Nhiều nghiên cứu cho thấy, giấm táo có thể có lợi cho việc giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe đường ruột, tuy nhiên không phải ai cũng thoải mái dùng.
Nhiều người sử dụng giấm táo trong các món ăn hàng ngày, ví dụ như trộn salad, nấu canh... Tuy nhiên, giấm táo có tác dụng nhiều hơn thế. Loại thực phẩm này được phát hiện có một số lợi ích trong việc giảm cân, tăng sức khỏe đường ruột và giảm lượng đường trong máu.
Giấm táo có những thành phần gì đặc biệt?
Giấm táo được làm từ táo theo quy trình ba bước. Đầu tiên, táo được nghiền nát và lọc lấy nước táo nguyên chất. Sau đó, men được thêm vào nước táo và để lên men. Một loại vi khuẩn đặc biệt gọi là acetobacter sẽ được đưa vào hỗn hợp đó để biến rượu thành axit axetic - thành phần chính của giấm táo. Các thành phần chính trong giấm táo là nước, 5-6% axit axetic cùng một lượng nhỏ các axit khác như axit malic, axit amin...
Giấm táo có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Lợi ích của giấm táo là gì?
Giúp giảm cân
Theo kết quả từ một loạt các nghiên cứu, giấm táo có thể giúp bạn giảm cân.
Một nghiên cứu được công bố năm 2009 trên tạp chí Khoa học sinh học, Công nghệ sinh học và Hóa sinh (Bioscience, Biotechnology, and Biochemistry) đã theo dõi quá trình giảm cân của 175 người. Nhóm người áp dụng theo chế độ ăn uống và tập thể dục trong 12 tuần. Một số người trong nhóm đó được thêm một thức uống gồm một muỗng canh giấm táo pha loãng trong 250 ml nước, uống hai lần mỗi ngày sau bữa sáng và bữa tối. Kết quả nghiên cứu sau 12 tuần cho thấy những người uống dung dịch giấm giảm trung bình hơn 2kg trong khi những người còn lại không giảm được nhiều như vậy.
Một nghiên cứu khác - được công bố trên Tạp chí Thực phẩm Chức năng năm 2018 - cho thấy những người thêm giấm táo vào chế độ ăn sẽ giảm cân nhiều hơn những người chỉ ăn kiêng theo cách hạn chế nạp calo.
Chuyên gia dinh dưỡng Shibeeb cho rằng, điều này có thể là do giấm táo gây ảnh hưởng đến mức độ đói: "Uống giấm táo trước bữa ăn có thể làm tăng cảm giác no, dẫn đến việc tiêu thụ ít thức ăn hơn". Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn giảm cân mà chỉ dùng giấm táo thì hoàn toàn không đủ. Bạn nên kết hợp với việc tập thể dục và nạp vào cơ thể lượng calo thấp hơn".
Sử dụng giấm táo cũng cần lưu ý để tránh một số rủi ro
Có lợi cho tiêu hóa
Giấm táo chứa men vi sinh, có thể hỗ trợ cho sức khỏe đường ruột. Các nghiên cứu cho thấy giấm táo chưa lọc có chứa các sợi màu nâu được gọi là "giấm mẹ", được tạo thành từ vi khuẩn probiotic. Giấm táo đã lọc không chứa những vi khuẩn này và trông trong hơn.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Một số nghiên cứu cho thấy uống giấm táo sau bữa ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu đối với những người bị tiểu đường. Trong một nghiên cứu của Diabetes Care công bố năm 2004, những người mắc bệnh tiểu đường uống 1,5 muỗng canh giấm táo pha loãng sau khi ăn một bữa ăn nhiều carbs, trong khi những người tham gia khác uống giả dược (Giả dược là dạng vật chất hay phương pháp trị liệu được thiết kế để không có hiệu quả điều trị, chỉ có tác dụng khiến những người đang trị bệnh nghĩ rằng họ đang được điều trị tích cực và sẽ có hiệu quả). Kết quả cho thấy những người uống giấm có lượng đường huyết thấp hơn đáng kể.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Y khoa & Khoa học Sức khỏe vào năm 2019, được thực hiện trên 110 bệnh nhân tiểu đường. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, sau 3 tháng, những người uống 15 ml giấm táo mỗi ngày vào bữa tối có lượng đường trong máu thấp hơn đáng kể so với những người dùng giả dược.
Các nhà nghiên cứu tin rằng giấm táo giúp kiểm soát lượng đường trong máu, do nó làm cho cơ thể bạn nhạy cảm hơn với insulin - hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều này rất quan trọng vì theo thời gian, những người mắc bệnh tiểu đường có thể mất độ nhạy cảm với insulin, khiến cơ thể họ khó cân bằng lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo, giấm táo không thể thay thế cho các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Nó chỉ hữu ích trong việc bổ sung hiệu quả cho liệu pháp chữa tiểu đường bạn đang áp dụng.
Những rủi ro từ giấm táo
Thứ gì dùng nhiều quá đều không tốt. Uống quá nhiều giấm táo có thể gây ra những hậu quả. Theo Shibeeb, các tác dụng phụ của giấm táo bao gồm làm hỏng men răng và kích ứng cổ họng, do axit axetic có thể phá vỡ các khoáng chất trong răng và gây kích ứng các mô cổ họng nhạy cảm. Điều này dễ xảy ra hơn nếu bạn uống giấm táo không pha loãng. Trong trường hợp bạn bị thận, nên tránh xa giấm táo vì axit gây ảnh hưởng quá trình làm việc của thận.
Sử dụng giấm táo sao cho đúng cách?
Để tránh những rủi ro về sức khỏe và các tác dụng phụ tiêu cực của loại thực phẩm này, chuyên gia Shibeeb khuyên bạn không nên uống quá 2-3 thìa canh giấm pha loãng mỗi ngày.