Sau khi có biểu hiện tức ngực, ho khạc ra đờm có sinh vật lạ…người phụ nữ đi khám thì bất ngờ phát hiện mình bị nhiễm giun lươn trong cơ thể.
Nguy kịch vì bị nhiễm giun lươn
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân bị nhiễm giun, trước khi nhập viện người phụ nữ này thấy trên da có những nốt sẩn và di chuyển ngoằn ngoèo.
Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng người phụ nữ này còn cảm thấy tức ngực, ho ra đờm và theo dõi thì thấy có sinh vật nhỏ ở trong dịch tiết đờm. Khi thấy hiện tượng lạ, người phụ nữ đã đi khám ở nhiều nơi, sau khi xét nghiệm huyết thanh, bác sĩ kết luận chị bị nhiễm giun lươn, nên đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ để khám và điều trị.
Hình ảnh một nữ bệnh nhân bị giun lươn bò dưới da sau khi được điều trị. Ảnh: Lê Phương.
Tại bệnh viện, nữ bệnh nhân cho biết, bản thân mình gốc là người Việt nhưng đang sinh sống tại Lào. Khi thấy những hiện tượng bất thường, đã quay trở về Việt Nam khám bệnh. Còn trong cuộc sống hàng ngày, nữ bệnh nhân chỉ trồng và chăm sóc hoa tại mảnh nhỏ trước sân, chứ không hề làm ruộng.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc trồng hoa, thường xuyên tiếp xúc với đất có thể là nguyên nhân khiến giun lươn xâm nhập và trú ngụ trong cơ thể.
Thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên mắc bệnh giun lươn từng được phát hiện. Trước đó, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương cũng từng điều trị cho một bệnh nhân suýt tử vong vì nhiễm giun lươn.
Đó là trường hợp một người phụ nữ ở Nghệ An, sau khi có các triệu chứng mệt mỏi, xanh xao, ăn vào là nôn, nên đã đến viện thăm khám. Kết quả thăm khám bước đầu, bác sĩ cho rằng nữ bệnh nhân này bị rối loạn trào được. Tuy nhiên sau gần 2 tháng điều trị không thuyên giảm, bệnh nhân sút gần 20kg và tình trạng ngày càng nguy kịch nên đã xin về nhà.
Những đường bò ngoằn nghèo của giun lươn dưới da người phụ nữ. Ảnh Lê Phương.
Tuy nhiên, một bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng và yêu cầu làm các xét nghiệm. Kết quả, nữ bệnh nhân này nhiễm ký sinh trùng giun lươn. Ngay lập tức, người bệnh được chuyển đến Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương điều trị.
Tại Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, sau khi được điều trị nữ bệnh nhân không còn nôn khi ăn. Khoảng 10 ngày kể từ khi vào viện, thể trạng nữ bệnh nhân cải thiện nhanh và đã được ra viện.
Nguy cơ tử vong với người nhiễm giun lươn nếu bị suy giảm miễn dịch
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, giun lươn tồn tại tự do và lâu dài trong đất, đặc biệt là ở những nơi có tập tục đi vệ sinh ngoài môi trường, thì vùng đất đó sẽ nhiễm giun lươn nhiều.
Nếu đi chân trần vào vùng đất có ấu trùng giun lươn, chúng sẽ đi xuyên qua da tạo các nốt di chuyển ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột.
Tại ruột, chúng đẻ trứng nở thành ấu trùng giun, thải theo phân gây ô nhiễm đất. Một số ấu trùng lại tái xâm nhập ngay trong lồng ruột qua da gần hậu môn vào máu và tạo ra lứa giun mới.
Giun lươn tồn tại rất lâu ở trong đất, cũng như trong cơ thể con người qua các chu kỳ: Ấu trùng, giun lươn trưởng thành, giun lươn đẻ trứng và thành ấu trùng.
“Chính cơ chế tái đi tái lại này khiến nhiều bệnh nhân ở thành phố vài chục năm không đi chân đất vẫn bị nhiễm giun lươn như thường”, BS Cấp cho hay.
Khi mắc giun lươn, thông thường không có các triệu chứng rõ rệt, đôi khi xuất hiện mẩn ngứa hoặc các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón tiêu chảy xen kẽ.
75% người bị nhiễm giun lươn có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên những bệnh nhân này nếu vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt… và tỉ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%.
Với các bệnh nhân siêu nhiễm thường có biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc và hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Bệnh nhân có ARDS cần được thở máy với phương thức bảo vệ phổi. Bệnh nhân có sốc cần được điều trị chống sốc và hỗ trợ các tạng bị suy.
Với các bệnh nhân nhiễm giun lươn thông thường, điều trị đặc hiệu bằng thuốc thường kéo dài khoảng 2 tuần.