảo vệ gan, tăng lượng máu đến gan, giúp tế bào gan có đủ thời gian để sửa chữa và tái tạo. Nếu bạn nhận thấy chức năng gan suy giảm hoặc có tiền sử bệnh như viêm gan, gan nhiễm mỡ thì nên tăng cường chế độ ăn uống cho bản thân, đến bệnh viện kiểm tra bệnh gan thường xuyên, chú ý sức khỏe thể chất.