Nhiều người còn rất trẻ cũng đã bị mắc các bệnh về thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay có nhiều trường hợp chưa tới 40 tuổi cũng bị bệnh này. Thoái hóa khớp gây đau đớn, ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống cũng như năng lực lao động của người bệnh.
Do nhiều nguyên nhân
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thắng, Khoa Xương khớp, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bệnh thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất ở khớp do tổn thương các thành phần như: sụn khớp, xương dưới sụn và màng khớp. Những khớp thoái hóa sớm thường là những khớp lớn, chịu lực như: khớp gối, khớp háng, cột sống, khớp vai…
Người bị bệnh thoái hóa khớp thường có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau; mất chức năng của khớp, có tiếng kêu vùng khớp… Song đau là triệu chứng được nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng của bệnh khớp thường ít đặc trưng. Không ít bệnh nhân bị bướu ở đầu các xương (bướu đại bào xương, bướu nguyên bào sụn, bọc xương phồng máu, ung thư xương…) đã bị chẩn đoán nhầm là viêm khớp hay thoái hóa khớp.
Để chẩn đoán chính xác thoái hóa khớp phải dựa vào hình ảnh X-quang, cộng hưởng từ (MRI), siêu âm, xét nghiệm máu, dịch khớp, tế bào, nội soi, sinh thiết…
Thoái hóa khớp nguyên phát là do vấn đề về tuổi tác (phụ nữ mãn kinh bị giảm nội tiết tố nữ), do yếu tố cơ học (các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần), di truyền và sinh hóa (khiếm khuyết về thành phần cấu tạo sụn khớp).
Thoái hóa khớp thứ phát như loãng xương, chấn thương khớp, sai lệch điểm tì đè lên mặt khớp. Béo phì cũng là nguyên nhân thứ phát gây ra thoái hóa khớp bởi dẫn tới sự quá tải cho khớp, nhất là các khớp chi dưới.
Bên cạnh đó, nguyên nhân thứ phát gây ra thoái hóa khớp còn là do bệnh viêm khớp, bệnh nhân dùng quá nhiều thuốc corticoid, hay người bị cường tuyến yên, cường tuyến thượng thận.
Để ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp, bác sĩ Thắng khuyên chúng ta hãy duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp, luyện tập thể thao đúng yêu cầu, tránh nằm, ngồi, đứng lâu một chỗ. Vì như vậy sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Đặc biệt, không nên ở tư thế ngồi không có điểm tựa (ngồi xổm tác động xấu tới khớp gối và cột sống thắt lưng)…
Bệnh thoái hóa khớp ở người trẻ (Ảnh minh họa)
Điều trị khác nhau cho từng trường hợp
Bệnh thoái hóa khớp do nhiều nguyên nhân nên quan niệm chỉ cần dùng một phương thuốc là hoàn toàn sai lầm.
Trước tiên là điều trị theo nguyên nhân gây ra thoái hóa. Chẳng hạn nếu nguyên nhân bởi viêm khớp thì phải điều trị viêm, do chấn thương thì phải điều trị chấn thương…
Tiếp đến phải kháng viêm, giảm đau để giúp người bệnh tiếp tục sinh hoạt và làm việc bình thường. Có thể bác sĩ sẽ dùng các thuốc kháng viêm không steroid (không nên dùng các thuốc có corticoid).
Không chỉ thế, bệnh nhân còn cần giảm áp lực đè lên các khớp bị thoái hóa. Ví dụ người bệnh béo phì cần giảm cân, không chạy nhảy khi khớp đang tổn thương, không khiêng vác nặng…
Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thêm thuốc bổ xương, khớp cũng như các thuốc chống loãng xương tùy trường hợp (glucosamine, chondrotine, calcium, vitamin D, alendronate, raloxifene...).
Người bị thoái hóa khớp vẫn phải vận động tập luyện. Việc vận động nhiều hay ít tùy thuộc từng nhóm nguyên nhân gây thoái hóa khớp.
Chỉ khi nào tiến hành điều trị nội khoa thoái hóa khớp thất bại, bệnh nhân mới được bác sĩ cân nhắc chỉ định cho phẫu thuật (nội soi cắt lọc, đục xương chỉnh trục, thay khớp...).
PGS-TS Thắng khuyên: “Trong bộn bề công việc hằng ngày, chúng ta nên sắp xếp hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể rất cần sự nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Đau là dấu hiệu báo động sớm nhất, chúng ta cần phải ngưng ngay những tác nhân gây đau để bảo vệ khớp”.