Bé 2 tháng tuổi bị uống nhầm axit vì người lớn tưởng vitaminD, BS chỉ cách sơ cứu làm ngay

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/10/2021 15:05 PM (GMT+7)

Vì lọ axit và vitamin giống nhau, người lớn đã bị nhầm lẫn khi lấy cho trẻ uống, hậu quả trẻ bị bỏng nặng vùng miệng, thực quản phải nhập viện cấp cứu.

Trẻ bỏng hết khoang miệng, thực quản vì bị uống nhầm a xít

Thời gian gần đây, đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bỏng và di chứng bỏng nặng nề.

Trường hợp bé Minh Tâm, 2 tháng tuổi, ở Hà Nội là một ví dụ điển hình. Theo đó, khi đến giờ cho trẻ uống vitamin, người nhà đã lấy nhầm lọ axit và nhỏ vào miệng trẻ, kết quả trẻ bị bỏng phải nhập viện cấp cứu.

Theo chia sẻ của gia đình, do lọ đựng axit trichloracetic 80% (là một chất tương tự axit axetic, được sử dụng cho điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân) giống với lọ thuốc Aquadetrim (Vitamin D3) trẻ đang dùng hàng ngày (hình dáng và màu sắc của hai lọ giống nhau).

Các bác sĩ tiến hành điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng.

Các bác sĩ tiến hành điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng.

Sau khi nhỏ thuốc vào miệng, trẻ khóc thét, hoảng loạn, lúc đó gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn. Trẻ đã được gia đình sơ cứu tại nhà bằng cách rửa khoang miệng bằng nước và đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán bỏng axit độ III khoang miệng, tổn thương phổi và theo dõi bỏng thực quản. Sau 10 ngày được điều trị tích cực bằng các thuốc đặc hiệu, sức khỏe của bệnh nhi ổn định và được ra viện. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết trẻ vẫn cần được theo dõi tình trạng ăn uống và hô hấp để quản lý di chứng tổn thương phổi và thực quản sau bỏng.

Ngoài trường hợp trên, gần đây các bác sĩ còn tiếp nhận một số bệnh nhân bị bỏng khi sinh hoạt tại nhà như bỏng điện, bỏng nước sôi,...phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Khi bị bỏng hóa chất phải xử lý thế nào?

ThS.BS CKII Phùng Công Sáng – Phụ trách đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bỏng cho trẻ em, trong đó có sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ. 

Theo BS Sáng, đối với trường hợp bị bỏng hóa chất có thể gây phản ứng trên da hoặc cơ thể nạn nhân, làm tổn thương các cơ quan nội tạng, nếu không may nuốt phải hóa chất vào người. Bỏng hóa chất hay gặp ở các vùng thẩm mỹ như mặt, mắt, ngực, bộ phận sinh dục và để lại hậu quả nặng nề về thẩm mỹ và chức năng.

Khi trẻ bị bỏng hóa chất, người thân cần rửa ngay vùng bị bỏng, rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy, nếu không các tổ chức ở vùng bỏng sẽ bị tổn thương nặng hơn. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục cho hoá chất trôi ra hết.

Phải nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo). Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên xé bỏ quần áo dính hoá chất.

Nếu vết bỏng chảy nhiều máu, sau khi rửa sạch dưới vòi nước nên băng vết bỏng lại. Lưu ý không băng chặt và phải dùng bông, gạc sạch. Sau khi sơ cứu xong, cần chuyển ngay nạn nhân tới trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Sơ cứu khi bị bỏng kịp thời sẽ hạn chế được các tổn thương cho trẻ.

Sơ cứu khi bị bỏng kịp thời sẽ hạn chế được các tổn thương cho trẻ.

Với một số trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi, bỏng hơi, bỏng cháo, cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).

Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng. Việc này có tác dụng giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có điều trị bỏng để được điều trị kịp thời.

Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ Phùng Công Sáng khuyến cáo:

- Cha mẹ không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…

- Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt… phải để nơi an toàn và trẻ không thể với tới được.

- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như như Lavie, trà C2…, nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.

- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.

- Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

- Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.

Nữ diễn viên phim Diên Hi công lược bị bỏng nặng ở lưng sau khi đi giác hơi thư giãn
Nữ diễn viên thủ vai chị gái Nguỵ Anh Lạc - Đặng Sa đã chịu một cơn bỏng cấp độ 2 do phương pháp thư giãn nhiều người ưa dùng.

Trẻ Bị Bỏng

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em