Nhiều người cho rằng, việc “nhịn yêu” một thời gian để dồn “con giống” vào một thời điểm sẽ làm tăng khả năng có thai. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, liệu cách này có hiệu quả?
Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Không phải “nhịn yêu” lâu sẽ tăng khả năng mang thai
Nhiều cặp vợ chồng khi có ý định mang thai đã tìm mọi cách để tăng khả năng thụ thai được cao nhất. Trong đó, phương pháp “dồn con giống” được nhiều quý ông áp dụng.
Theo đó, người phụ nữ sẽ tính ngày rụng trứng theo chu kỳ kinh nguyệt, sau đó hai vợ chồng “nhịn yêu” cả một tháng hoặc 15 ngày để chờ thời điểm thụ thai tốt nhất mới quan hệ tình dục. Mục đích của việc này là để phóng được số lượng tinh trùng nhiều nhất, từ đó tăng khả năng dính bầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, việc “nhịn yêu” không làm tăng mà thậm chí còn làm giảm cơ hội thụ thai của các cặp vợ chồng.
Bác sĩ Thành cho rằng, nam giới không nên nhịn yêu để dành "con giống".
Theo bác sĩ Thành, khi tinh trùng tích tụ lâu, chất lượng có thể không còn tốt, ví dụ như độ di động kém hơn, tỷ lệ "tinh binh" bị thoái hóa, đứt đuôi sẽ nhiều lên, vì thế khả năng thụ thai sẽ thấp.
“Việc canh ngày rụng trứng ở phụ nữ là hợp lý, còn với nam giới không cần “nhịn yêu” mà nên quan hệ thường xuyên. Đó là lý do vì sao khi các cặp đôi hiếm muộn tới khám chúng tôi thường khuyên nên quan hệ đều đặn, tuần 2-3 lần trước ngày rụng trứng để tối ưu khả năng có thai tự nhiên. Việc quan hệ đều sẽ giúp tinh trùng luôn được làm mới và nâng cao chất lượng”, bác sĩ Thành chia sẻ.
“Nhịn yêu” có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Bác sĩ Thành cho biết, hiện nay câu hỏi, đàn ông nhịn “yêu” được bao lâu vẫn chưa có đáp án chính xác. Thậm chí, tần suất quan hệ tình dục của mỗi nam giới là khác nhau, không có một chuẩn mực nhất định. Nhưng có những yếu tố chi phối đến hoạt động này như: thể chất, sự thay đổi nội tiết tố nam, sự kiểm soát hành vi của mỗi người.
Ví dụ những người phải công tác xa ở ngoài hải đảo, đi công trình, họ vẫn có thể “nhịn yêu” cả tháng, thậm chí là hơn thế và vẫn biết cách kiểm soát bản thân, hành vi. Ngược lại, có những trường hợp chỉ “nhịn yêu” một tuần hay một ngày cũng không thể chịu được, phải tìm cách giải toả.
Đối với nam giới, bác sĩ Thành cho rằng chu kỳ nội tiết tố sẽ theo từng ngày. Theo đó, vào buổi sáng sẽ có một đỉnh tiết nội tiết tố nam testosterone, đây cũng là lý do sáng dậy nam giới hay thấy “cậu nhỏ chào cờ”. Sau thời điểm đó lượng testosterone sẽ giảm dần trong ngày.
Khi sáng dậy "cậu nhỏ" không "chào cờ" chứng tỏ nội tiết tố nam đang suy giảm. Ảnh minh họa.
Do đó, khi thức dậy vào buổi sáng, nam giới nếu không thấy “cậu nhỏ chào cờ” thì đó có thể là dấu hiệu chỉ điểm nguy cơ suy giảm nồng độ testosteron và cần đi khám nam khoa để được tư vấn kịp thời.
Còn chu kỳ của nữ giới là theo tháng (theo chu kỳ kinh nguyệt). Vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, khi nang trứng phát triển tốt nhất, cơ thể sẽ tiết ra nhiều nội tiết tố nữ, đặc biệt là estrogen, giúp chị em dễ hưng phấn và trơn tru hơn trong hoạt động tình dục. Gia đoạn chuẩn bị rụng trứng là thời điểm chị em sẽ có nhu cầu cao nhất, từ đó giúp quan hệ dễ thụ thai.
Do vậy, rõ ràng nam giới sẽ bị thôi thúc thường xuyên bởi nhịp nội tiết tố nam hàng ngày, còn phụ nữ sẽ thấy kích thích nhất giữa chu kỳ trong tháng. Do đó, thông thường, khả năng nhịn yêu hay kìm chế tình dục của nam giới sẽ kém hơn với nữ giới là do liên quan tới vấn đề nội tiết tố trong cơ thể.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, việc quan hệ đều đặn và khoa học sẽ có nhiều lợi ích với cơ thể. Kiêng quan hệ quá lâu cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tinh trùng của nam giới.
Tin liên quan
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Tin bài cùng chủ đề Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành
Nhiều người ngại quan hệ vì vùng kín gặp vấn đề, trong đó có tình trạng “cỏ” gây phiền phức và muốn được dọn dẹp sạch sẽ. Điều này có cần thiết hay không? TS.BS Phan Chí Thành, Chánh Văn...