Việc tự chuẩn bị bữa sáng là tốt, tuy nhiên có một số điểm cần lưu ý, nhất là thói quen chuẩn bị sẵn đồ ăn hoặc tận dụng thức ăn còn thừa từ tối hôm trước.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Dân mạng khen nức nở khi mẹ tự chuẩn bị bữa sáng cho con
Mới đây, trên mạng xã hội, một bà mẹ chia sẻ về những bữa sáng tự chuẩn bị cho con và nhận được sự quan tâm của nhiều cư dân mạng. Kèm theo lời chia sẻ là hình ảnh những đĩa đồ ăn đầy đặn, đủ các món cơm-rau-thịt, cũng như bát bún, phở đổi bữa.
“Hồi đầu con mới đi học, mình cũng lóc cóc đi mua phở, xôi cho con ăn sáng. Xong sau mới nghĩ ra, cứ cơm nhà mà ăn cho mẹ đỡ phải đi”, người mẹ chia sẻ và cho biết thêm rằng, sau những bữa sáng tự chuẩn bị, giờ đây việc ăn cơm buổi sáng trong gia đình chị đã rất đỗi quen thuộc, giống như hơi thở mỗi ngày. Hơn thế nữa, các con chị cũng rất hưởng ứng việc này, mỗi suất cơm được mẹ chuẩn bị đều ăn hết và điều mừng nhất là các con ăn rau khá nhiều.
Hình ảnh người mẹ chia sẻ về bữa sáng tự chuẩn bị cho con được dân mạng khen tấm tắc. Ảnh chụp màn hình.
Không chỉ riêng người mẹ trên, hiện không ít phụ huynh tự chuẩn bị bữa cơm sáng cho con trước khi tới trường. Với họ, việc làm này vừa tiết kiệm, lại đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của con.
Anh Minh Hùng (ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh hôm nào cũng tự chuẩn bị bữa sáng và cả nhà luôn ăn xong trước 7h, sau đó nghỉ ngơi 15 phút trước đi các con tới trường.
Theo anh Hùng, việc chuẩn bị bữa sáng không quá cầu kỳ và không tốn nhiều thời gian. “5h30 gia đình tôi bắt đầu thực hiện bữa sáng, chỉ khoảng 45 phút là xong và bắt đầu ăn cơm. Hôm thì có thịt bò xào, hôm thì thịt rang, trứng đúc thịt, hoặc có thể đồ kho từ tối hôm trước và có ít nhất 2 loại rau kết hợp”, anh Hùng chia sẻ.
Ngoài những bữa cơm truyền thống, anh Hùng còn chuẩn bị những món như bún, miến, bánh mỳ để đổi bữa cho cả gia đình vào buổi sáng. Ảnh: NVCC.
Để có bữa ăn đủ chất cho con trong khoảng thời gian eo hẹp buổi sáng, anh Hùng cho rằng, điều quan trọng nhất là tính được trước bữa sáng hôm sau ăn gì, để đi chợ chuẩn bị sẵn thực phẩm từ chiều hôm trước. Thực phẩm ấy sẽ được bảo quản tươi trong tủ lạnh, sáng hôm sau chế biến để tiết kiệm thời gian. Ngoài cơm, thi thoảng anh Hùng cũng đổi món cho con bằng cách tự nấu bún, phở, miến hoặc làm bánh mỳ. “Việc đổi bữa là cần thiết, để các con đỡ cảm thấy ngán vì ngày nào cũng ăn cơm, nhưng tốt nhất vẫn là tự nấu. Bởi ngoài tiết kiệm thì còn rất an toàn so với đồ ăn mua ở ngoài”, anh Hùng nói.
Tự chuẩn bị bữa sáng là tốt nhưng cần chú ý một số điều
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trước tình trạng ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố gây ra như thời gian vừa qua, việc tự chuẩn bị bữa sáng tại nhà là lựa chọn thông minh và khoa học. Đây là điều luôn được các nhà dinh dưỡng khuyến cáo, vì ngoài yếu tố thực phẩm, dinh dưỡng, bữa cơm gia đình còn là nơi kết nối, gắn kết tình cảm của các thành viên.
Theo bác sĩ Hưng, dù là tự chuẩn bị tại nhà, nhưng mọi người có thể dùng bữa sáng với nhiều món khác nhau, chứ không nhất thiết ngày nào cũng phải là cơm. Nhưng nguyên tắc là phải đầy đủ, cân đối và đa dạng 4 nhóm thực phẩm chính là chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Theo BS Hưng, phụ huynh tự chuẩn bị bữa sáng cho con sẽ an toàn, tiết kiệm và đủ chất hơn. Ảnh: Lê Phương.
Ngoài vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, việc tự chuẩn bị bữa sáng còn giúp kiểm soát được năng lượng đầu vào cho mỗi thành viên trong gia đình. Hơn nữa, đồ ăn chắc chắn lành mạnh hơn so với việc sử dụng thực phẩm bán ở cổng trường. Các món bán sẵn như như bánh ngọt, thịt xiên nướng, xúc xích rán, bánh rán… là những đồ ăn sáng rất tệ, không chỉ với trẻ nhỏ, mà còn với những người trưởng thành. Những món ăn này tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, mất an toàn thực phẩm vì không được kiểm soát, nếu cho trẻ ăn mỗi ngày có thể bị mất cân đối về dinh dưỡng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Hưng cũng cho rằng, bữa sáng không cần quá cầu kỳ, mà điều cốt yếu là phải đủ chất và đa dạng thực phẩm. “Chúng ta có thể chỉ cần nấu những món đơn giản như thịt rang (xào), thịt băm hay các món chế biến từ trứng và kết hợp thêm 2-3 loại rau luộc, nấu canh hoặc salad. Thỉnh thoảng có thể đổi bữa bằng bún, phở, mỳ, ăn kèm trứng, thịt bò, cà chua, các loại rau xanh… Tùy theo điều kiện gia đình, bữa sáng có thể bổ sung một ly sữa nhỏ cho trẻ cũng rất tốt”, bác sĩ Hưng tư vấn.
Bác sĩ Hưng cảnh báo bữa sáng nên tránh ăn lại đồ thừa từ tối hôm trước, nhất là món canh rau. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Hưng lưu ý, hạn chế tối đa việc chế biến sẵn thực phẩm, bảo quản qua đêm để sáng hôm sau sử dụng. Đặc biệt, hiện có nhiều gia đình có thói quen nấu nhiều đồ ăn tối hôm trước, hoặc ăn thừa để hôm sau hâm nóng lại. Cách này biến việc tự chuẩn bị bữa sáng tại nhà thành phản khoa học, đặc biệt với những món như canh, rau, súp hay các món xào thừa hôm trước.
“Đồ ăn thừa để từ hôm trước, kể cả bảo quản trong tủ lạnh cũng rất dễ bị vi khuẩn tấn công và mất hết dinh dưỡng khi chế biến lại. Nếu có thể, chỉ nên dùng các món như kho, giò chả, thịt đông bảo quản trong ngăn mát để sáng hôm sau sử dụng. Tuy nhiên, cần đảm bảo các món đó ăn đến đâu lấy đến đó và được bảo quản kỹ lưỡng, an toàn trong tủ lạnh”, bác sĩ nhấn mạnh.
Tin liên quan
Vì thói quen khó bỏ, nhiều người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có trường hợp bị biến chứng mù mắt và khó hồi phục.
Tết với mọi người là giây phút đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng với những đứa trẻ không may mắc ung thư, Tết chỉ là thời gian tạm nghỉ...
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ đã áp dụng kiểu ăn sáng này cho nhiều người và có người giảm được gần 6kg sau 2 tuần, có người lại giảm hơn...
Loại nước "xanh" này được chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan tin dùng và thậm chí còn giới thiệu cho bạn bè, độc giả sử dụng.
Tin bài cùng chủ đề Ăn sáng sao cho khỏe?
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng trong ngày, nhưng bạn đã biết cách lựa chọn thực phẩm đúng? Hãy thử sức với quiz này để kiểm tra xem bạn có biết bữa sáng lý tưởng nên có những gì để cơ thể...