Có rất nhiều món ăn quen thuộc trong dịp Tết mọi người hay nấu cùng nhau. Tuy nhiên, đa phần lại không biết rằng sự kết hợp đó gây hại cho sức khỏe.
Tết là thời gian các gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. Đồng thời, đây cũng là thời điểm các gia đình phá vỡ những quy tắc sinh hoạt vốn có trong ăn uống hàng ngày. Điển hình như việc, bình thường các gia đình ăn 3 bữa/ngày, nhưng ngày Tết số lượng bữa ăn và năng lượng nạp vào cơ thể chắc chắn sẽ tăng hơn nhiều.
Không chỉ có vậy, trong quá trình chế biến thực phẩm, vì nhanh chóng tiện lợi nên nhiều gia đình không chú ý dẫn đến việc kết hợp các món ăn tối kỵ với nhau, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, cũng như sức khỏe lâu dài.
Các chuyên gia cho rằng, về cơ bản với số lượng ăn của mỗi người, việc kết hợp thực phẩm kỵ nhau khi ăn không gây ra tình trạng ngộ độc cấp (trừ một số trường hợp đặc biệt như: dị ứng, hệ tiêu hóa yếu…). Tuy nhiên, nếu kết hợp lâu dài thì sẽ gây ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa, cũng như hấp thu vào cơ thể.
Bác sĩ Đào cho biết có một số nhóm thực phẩm kết hợp với nhau là không tốt.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào - Phó khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, đối với các thực phẩm kỵ nhau như một số người truyền tai nhau đa số là do các cụ từ xa xưa đúc rút mà thành hoặc đứng trên phương diện đông y.
Còn về tây y, cũng có những nhóm thực phẩm, nhóm chất được khuyến cáo không nên kết hợp với nhau. Ví dụ như không nên dùng nước chè (trà) sau khi dùng các thực phẩm chứa hàm lượng canxi lớn vì sẽ gây ra tình trạng vón cục, khó tiêu hóa. Hoặc trước khi sử dụng các thực phẩm giàu canxi thì nên ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột, như vậy việc hấp thu canxi sẽ tốt hơn…
Dưới đây là một số thực phẩm không nên kết hợp với nhau, nhất là trong dịp Tết:
- Hải sản không kết hợp với bia rượu: Hải sản giàu protein, chuyển hóa thành acid uric theo nước tiểu ra ngoài, cồn (rượu) có thể gây tích tụ acid lactic cạnh tranh với việc bài tiết acid puric. Uống rượu làm tăng acid puric trong máu, dễ gây bệnh gút.
- Hải sản với vitamin C: Ăn tôm, cua có chứa hợp chất arsenicum hóa trị 5, nếu như ăn chung với rau quả có chứa vitamin C, sẽ làm arsenicum hóa trị 5 chuyển thành hóa trị 3, rất độc hại.
- Gan động vật không xào với giá đỗ: Các loại giá đỗ, rau cần chứa nhiều vitamin C còn gan động vật có hàm lượng các chất đồng, sắt và một số nguyên tố kim loại khác khá cao dễ làm cho vitamin C bị oxy hóa trong quá trình chế biến.
Không những thế, trong giá đỗ, rau cần, cà rốt có chứa nhiều chất cellulose và acid oxalic ảnh hưởng tới sự hấp thụ sắt có trong gan lợn, làm mất giá trị dinh dưỡng của cả 2 loại thực phẩm này.
- Thịt bò không nấu với tôm: Nhiều gia đình ngày Tết thường có thói quen ăn lẩu. Trong món lẩu thường kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó điển hình là thịt bò và tôm. Tuy nhiên, đây là sự kết hợp không tốt, bởi trong thịt bò chứa sắt, tôm chứa canxi, sắt và canxi không thể chuyển hóa cùng một lúc nên nấu chung sẽ bị mất tác dụng bổ dưỡng.
- Cà rốt không kết hợp với củ cải: Khi nấu canh hầm hoặc súp nhiều gia đình thường cho củ cải và cà rốt nấu cùng nhau vừa tạo vị ngọt, vừa thêm màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, sự kết hợp này không có lợi về mặt dinh dưỡng. Bởi trong cà rốt có chứa enzyme có thể phá hủy vitamin C. Do đó, lượng vitamin C trong củ cải cũng sẽ bị phá hủy hoàn toàn khi ăn kèm với cà rốt.
Mặc dù các chuyên gia đã cảnh báo về những sự kết hợp sai cách trong thực phẩm, tuy nhiên theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào thì để bảo vệ sức khỏe ngày Tết, bản thân mỗi người cần phải có ý thức trước. Theo đó, bữa ăn ngày Tết cũng phải giống ngày thường, cần đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, có như vậy mới đảm bảo sự hấp thu dinh dưỡng tốt nhất. Bữa ăn đầy đủ dưỡng chất là phải kết hợp tinh bột, chất đạm, chất xơ và hoa quả tươi.