Các loại thực phẩm rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày nếu không biết cách chế biến thì rất dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng.
Trong những ngày Tết ngoài những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò tai, thịt gà, cá mú… rất nhiều gia đình còn muốn đổi món với nồi lẩu sôi ùng ục trên mâm để nhúng đồ tươi sống, rau xanh. Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình còn chuẩn bị sẵn một số đồ ăn nhanh như nem chua, nem thính…ăn kèm rau sống.
Việc đổi món để đỡ bị ngán, ngấy là rất cần thiết tuy nhiên các chuyên gia lại cảnh báo rằng nếu không được chế biến đảm bảo sẽ khiến cơ thể hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề. Đặc biệt là vấn đề nhiễm ký sinh trùng.
TS.BS Đỗ Trung Dũng - Viện Sốt rét- Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, thói quen sử dụng rau sống, tái đặc biệt là các loại rau thủy sinh như: rau cần, rau muống, rau cải xoong… sẽ khiến ấu trùng sán lá gan lớn đi vào trong cơ thể và gây bệnh cho nhiều người.
TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Ảnh: Lê Phương.
Còn đối với những trường hợp sử dụng các loại đồ ăn như cá nhúng, gỏi cá mè, trắm, trôi… sẽ rất dễ nhiễm các loại sán lá gan nhỏ. Những trường hợp bị nhiễm sán lá gan nhỏ, thường sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật… thậm chí ung thư đường mật.
Để phòng bệnh do sán lá gan gây ra, TS Dũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các lại thực phẩm như gỏi, tái từ cá. Với rau sống, tốt nhất người dân nên từ bỏ thói quen này, nếu không cần phải rửa rau dưới vòi nước, hoặc ngâm rau trong thuốc tím với nồng độ cho phép để diệt ấu trùng trước khi ăn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám và Điều trị chuyên ngành (Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết thông thường hàng năm thời điểm sau Tết Nguyên đán, số lượng người đến khám vì mắc các bệnh liên quan đến giun sán tăng lên rất nhiều, trong đó nhiều nhất là: sán lá gan, sán não, giun đũa chó mèo,…
Ăn sống các loại rau thủy sinh có nguy cơ nhiễm sán lá gan rất cao.
Điều đáng nói là nhiều trường hợp mắc ký sinh trùng nhưng lại không hề nghĩ mình đang mắc bệnh. Với những người bị sán lên não thì cho rằng mình bị u não, động kinh. Còn với những người bị sán lá gan thì lại nghĩ bị ung thư gan, thực tế đã có người nhầm lẫn phải cắt một phần lá gan vì ký sinh trùng nhầm tưởng thành ung thư.
Theo các chuyên gia, các bệnh ký sinh trùng thường không gây chết người ngay lập tức mà nó dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống của con người. Để phòng những căn bệnh này, tuyệt đối không ăn thịt lợn, bò tái chín, không ăn tiết canh.
Đối với các loại rau thủy sinh cần phải rửa sạch sẽ không ăn tái, sống. Khi rửa cần phải rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước để trứng, ấu trùng có thể trôi đi. Đối với vật nuôi trong gia đình cần phải tẩy giun sán định kỳ, đầy đủ.
Các loại thịt tái sống ẩn chứa các loại sán, ký sinh trùng nguy hiểm.
Ngoài ra, mọi người cần phải chú ý việc tẩy giun định kỳ cho các thành viên trong gia đình. TS Đỗ Trung Dũng cho biết, tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm giun, hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc tẩy giun trong cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
“Việc tẩy giun thì ai cũng phải làm, tuy nhiên đối tượng nhiễm giun nhiều là trẻ em. Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ở lứa tuổi trẻ tiểu học tại một số địa phương như Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang… có tỷ lệ nhiễm giun vẫn còn cao.
Không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng có nguy cơ nhiễm giun rất lớn, nếu người lớn không tẩy giun thì sẽ có nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng rất cao”, TS Dũng nhấn mạnh.