Không ai có thể ngờ chiếc áo ngực tưởng như vô hại lại là thứ có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ. Bài viết được biên tập viên Mary Gold của trang Daily Mail (Anh) chia sẻ dưới đây là một trường hợp như vậy.
Tôi tưởng mình đau tim nhưng hóa ra sự thật lại hoàn toàn khác
Trong khoảng 6 tháng, tôi từ thỉnh thoảng bị đau nhói ngực dần chuyển sang đau thường xuyên hơn. Hầu như ngày nào tôi cũng có cảm giác như có dao đâm giữa ngực khiến tôi nghẹt thở và kéo dài tới 40 phút cho đến khi thuốc giảm đau có tác dụng.
Có những lúc, tim đập nhanh và mạnh đến mức tôi tưởng như có thể nhìn thấy nó đập qua lớp quần áo. Vì tình trạng này mà tôi phải uống 6 viên thuốc giảm đau mỗi ngày và phải 3 lần vào khoa cấp cứu vì sợ rằng cơn đau tim sắp xảy ra. Thế nhưng khi làm kiểm tra điện tâm đồ (ECG), các bác sĩ lại không phát hiện ra điều gì bất thường.
Trong 18 tháng tiếp theo, tôi đã trải qua một số kiểm tra ECG nữa và thậm chí cả chụp động mạch. Kết quả cho thấy mọi động mạch tới tim đều thông suốt, không tắc nghẽn nên cũng khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn phần nào. Tuy nhiên, tôi lại được chẩn đoán bị huyết áp cao và cholesterol cao nên được kê thuốc chẹn beta và statin.
Người phụ nữ bị đau nhói ở ngực trong thời gian dài cứ ngỡ bản thân mắc bệnh tim. (Ảnh minh họa)
Mặc dù sau đó cơn đánh trống ngực đã dịu đi nhưng cơn đau vẫn còn. Một ngày nọ do quá lo lắng, tôi đã đến gặp một nữ bác sĩ đa khoa. Ngay khi bác sĩ dùng tay kiểm tra và ấn vào vị trí xương sườn thứ tư thì tôi gần như nhảy ra khỏi ghế vì quá đau. Sau đó bác sĩ nói: "Cô bị viêm sụn sườn".
Tôi chưa bao giờ nghe nói về tình trạng này nhưng bác sĩ giải thích đó là tình trạng viêm sụn gắn xương sườn vào lồng ngực và thực tế nó khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nghiên cứu cho thấy cứ năm bệnh nhân thì có một người đi khám vì chứng đau ngực có liên quan đến cơ, xương sườn và khớp ở thành ngực. Mặc dù nó có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ và những người tập luyện quá sức tại phòng tập thể dục.
Khi gặp phải tình trạng này, bạn sẽ thấy đau nhói ở phía trước và đôi khi nó có thể rất đau đớn đến mức khiến mọi người hoảng sợ nghĩ rằng đó là điều gì tồi tệ hơn nhiều, chẳng hạn như vấn đề về tim hoặc phổi.
Trên thực tế, cơn đau do viêm sụn sườn xuất phát từ chấn thương ở lồng ngực - không phải từ tim, phổi hay mạch máu mà nó bảo vệ. Cụ thể, nó xuất phát từ một hoặc nhiều khớp giữa xương sườn và xương ức của bạn đã bị viêm. Vị trí đau thường gặp nhất là gần xương ức, ngang mức xương sườn thứ tư, thứ năm và thứ sáu. Nếu không bị đau ở vùng đó, nguyên nhân gây đau ngực khó có thể là do viêm sụn sườn.
Chiếc áo ngực "thảm họa" là nguyên nhân
Bác sĩ Tom Walton, bác sĩ tư vấn về bệnh thấp khớp và chuyên gia về viêm sụn sườn tại Bệnh viện Đa khoa Colchester (Anh) cho biết chẩn đoán viêm sụn sườn về cơ bản được thực hiện bằng cách loại trừ. "Có rất nhiều nguyên nhân gây đau thành ngực và trong y học, chúng tôi được dạy phải loại trừ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trước khi chuyển sang các chẩn đoán lành tính hơn", bác sĩ Tom nói.
Điều này có nghĩa là trước tiên hãy kiểm tra các tình trạng như bệnh tim mạch vành và cục máu đông, những yếu tố có thể gây ra các triệu chứng tương tự, sau đó mới kiểm tra các bệnh ít nguy hiểm hơn.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là nhiễm trùng vùng ngực (tình trạng nhiễm trùng phổi hoặc đường hô hấp lớn) do virus gây ra những cơn ho nặng thường kéo dài 4-6 tuần. Ngoài ra, chấn thương do nâng vật nặng hoặc tai nạn ô tô cũng có thể gây ra bệnh này, cũng như các chuyển động lặp đi lặp lại làm căng thành ngực, chẳng hạn như tập quá sức ở phòng tập thể dục. Cũng có những trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.
Mặc dù bệnh viêm sụn sườn thường tự khỏi nhưng một số bệnh nhân vẫn có các triệu chứng dai dẳng giống như tôi, khiến họ cảm thấy suy nhược và sự lo lắng có thể làm cho nó càng tồi tệ hơn.
Mặc áo ngực không vừa vặn khiến tình trạng đau của người phụ nữ thêm nghiêm trọng hơn. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp của tôi, bác sĩ Walton cho rằng thuốc statin mà tôi dùng có thể góp phần gây ra chứng đau ngực vì đau cơ và khớp có thể là tác dụng phụ thường gặp của thuốc. Tuy nhiên, ông vẫn khuyên tôi nên tham khảo ý kiến bác sĩ đa khoa trước để xem thuốc có phải là nguyên nhân. Điều bất ngờ là bác sĩ đa khoa khám cho tôi lại đưa ra một nguyên nhân khác mà tôi không thể ngờ.
Cô ấy nói: "Bạn nên kiểm tra xem mình có đang mặc áo ngực đúng cỡ không, vì một chiếc áo ngực không vừa vặn có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn".
Trải qua nhiều tháng đau đớn, đây là điều chưa bao giờ tôi nghĩ đến nên đồng ý đi kiểm tra. Chuyên gia nội y nhìn chiếc áo ngực 38B tôi đã mặc hàng chục năm và lắc đầu. Hóa ra phần gọng áo đã đè lên chính bầu ngực trong khi dây đai phía sau cũng bị kéo quá cao. Nó hoàn toàn là một "thảm họa" với tôi. Sau đó, tôi được gợi ý chuyển sáng áo ngực cỡ 40D và quả thực đã tạo ra sự thay đổi lớn. Tôi cảm thấy thoải mái, dễ thở và bớt đau ngực hơn nhiều.
Tôi cảm thấy khá ngu ngốc nhưng khoảng 80% phụ nữ Anh mặc áo ngực sai kích cỡ. "Hình dáng cơ thể của chúng ta thay đổi liên tục do những sự kiện quan trọng trong đời, chẳng hạn như sinh con, giảm hoặc tăng cân hoặc tập thể dục, mặc áo ngực đúng kích cỡ có thể thay đổi cuộc sống", Soozie Jenkinson - chuyên gia thiết kế đồ lót cho hay.
Đồng ý với quan điểm trên, giáo sư Joanna Wakefield-Scurr, người đứng đầu nghiên cứu về sức khỏe vú tại Đại học Portsmouth cho biết: "Rất nhiều phụ nữ mặc cỡ 34B ở độ tuổi 20 vẫn tiếp tục mua cỡ đó ngay cả sau khi họ đã có con. Ngay cả trong chu kỳ kinh nguyệt, ngực đã có thể tăng thể tích lên tới 44%.
Có bằng chứng cho thấy chiếc áo ngực không vừa vặn sẽ ảnh hưởng đến lưng, cổ và vai, gây đau và nhức đầu dữ dội. Tôi từng thấy vết lõm trên vai phụ nữ do dây áo ngực quá nhỏ và quá chật. Điều này có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh ở cánh tay, cảm giác như kim châm và tê ở tay. Việc mặc áo ngực không phù hợp sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe".
Hơn nữa, mặc áo ngực không vừa vặn có thể gây ra sự mất cân đối trong dáng đi và hoạt động của cơ. Cơ bắp sẽ rất căng khi mặc sai áo ngực nhưng chúng sẽ giãn ra nếu bạn mặc đúng cỡ. Bạn cần cảm thấy thoải mái khi mặc áo ngực vì chọn sai có thể làm thay đổi cấu trúc cơ thể.
Quay lại vấn đề viêm sụn sườn, hầu hết các trường hợp đều nhẹ và khỏi trong vòng vài tháng và có thể dùng hoặc không dùng thuốc. 9/10 người sẽ không còn đau đớn trong vòng một năm. Theo kinh nghiệm của tôi, đi bộ vung tay nhanh bên ngoài trong một giờ cũng tạo ra sự khác biệt, cũng như tránh nâng vật nặng. Sau một thời gian, vấn đề của tôi đã chấm dứt hoàn toàn.