Thịt lợn không phải thực phẩm vàng, nhiều loại khác có giá trị dinh dưỡng còn cao hơn

Ngày 23/06/2020 16:00 PM (GMT+7)

Bảng so sánh giá trị dinh dưỡng cho thấy, rất nhiều loại thực phẩm có thể thay thế thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày mà vẫn đảm bảo được dinh dưỡng cho người dùng.

Nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm

Lâu nay thịt lợn là món ăn truyền thống và được người dân sử dụng nhiều nhất trong số các loại thực phẩm. Tuy nhiên, hiện thịt lợn đang tăng giá nên việc sử dụng thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của các gia đình. Vì thế, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng người dân có thể chọn các loại thực phẩm khác sử dụng thay phiên, không nhất thiết bữa cơm nào cũng phải có thực phẩm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, có rất nhiều loại thực phẩm khác có giá trị về mặt dinh dưỡng người dân có thể sử dụng ví dụ như thịt gà, thịt bò, tôm, cua, cá… thậm chí là các loại hạt cũng rất có giá trị về dinh dưỡng.

Theo tiến sĩ Hưng, không chỉ riêng trong thời điểm thịt lợn đắt mà ngay cả khi thịt lợn được bán với giá thông thường, người dân cũng nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm. Bởi nhiều chất dinh dưỡng trong thịt lợn không có hoặc có rất ít, nhưng lại có ở những thực phẩm khác.

Thịt lợn không phải thực phẩm vàng, nhiều loại khác có giá trị dinh dưỡng còn cao hơn - 1

Bảng so sánh giá trị dinh dưỡng của thịt lợn với các loại thực phẩm khác. Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Ths.Bs. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, ăn uống để thích ứng với giá cả thị trường, cũng như túi tiền của mình.

Theo đó, giá thịt lợn hiện rất cao, thậm chí cao gấp hơn 2 lần so với các loại thực phẩm khác như cá, trứng các loại, thịt gà, đậu đỗ,… Người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như: cá, trứng, đậu, lạc, vừng, mà lại có giá trị dinh dưỡng rất cao và tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Tiến cho rằng, người dân nên ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành), trung bình 1,5kg thịt/tháng. Tăng cường ăn thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần, trung bình 2,5kg cá/tháng.

Ngoài ra, nên tăng sử dụng đậu tương và chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành... (nguồn chất đạm, chất béo quý giá, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol) và các hạt họ đậu khác. Nên ăn 2-3kg đậu phụ/tháng.

Cần đảm bảo một tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật (mỡ lợn, mỡ gà,...) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc...) . Nên giữ trong khẩu phần hàng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không nên vượt quá 60%, nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật.

Thịt lợn không phải thực phẩm vàng, nhiều loại khác có giá trị dinh dưỡng còn cao hơn - 2

Nhiều loại thực phẩm khác có thể thay thế thịt lợn cho bữa ăn gia đình.

Cách chọn thực phẩm an toàn

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, dù là loại thực phẩm nào cũng cần phải đặc biệt chú ý khi lựa chọn để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, ôi thiu. Đồng thời, bác sĩ chia sẻ một số cách chọn thực phẩm sạch, an toàn:

- Chọn thịt (lợn, gà, bò…): Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh. Màu sắc bình thường: thịt lợn màu hồng tươi, thịt bò màu đậm vừa phải (không quá sẫm), thịt trâu màu tím đỏ. Khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.

- Chọn cá: Cá còn tươi tốt nhất là cá đang sống. Nếu cá vừa mới chết nhưng thân cá co cứng, khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống. Mắt cá trong suốt, nhãn cầu lồi, giác mạc đàn hồi, miệng ngậm cứng, mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế không có nhớt và không có mùi hôi, vây tươi, sáng óng ánh, dính chặt vào thân, không có niêm dịch hoặc có ít niêm dịch trong, không có mùi ươn ôi.

- Chọn mực nên chọn con to, dày mình, trắng trong, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang. Lưu ý, mực kém tươi là mực đã chuyển sang màu hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh.

- Chọn trứng: Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, can xi, sắt, kẽm, se len, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, acid béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi, cholesterol…

- Thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, đồ đông lạnh… cần chọn sản phẩm có thương hiệu, cơ sở sản xuất uy tín, đầy đủ nhãn mác, thành phần dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h

Tin hay đừng bỏ lỡ