Dù biết bản thân mắc bệnh viêm gan, nhưng người đàn ông không điều trị vì cuộc sống bận rộn, kết quả sau đó bệnh tiến triển thành ung thư giai đoạn cuối.
BSCK II Nguyễn Trường Giang, khoa Ngoại Gan mật-Tiêu hóa và Ung bướu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 42 tuổi, nhập viện trong tình trạng khối u gan gần 20 cm xâm lấn cơ hoành, có cả huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới lan tới sát tim.
Theo đánh giá của bác sĩ Giang, đây là khối u rất lớn nên thường xuyên gây ra những cơn đau cho bệnh nhân, kèm theo nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa cũng có thể dẫn đến suy gan cấp và các biến chứng như vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Đặc biệt, huyết khối tĩnh mạch chủ dưới có nguy cơ tử vong cao. Với những kết quả thăm khám trên, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư gan đã tiến triển đến giai đoạn cuối, xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch cửa.
Khai thác bệnh sử được biết, từ năm 2014 nam bệnh nhân này được chẩn đoán mắc viêm gan B thể hoạt động từ năm 2014. Tuy nhiên, do cuộc sống bận rộn, bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Đầu năm 2024, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau tức hạ sườn phải và sút cân nghiêm trọng, mất khoảng 8-10 kg. Đến tháng 5/2024, bệnh nhân được phát hiện là ung thư gan giai đoạn muộn.
Do không tuân thủ điều trị, bệnh nhân đã mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Giang cho rằng, khối u của bệnh nhân không chỉ gây đau đớn liên tục mà còn có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Nếu không phẫu thuật, sẽ dẫn đến suy gan cấp, gây tử vong nhanh chóng. Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã cân nhắc có ba yếu tố chính trong trường hợp này, cụ thể:
- Thứ nhất là toàn trạng bệnh nhân: Bệnh nhân 42 tuổi, còn trẻ và mặc dù mắc viêm gan B mạn tính nhưng các chức năng cơ bản của cơ thể vẫn ổn định. Bệnh nhân đủ khả năng chịu đựng một ca phẫu thuật lớn.
- Thứ hai chức năng gan: Trước phẫu thuật, các xét nghiệm chức năng gan của bệnh nhân cho thấy phần gan còn lại sau khi cắt gan phải vẫn đủ để duy trì hoạt động, giảm thiểu nguy cơ suy gan sau mổ.
- Thứ ba giai đoạn bệnh: Mặc dù bệnh nhân đã ở giai đoạn ung thư tiến xa, nhưng mục tiêu của phẫu thuật không phải là chữa khỏi hoàn toàn mà là kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ những nhận định trên, các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật cho bệnh nhân, dù bệnh đã ở giai đoạn muộn, với khối u lớn, xâm lấn mạch máu chính. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trong những trường hợp như thế này là rất thấp.
Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật và đã được xuất viện, tiếp tục được theo dõi theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: BVCC.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 9 giờ đồng hồ, bao gồm việc cắt bỏ hoàn toàn gan phải (kích thước gần 20 cm), lấy huyết khối từ tĩnh mạch chủ dưới và tái tạo lại mạch máu. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải sử dụng hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể để duy trì sự ổn định tuần hoàn máu. Đặc biệt, các bác sĩ phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng rối loạn đông máu, mất máu nhiều và toan chuyển hóa nặng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân bắt đầu cải thiện sau hai ngày. Đến ngày thứ năm sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được rút ống thở và các cơ quan dần hồi phục. Hiện bệnh nhân đã ổn định và ra viện.
Theo bác sĩ Giang, tại thời điểm này, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị tối ưu cho các trường hợp ung thư gan tiến xa như của bệnh nhân. Phẫu thuật vẫn là phương án điều trị có tỷ lệ thành công cao nhất. Tuy nhiên, người bệnh phải được theo dõi cực kỳ sát sao trong quá trình hồi phục để tránh các biến chứng nguy hiểm.