Trẻ nhỏ mới tập đi, việc vấp ngã là điều bình thường. Tuy nhiên khi trẻ đã biết đi (trên 3 tuổi) vẫn thường xuyên té ngã, cha mẹ nên cảnh giác bởi đó có thể dấu hiệu bệnh lý.
Trẻ mới biết đi chưa kiểm soát vận động tốt, khả năng phối hợp và thăng bằng chưa hoàn thiện nên khi đi lại thường lắc lư là điều bình thường. Thông thường, bạn chỉ cần dành nhiều thời gian cho trẻ tập đi ở các bề mặt khác nhau như cỏ, nền đất,... hơn thì khả năng đi lại của trẻ sẽ tự nhiên được cải thiện.
Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên bị ngã ngay cả trong môi trường bằng phẳng, không có vật chắn hoặc luôn ngã ngay khi đứng dậy, bạn nên cảnh giác và đưa trẻ đi khám sớm.
Bác sĩ Li Yizhen, chuyên gia vật lý trị liệu tại Trung tâm Đánh giá và Điều trị Phát triển Trẻ em của Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết những cú ngã bất thường ở trẻ mới biết đi có thể do các vấn đề về thị lực, sức cơ không đủ, khả năng giữ thăng bằng kém,...
Nếu con bạn thường xuyên bị ngã khi đi, trẻ có thể cần đến khám tại các chuyên khoa như khoa Mắt, Phục hồi chức năng Nhi khoa hoặc Chỉnh hình Nhi, và nhờ bác sĩ chẩn đoán xem vấn đề của trẻ là gì để tìm tới phương pháp xử lý tốt nhất.
Bởi vì trẻ em đôi khi có thể cố tình ngã để tìm kiếm sự chú ý của người lớn, hoặc đơn giản là vì chúng cảm thấy vui nhộn, hài hước hoặc nghịch ngợm, nên tốt nhất các bậc cha mẹ nên quan sát một thời gian trước khi đi khám để loại trừ các tình trạng trên trước khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Nếu trẻ đã biết đi (trên 3 tuổi) nhưng vẫn hay bị té ngã thì có thể là do chân dài, chân ngắn, chân chữ O, sức cơ chi dưới yếu, dây chằng cổ chân lỏng lẻo, loạn sản xương hông, tích hợp các giác quan bất thường, kiểm soát cử động kém, phối hợp hai bên kém, hoặc thăng bằng kém.
Trẻ đã biết đi (trên 3 tuổi) nhưng vẫn hay bị té ngã, cha mẹ nên cảnh giác. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là 8 nguyên nhân có thể gây ra tình trạng trẻ đã biết đi nhưng thường xuyên té ngã.
1. Nhận thức thị giác không bình thường: Trẻ có nhận thức thị giác không bình thường có thể vấp ngã hoặc dẫm lên không trung vì chúng không thể xác định khoảng cách đến vật trước mặt hoặc đánh giá sai kích thước của vật đó.
2. Sự nhận cảm trong cơ thể có vấn đề: Proprioception (sự nhận cảm trong cơ thể) là khả năng cơ thể cảm nhận được vị trí, chuyển động và hành động. Đó là lý do chúng ta có thể di chuyển tự do mà không cần suy nghĩ có ý thức về môi trường xung quanh.
Khi sự nhận cảm trong cơ thể trẻ có vấn đề, chúng không thể kiểm soát hiệu quả vị trí và biên độ của phần thân và cử động của bàn tay và bàn chân. Do đó, trẻ thường bị ngã do bàn chân nâng lên không đủ cao, bước không đủ lớn và góc chân khỏi mặt đất không chính xác hoặc cũng có thể bị ngã do không biết cách điều phối cơ thể để leo lên bậc thang. Do cơ thể không kịp điều chỉnh để thích nghi với môi trường nên dù sau đó trẻ gặp tình huống như vậy vẫn sẽ bị ngã.
3. Cảm giác tiền đình bất thường: Trẻ có cảm giác tiền đình bất thường đi lại và lắc lư nhiều hơn so với người bình thường, chúng chỉ có thể lên xuống cầu thang hai bước một bậc. Ngay cả những bài thể dục đơn giản nhất cũng dễ bị chóng mặt, khó chịu và không thể xử lý được trạng thái chuyển động cơ thể.
4. Không đủ sức mạnh cơ bắp /sức bền của cơ: Trẻ không đủ sức cơ không thể điều chỉnh độ mạnh khi đi, khi sải bước sẽ đột ngột lao về phía trước hoặc bước chân quá yếu, không đủ sức. Trẻ em không đủ sức cơ có xu hướng mệt mỏi ngay sau khi đi được một chút và thường đòi bố mẹ bế.
5. Kiểm soát chuyển động kém: Trẻ kiểm soát chuyển động kém không thể di chuyển nhịp nhàng, và tư thế đi của trẻ cứng nhắc như một con rô bốt.
6. Phối hợp hai bên kém: Trẻ phối hợp hai bên kém không thể đi xen kẽ và luôn đi cùng tay và cùng chân.
7. Khả năng giữ thăng bằng kém: Đi bộ đòi hỏi khả năng đứng bằng một chân. Khả năng giữ thăng bằng kém hoặc sự cân bằng khác nhau giữa hai bàn chân (một chân mạnh và một chân yếu) sẽ khiến cơ thể trẻ dễ bị ngã.
8. Loạn sản xương hông: Loạn sản xương hông là một bất thường của khớp hông nơi phần ổ cắm không bao phủ hoàn toàn phần bóng, dẫn đến tăng nguy cơ trật khớp. Loạn sản hông có thể xảy ra khi sinh hoặc phát triển trong giai đoạn đầu đời. Bất kể, nó thường không tạo ra các triệu chứng ở trẻ nhỏ dưới một tuổi. Đôi khi một chân có thể ngắn hơn chân kia. Hông trái thường bị ảnh hưởng nhiều hơn bên phải. Biến chứng mà không điều trị có thể bao gồm viêm khớp, đi khập khiễng và đau thắt lưng.
Để phán đoán việc trẻ vấp ngã nhiều khi đi bộ có phải là vấn đề bất thường hay không, cha mẹ có thể để ý xem trẻ có thêm các biểu hiện sau không: trẻ luôn chúi đầu về phía trước khi đi, không nghe rõ người lớn nhắc nhở khi đi bộ, thấy có chướng ngại vật phía trước mà vẫn vấp ngã. Nếu trẻ có nhiều biểu hiện như trên khi đi thì có thể là dấu hiệu bệnh lý, phải đi khám để chẩn đoán và điều trị.