Không chỉ bệnh nhi 11 tuổi phải nhập viện do búi giun khoảng 100 con ngoe nguẩy trong ổ bụng gây tắc ruột mà còn có nhiều trường hợp giun đục thủng ruột, giun chui lên mắt khiến bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng khẩn cấp.
Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 11 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang trong tình trạng còi cọc, suy dinh dưỡng, đau bụng vùng hố chậu phải và vùng dưới kèm buồn nôn, nôn khan.
Kết quả chụp X-quang thấy nhiều hình cản quang dạng ống khu trú hố chậu phải và vùng bụng dưới. Siêu âm thấy hình ảnh giun ký sinh trong các quai ruột. Bác sĩ kết luận bệnh nhi bị tắc ruột do búi giun.
Búi giun khoảng 100 con được gắp ra từ bụng bệnh nhi 11 tuổi.
Trước đó, một bệnh nhi 2 tuổi trú tại tỉnh Sơn La đã đến Bệnh viện Sanh Pôn (Hà Nội) khám mắt, nhưng sau khi khám mắt, bé bị đau bụng và được phẫu thuật cấp cứu do bị giun đục thủng ruột thừa.
Khi mở ổ bụng, các bác sỹ thấy ruột thừa của bé đã bị giun đũa đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc. Các bác sỹ đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng và điều trị cho bé.
Nghiêm trọng hơn, một bệnh nhi 2 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng đoạn cuối hồi tràng và manh tràng do nhiễm ấu trùng giun tròn từ chó mèo.
Trước đó 6 tháng, bệnh nhân đã có những biểu hiện sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, gia đình đã cho bệnh nhân đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện khác. Các bác sĩ đều nghĩ đến lao vì bé sốt dai dẳng, kéo dài. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của bệnh nhi là âm tính lao.
Tại BV Việt Đức, các bác sĩ phát hiện hình ảnh sốc, khi chỉ trên 1 đoạn ruột dài 30cm có khoảng 50 lỗ thủng. Khi tiến hành cắt đoạn ruột bị thủng là đoạn cuối hồi tràng dài khoảng 30 cm có 50 lỗ thủng, đường kích 0,5-1cm.
Bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt đoạn hồi manh tràng đưa 2 đoạn ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Sơn, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.
Ca phẫu thuật gắp giun trong bụng bệnh nhân.
Loại giun trẻ em dễ bị nhiễm gồm các loại giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc. Lý do là trẻ nhỏ rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất. Tất cả những điều này đã tạo một cơ hội vô cùng thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
Khi đã vào được cơ thể trẻ, giun sẽ tranh giành những chất dinh dưỡng của trẻ, lâu dần làm cho trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.
Một số loại giun có thể gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong vài tình huống nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, giun chui ống tụy, tắc ruột, viêm nhiễm tiết niệu – sinh dục gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Thuốc tẩy giun là một loại thuốc dễ sử dụng và tương đối an toàn. Trẻ cần bắt đầu tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần khi được 1 tuổi trở lên.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc tẩy giun để cha mẹ có thể lựa chọn sử dụng cho trẻ, trong đó một số thuốc được sản xuất với tiêu chí giúp trẻ dễ uống nên có vị ngọt và thơm, tiêu diệt các loại giun thường gặp như giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc.
Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ. Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc là trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.