Có nhiều thực phẩm mà người bện đái tháo đường nên sử dụng hàng ngày.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính gây tổn hại sức khỏe, chi phí tốn kém do nhiều biến chứng nặng nề. Hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh đái tháo đường nhưng 80% trường hợp ở tuýp 2 có thể phòng tránh được bằng tăng cường hoạt động thể lực và chế độ ăn uống hợp lý. Dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh đái tháo đường nên dùng hàng ngày:
Các loại đậu: Các loại hạt đậu như đậu nành, đậu tương, lạc, đậu hà lan… có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đến 47%. Đây là còn là loại thực phẩm hữu ích nhất trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì chúng chứa nhiều chất xơ, chất béo không bão hòa đơn, protein… giúp ổn định đường huyết. Vì vậy, nên sử dụng thường xuyên giúp ổn định đường huyết.
Các loại trái cây ít ngọt: Hàng ngày bệnh nhân đái tháo đường cần ăn trái cây tươi vừa có tác dụng chống lão hóa, vừa là thức ăn bổ sung vitamin, muối khoáng tốt nhất. Không nên ép lấy nước uống, chất xơ ở trái cây là thành phần quan trọng làm giảm đường, làm chậm hấp thu đường và giảm lượng đường sau khi ăn. Các loại quả nên ăn là anh đào vì chứa rất nhiều chất anthocyanin với tác dụng kích thích sản xuất insulin; Ổi, bưởi cũng có tác dụng giảm đường huyết. Ngoài ra, táo, lê, mơ, quả kiwi, dâu tây, lựu, bơ, xoài,... là những loại quả có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ, người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng. Còn một số loại quả có chỉ số đường huyết cao như: chuối, nho, dưa hấu, dứa, cam…người bệnh nên rất hạn chế.
Để tránh làm tăng đường huyết người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn như; Không ăn nhiều hơn 150g mỗi lần, khoảng cách giữa hai lần ăn trái cây phải tối thiểu 6 giờ. Uống nhiều nước ngay sau khi ăn trái cây.
Rau xanh tốt cho người bệnh đái tháo đường (Ảnh: Internet)
Các loại rau: Rau quả là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ. Rau nhiều chất xơ như: bông cải xanh, măng tây, cà rốt và rau bina, rau muống, ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, dưa chuột, củ cải trắng, đậu bắp,... nên dùng nhiều rau xanh trong ngày nếu thích, có thể hơn mức 400g (tương đương 2 - 3 bó rau) tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Vì trong nhiều loại rau khả năng giữ lượng đường trong máu ở mức độ kiểm soát và tăng cường sản xuất insulin, hormon giúp cơ thể hấp thụ glucose. Vì vậy, hàng ngày cần ăn một trong các loại rau trên tốt cho bệnh nhân mắc đái tháo đường.
Cá, tôm, thịt nạc: Thịt nạc không chỉ chứa ít chất béo bão hòa mà còn có một lượng chất đạm dồi dào, có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol xấu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, bệnh nhân đái tháo đường nên ăn thịt nạc hàng ngày. Cá bơn, cá trích, cá hồi, cá rô phi, cá mòi, cá ngừ, sò điệp, tôm, sò, thịt gia cầm (bỏ da) và thịt thăn chính là những nguồn protein lý tưởng cho những người bệnh đái tháo đường.
Lưu ý: Phải ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói nhưng cũng không ăn quá no. Chia nhỏ bữa ăn (ít nhất 4 bữa). Người bệnh cũng nên ăn bữa phụ buổi tối để tránh hạ đường huyết ban đêm. Không nên thay đổi chế độ ăn cũng như khối lượng của các bữa ăn.