Việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe, đặc biệt, với những người có nguy cơ bị tắc mạch thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Mới đây, một người phụ nữ đã phải nhập viện cấp cứu vì uống 15 viên thuốc tránh thai khẩn cấp mỗi tháng, trong suốt 10 năm. Sau khi thực hiện thăm khám, chụp chiếu, người phụ nữ này được chẩn đoán bị tắc động mạch phổi cấp nguy hiểm.
Trước thông tin trên, nhiều chị em tỏ ra hoang mang, lo lắng vì thuốc tránh thai hiện được nhiều người sử dụng. Đặc biệt với thuốc tránh thai khẩn cấp, chị em dễ dàng mua được mà không cần kê đơn, lại có thể sử dụng sau mỗi lần quan hệ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, thuốc tránh thai là loại thuốc dễ dàng mua được nhất, không cần phải có sự kê đơn của bác sĩ, do vậy chị em đôi khi rất chủ quan khi sử dụng. Thực tế, các nhà sản xuất cũng không có khuyến cáo nào về số lượng sử dụng thuốc tránh thai trong một tháng, vì thế mọi người nghĩ có thể thoải mái dùng.
Tuy nhiên, bác sĩ Thành cho rằng, thuốc tránh thai khẩn cấp hàm lượng thường cao hơn thuốc tránh thai hàng ngày, nhằm ức chế quá trình rụng trứng. Vì vậy, nếu dùng nhiều sẽ gây ra những tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh…
Đối với nguy cơ tắc mạch, đông máu, bác sĩ Thành cho rằng dù là thuốc tránh thai hàng ngày hay khẩn cấp thì đều có nguy cơ này, đặc biệt là với một số người có tiền sử mắc bệnh mạch vành, tim mạch…
Bác sĩ Phan Chí Thành cho rằng, có những trường hợp tuyệt đối không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Bác sĩ Phan Chí Thành khuyến cáo một số trường hợp dưới đây không nên dùng thuốc tránh thai, hoặc sử dụng cần có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ:
- Phụ nữ hút thuốc lá tuyệt đối không dùng thuốc tránh thai, vì tăng nguy cơ đông máu rất cao. Người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch phổi, xơ vữa thành mạch, động mạch… do vậy, dùng thuốc tránh thai sẽ làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch cao hơn.
- Phụ nữ béo phì, có lối sống ít vận động cũng không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Nguyên nhân là bởi, đa số những người béo phì đều có nguy cơ rối loạn mỡ máu, khi đó mỡ máu lắng đọng bám trên thành mạch, khiến lòng mạch hẹp đi, khi đó nguy cơ tắc mạch rất là cao.
- Người có bệnh tim mạch, mạch vành cũng không nên sử dụng thuốc tránh thai.
- Người đã mắc COVID-19 cũng được chứng minh có liên quan đến rối loạn đông máu, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp đều xảy ra vấn đền này. Do vậy, chị em nếu đã mắc COVID-19 thì nên đi khám trước khi có ý định sử dụng thuốc tránh thai.
Uống thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn có nguy cơ mang thai. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở 2) cũng cho rằng, việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt hiệu quả tránh thai lại không cao. Về số lần sử dụng, bác sĩ Cường cho rằng, để không gây tác dụng phụ, chị em chỉ nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp 2 lần/tháng.
“Thực tế, tất cả các biệt pháp tránh thai (ngoài triệt sản) đều không thể tránh thai an toàn 100% được, trong đó thuốc tránh thai khẩn cấp có tỉ lệ tránh thai thấp nhất. Thực tế, rất nhiều trường hợp quan hệ xong, dù uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng vẫn có bầu”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cho biết, thuốc tránh thai khẩn cấp không phù hợp với mọi người. Theo đó, những người bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của viên uống tránh thai khẩn cấp không nên sử dụng biện pháp tránh thai này.
Đặc biệt, với những người thường xuyên quan hệ tình dục, viên uống tránh thai khẩn cấp sẽ không có hiệu quả nếu sử dụng liên tục. Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ nên được dùng với những phụ nữ thỉnh thoảng quan hệ không có biện pháp bảo vệ. Còn với những phụ nữ thường xuyên quan hệ thì cần dùng các biện pháp tránh thai liên tục, kéo dài.
Tùy tiện sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ để lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn. (Ảnh minh họa)
Một số tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp:
- Làm thay đổi, biến động chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ như: Chậm kinh, không có kinh, rong kinh... Thậm chí có nhiều trường hợp sử dụng thuốc quá nhiều dẫn đến tình trạng tắc ống dẫn trứng, khó rụng trứng dẫn đến vô sinh
- Ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng của người sử dụng như giảm ham muốn tình dục.
- Nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi dẫn đến nội tiết tố, da cũng thay đổi. Sau khi dùng thuốc phụ nữ có thể xuất hiện nhiều mụn, nám, tàn nhang, ửng đỏ, sạm da...
- Người dùng sẽ có các biểu hiện như: Ăn không ngon, buồn nôn, mệt mỏi, đau tức ngực. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ biến mất sau 5-7 ngày sử dụng thuốc.
- Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ sử dụng nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp có nguy cơ chửa ngoài tử cung cao hơn những phụ nữ không thường xuyên sử dụng.
- Việc sử dụng thuốc tránh thai loại khẩn cấp còn tiềm ẩn nguy cơ nhầm lẫn chảy máu cơ quan sinh dục bất thường do u xơ tử cung với tác dụng không mong muốn của thuốc.