Có thể nhiều người đã từng nghe tới tên quả thanh trà nhưng chưa thực sự hiểu rõ loại quả này như thế nào, có tốt hay không và ăn ra sao. Vậy quả thanh trà là quả gì? Tác dụng của quả thanh trà ra sao?
Thanh trà là quả gì?
Thanh trà hay còn được gọi là sơn trà, chanh trà là loại cây mọc dại rất dễ trồng, ưa nắng. Quả thanh trà được người dân miền Tây thuần dưỡng và dần dần trở thành đặc sản của vùng đất này.
Tại Việt Nam, thanh trà mọc hoang ở vùng Bảy Núi, đến thập niên 1950 mới bắt đầu có mặt ở Cần Thơ. Sau đó, chúng được nhân rộng và trồng nhiều từ An Giang xuống Vĩnh Long, Cần Thơ. Quả thanh trà thường được bày bán dọc những con đường từ tháng 12 đến tháng 4.
Thoạt nhìn, bạn sẽ dễ bị nhầm lẫn thanh trà với chanh hay dâu da. Tuy nhiên, thanh trà mọc thành chùm với lá xanh mướt, khi chín sẽ có quả màu vàng cam đẹp mắt, lớp vỏ bên ngoài nhẵn mịn, hương thơm ngào ngạt.
Thay vì có vị chua ngọt xen lẫn, thanh trà lại có hai loại với hai vị chua ngọt rõ ràng. Bạn có thể phân biệt theo những đặc điểm sau đây để dễ dàng lựa chọn, phục vụ cho nhu cầu của mình.
- Thanh trà ngọt: Trái thon, hơi dài, vỏ dày, cứng, có lớp phấn trắng phủ bên ngoài.
- Thanh trà chua: Trái tròn, vỏ mỏng, khi chín sẽ có màu vàng sậm ngả về cam.
Theo nghiên cứu thì cứ 149 gram quả thanh trà sẽ cung cấp cho cơ thể 70 calories, 18 gram chất đạm, 1 gram chất xơ và 3 gram provitamin A. Ngoài ra, thanh trà còn đáp ứng được 46% nhu cầu vitamin B6, 7% nhu cầu folate, 5% nhu cầu magie và 5% nhu cầu về kali hàng ngày.
Trái thanh trà có tác dụng gì?
- Tác dụng của quả thanh trà đối với sức khỏe tim mạch:
Nhờ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa mà thanh trà có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả. Các nhà khoa học cho biết, magie và kali trong thanh trà giúp điều chỉnh huyết áp hay các hoạt động bình thường của động mạch.
Nghiên cứu của Đại học Sapienza (Italy) cho thấy, carotenoid và phenolic có trong thanh trà cũng giúp chống lại bệnh tim nhờ ngăn ngừa các tổn thương tế bào và giảm viêm hiệu quả. Đồng thời carotenoid giúp ngăn ngừa việc tích tụ mảng bám ở trong động mạch, từ đó giảm yếu tố nguy cơ tử vong do bệnh tim.
- Chống ung thư:
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chiết xuất từ vỏ quả thanh trà còn có tác dụng phòng chống bệnh ung thư. Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Quốc gia JeJu (Hàn Quốc) cho biết, sau khi phân tách chiết xuất vỏ quả thanh trà, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng nó có tác dụng ức chế sự phát triển và lây lan của tế bào bệnh ung thư bàng quang.
Bên cạnh đó, các hợp chất như carotenoid (cụ thể là beta-carotene) hay phenolic (acid chlorogenic) cũng có tác dụng phòng tránh ung thư hiệu quả trên các nghiên cứu ống nghiệm và trên động vật.
- Hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể:
Các nhà khoa học cho biết quả thanh trà có thể hỗ trợ thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Hay nói cách khác có thể giúp bạn giảm mức độ chất béo trung tính và bệnh tiểu đường nhờ giảm insulin, từ đó phòng chống bệnh tiểu đường.
- Một số tác dụng khác của quả thanh trà:
Ngoài các tác dụng tiêu biểu của quả thanh trà kể trên thì còn có những tác dụng khác như:
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa
- Tốt cho não bộ
- Bảo vệ phổi
- Cải thiện thị lực
- Kháng viêm mạnh mẽ ở bệnh nhân bị bệnh não, bệnh tim hay bệnh đái tháo đường.
Quả thanh trà rất có lợi cho sức khỏe.
Trái thanh trà ăn thế nào?
Theo kinh nghiệm của những người trồng thanh trà, các bộ phận ăn được bao gồm: quả chín, quả xanh, lá cây thanh trà, tất cả đều có thể ăn liền hoặc qua chế biến. Một số cách ăn thanh trà như:
- Ăn thanh trà chưa qua chế biến: Bạn có thể ăn ngay khi quả chín bằng cách bóc lớp vỏ và cách ăn tương tự như xoài chín. Những người thích ăn chua hoàn toàn có thể dùng thanh trà xanh lắc muối ớt tương tự như món xoài lắc muối ớt.
- Ăn thanh trà đã qua chế biến: Thanh trà (chín hoặc xanh) nấu canh chua với sườn, thanh trà xanh/ lá thanh trà trộn gỏi, thanh trà làm nước sốt ăn kèm món nướng hoặc làm mứt quả thanh trà.
Ngoài ra bạn còn có thể dùng thanh trà chín để giải khát như: Thanh trà ngâm đường, thanh trà dầm đá,...