Ung thư phổi đang hàng ngày cướp đi sinh mạng của con người, rất nhiều người không biết rằng chính những thói quen tưởng chừng vô hại như nấu nướng trong nhà bếp lại là “kẻ sát nhân” đang hủy hoại sức khỏe của con người.
Bác sĩ Lại Cơ Minh, giáo sư Khoa nội tại Bệnh viện Vạn Phương (Đài Bắc, Đài Loan) chia sẻ với Ettoday về trường hợp một cặp vợ chồng cùng mắc ung thư phổi. Bà Trần 65 tuổi, cùng chồng làm việc trong nhà hàng tiệc đứng (buffe) gần 20 năm. Cả hai thường xuyên ở trong môi trường khói dầu với nhiệt độ cao, nhưng vợ chồng bà Trần rất ít khi đeo khẩu trang, trực tiếp đối diện với khói dầu khi nấu ăn. Sau khi trở về nhà, bà Trần lại tiếp tục đứng bếp nấu ăn cho mọi người trong gia đình.
Bà Trần cùng chồng thường xuyên tiếp xúc với khói dầu trong nhà bếp hơn 20 năm, thủ phạm dẫn đến ung thư phổi
Hai năm trước, chồng bà Trần phát hiện bị ung thư phổi, sau một năm chữa trị, ông đã qua đời. Khi chồng bị ung thư phổi qua đời, bà mới cảm thấy bản thân mình thời gian dài thường xuyên khó thở. Vì nghi ngờ bản thân cũng có thể mắc bệnh giống chồng, bà Trần mới đến bệnh viện để kiểm tra. Sau khi thực hiện CT Scan ngực liều thấp (LDCT), quả nhiên phát hiện khối u 0,3cm.
Tác hại của khói dầu trong nhà bếp đối với sức khỏe
Nấu nướng ở nhiệt độ càng cao, dầu ăn càng sinh ra nhiều chất độc hại. Ở nhiệt độ khoảng 60 độ C, dầu ăn sẽ bắt đầu quá trình oxy hóa. Trên 100 độ C, các axít béo bắt đầu phân hủy thành nhiều hợp chất có hại, glycerin sẽ tổng hợp thành acrolein, chính là khói dầu có vị cay nồng. Độc tính của dầu ăn sẽ trở nên mạnh hơn ở mức trên 200 độ C đến mức dầu bốc lửa. Người hít phải khói này chắc chắn sẽ rất hại sức khoẻ.
Hầu hết các món rán đều phải để dầu sôi nhiệt độ cao, việc khói dầu lan tỏa trong nhà, đặc biệt là nhà kín, tiềm ẩn nhiều nguy hại. Khói nấu nướng phóng ra từ dầu ăn có vị cay nồng, kích thích niêm mạc mũi, mắt, họng, làm tổn thương tổ chức tế bào của đường hô hấp, có thể dẫn đến các bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm khí quản. Thường xuyên hít phải loại khói dầu ăn này còn có thể dẫn đến hen suyễn, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
Trong không gian kín của bếp, các chất khí độc hại như CO2, CO, NO2 từ các nguyên liệu đốt trong nhà bếp như khí than, hơi gas, khói bốc lên từ dầu ăn khiến người nấu ăn cảm thấy choáng váng, mệt mỏi. Khói nóng thậm chí có thể gây bỏng thanh quản khi hít phải.
Làm thế nào để giảm sự xuất hiện và tử vong của ung thư phổi?
Phương pháp phòng ngừa ung thư là thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Viện sĩ Bành Uông Gia Khang, phó chủ tịch Quỹ Ung thư Đài Loan chỉ ra rằng ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài việc tránh xa các yếu tố nguy cơ cao, điều quan trọng nhất là sàng lọc sớm. Nghiên cứu tại Đài Loan cho thấy bệnh nhân ung thư phổi không hút thuốc chiếm 53%. Đặc biệt là phụ nữ Đài Loan mắc ung thư biểu mô tuyến phổi, có 90% không hút thuốc và nam giới cũng có 40% không hút thuốc, điều này chứng tỏ những người không hút thuốc cũng không tránh khỏi mắc bệnh ung thư phổi.
Ngoài hút thuốc, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, và các yếu tố môi trường là những kẻ giết người ung thư phổi thầm lặng trong cuộc sống của người hiện đại, ví dụ như khói thuốc lá thụ động, khói dầu nhà bếp, khí thải giao thông, môi trường làm việc gây ung thư (kim loại nặng, phóng xạ, tiếp xúc với amiăng) đều là những yếu tố gây nguy hiểm.
Phát hiện sớm và điều trị sớm có tác dụng đáng kể trong việc chữa ung thư phổi. Bác sĩ Lại Cơm Minh cho rằng, ung thư phổi được phẫu thuật cắt bỏ trong vòng một centimet và tỷ lệ chữa khỏi là 95%. Do đó, kiểm tra thể chất thường xuyên là rất quan trọng, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Hiện tại, LDCT có thể phát hiện tổn thương phổi dưới 0,3 cm.