Có nhiều loại đường khác nhau nhưng được dùng phổ biến nhất là đường trắng và đường vàng. Nhiều người cho rằng đường vàng ít tinh chế hơn nên tốt hơn, do đó còn dùng đường vàng pha nước uống. Vậy uống đường cát vàng có tốt không? Dùng đường vàng hay đường trắng tốt hơn?
Đường cát vàng là gì?
Đường cát vàng hay đường vàng chính là đường thô, là loại đường không được tinh chế hoàn toàn. Đường vàng được chế biến đơn giản từ đường mía hoặc đường từ nước củ cải đường, sau khi ép, lọc lấy nước/mật sẽ loại bỏ bã, sau đó đem nấu chín và cô đặc thành đường vàng.
Trên thực tế, đường vàng là hỗn hợp của đường trắng và mật rỉ. Mật rỉ chính là nguyên nhân khiến cho đường có màu đậm hơn và nâng cao giá trị dinh dưỡng thêm một chút.
Còn theo chuyên gia về y học cổ truyền, đường cát vàng là một loại thuốc trong Đông y, làm từ mật mía nguyên chất, chưa trải qua tinh luyện.
Đường cát vàng hay đường vàng chính là đường thô, là loại đường không được tinh chế hoàn toàn.
Uống đường vàng có tốt không?
Đường là một chất cần thiết cho cơ thể con người. Có nhiều loại đường khác nhau như đường cát trắng, đường tinh luyện, so với những loại này đường cát vàng có lợi ích tốt hơn chút.
Vì vậy, từng có những tin đồn rằng uống nước đường cát vàng (gồm 42 thìa đường cát vàng/ngày) có thể ngừa COVID-19 hay ăn đường vàng giúp bổ máu. Tất cả những thông tin này đều không chính xác.
Mặc dù đường cát vàng có lợi nhưng nó chỉ hiệu quả khi dùng điều độ, lạm dụng nhiều không hề có lợi. BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy uống nước đường với lượng quá nhiều như vậy sẽ giúp đẩy virus ra khỏi cơ thể, kể cả COVID-19.
Còn về thông tin uống đường vàng bổ máu cũng không chính xác. Bởi thiếu máu là do thiếu sắt, trong khi đó đường vàng có hàm lượng sắt rất thấp.
Nếu sử dụng đường vàng quá nhiều trong thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe như thừa cân, béo phì, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2...
Nên chọn đường vàng hay đường trắng?
Xét về hương vị, màu sắc: Đường vàng có vị mật mía đặc trưng nên thích hợp dùng cho nấu các món chè, làm bánh. Dùng đường vàng trong nấu nướng cũng sẽ khiến cho món ăn có màu đậm hơn. Còn đường trắng sẽ tạo ra món ăn có màu nhạt hơn.
Dù không được ngọt như đường vàng, nhưng đường trắng có độ tinh khiết tương đối cao, hương vị thuần khiết, làm cho món ăn tươi và ngon hơn. Do đó, việc chọn dùng loại đường nào còn dựa vào mục đích chế biến.
Xét về dinh dưỡng: Cả 2 loại đường vàng và trắng đều có năng lượng cao với thành phần dinh dưỡng chính là mật mía. Mặc dù đường vàng chứa một lượng nhỏ chất fructose và glucose, nhưng nhìn chung nó vẫn không khác biệt nhiều so với đường trắng.
Tuy nhiên, do đường vàng trải qua quá trình tinh chế ít hơn nên vẫn giữ được nhiều thành phần của mật mía như các chất vi lượng gồm canxi, kali, sắt và các nguyên tố vi lượng khác. Nhưng hàm lượng các chất này không đáng kể.
Ngoài ra, đường vàng cũng chứa ít calo hơn đường trắng nhưng không cách biệt nhiều. Ví dụ, cùng một lượng đường như nhau (4g), đường vàng cung cấp 15 calo còn đường trắng cung cấp 16,3 calo.
Đường vàng và đường trắng không có nhiều khác biệt về dinh dưỡng.
Tóm lại, đường vàng và đường trắng không có quá nhiều khác biệt, chỉ chênh lệch nhau một chút về dinh dưỡng. Sự chênh lệch này không đủ để tạo nên sự khác biệt về lợi ích với sức khỏe.
Sự khác biệt chính giữa hại loại đường này là ở hương vị và màu sắc. Do đó, tùy theo sở thích và nhu cầu mà lựa chọn loại đường bạn muốn.
Điều quan trọng bạn cần nhớ là đường được cho là một yếu tố góp phần gây ra béo phì và là nguyên nhân chính gây ra các bệnh, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.
Vì lý do này, bạn nên tiêu thụ không quá 5–10% lượng calo hàng ngày từ đường thêm vào. Tức là mỗi ngày không được phép ăn quá 50g đường, tốt nhất là hạn chế ở mức dưới 25g. Bao gồm các loại đường, đường vàng, đường trắng, đường tinh luyện hay đường trắng mềm. Tuy nhiên, điều này nên được hạn chế hơn nữa để có sức khỏe tốt.