Uống nước rau má có tác dụng gì mà y học xưa ca ngợi nó là “thảo dược trường thọ”

MINH THÙY - Ngày 24/02/2024 16:00 PM (GMT+7)

Nước rau má từ lâu đã được nhiều người sử dụng nhưng nó có thể mang lại những lợi ích gì cho sức khỏe?

Rau má là gì?

Rau má (còn được gọi là Centella asiatica) là một loại cây thường mọc ở những nơi ẩm ướt, râm mát, đất mùn tơi xốp. Cây mọc hoang tại khắp nơi ở Việt Nam và các nước vùng nhiệt đới như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ…

Rau má là loại thân bò lan, màu xanh lục, có rễ ở các mấu, lá rau mọc sole màu xanh, hình thận với phần đỉnh lá tròn, trơn nhẵn. Hoa rau má có màu trắng hoặc phớt đỏ còn quả có hình mắt lưới, màu nâu đen. 

Nó thường được sử dụng như một loại thuốc truyền thống ở Đông Nam Á trong hàng nghìn năm. Trong lịch sử, nó được dùng để điều trị bệnh phong và bệnh chàm cũng như giúp chữa bỏng và chữa lành vết thương. Vì vậy, rau má được biết đến như là "thảo dược trường thọ" và thường được dùng ép lấy nước hoặc pha trà hay chế biến thành thực phẩm bổ sung. 

Uống nước rau má có tác dụng gì?

Nước rau má là hình thức sử dụng phổ biến và dễ dàng nhất. (Ảnh minh họa)

Nước rau má là hình thức sử dụng phổ biến và dễ dàng nhất. (Ảnh minh họa)

Như đã đề cập, rau má được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau trong hàng nghìn năm. Theo Đông y, rau má là loại thảo dược có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, sốt, sởi, vàng da, vàng mắt, thường được dùng để hạ huyết áp, cải thiện trí nhớ, làm máu lưu thông tốt hơn, nhất là ở tĩnh mạch và mao mạch, có tác dụng lợi tiểu nhẹ.

Nước rau má là hình thức sử dụng phổ biến và dễ dàng nhất. Vậy uống nước rau má có thể mang lại những lợi ích gì cho sức khỏe? 

Có thể cải thiện chứng giãn tĩnh mạch

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rau má có thể có lợi cho chứng suy tĩnh mạch và giúp cải thiện tuần hoàn. Ví dụ, một đánh giá về rau má trên tạp chí Hóa dược Châu Âu tháng 8 năm 2019 cho thấy nó hỗ trợ chống oxy hóa, chống viêm và tác dụng tích cực lên mạch máu trên mô hình chuột và ở một số bệnh nhân bị suy tĩnh mạch.

Có thể giúp giảm lo âu

Rau má đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị các triệu chứng phát sinh từ lo âu và trầm cảm. Một nghiên cứu đã cho những người tham gia thử nghiệm uống rau má với liều 12g và cho họ thử nghiệm âm thanh lớn gây giật mình. Theo nghiên cứu, những người dùng rau má có phản ứng giật mình giảm hơn so với nhóm đối chứng, nhưng nó không ảnh hưởng đến tâm trạng, nhịp tim hoặc huyết áp.

Hơn nữa, trong một nghiên cứu không kiểm soát ở Ấn Độ trên những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng rau má (được uống dưới dạng viên nang 500 mg, hai lần mỗi ngày, sau bữa ăn) đã cải thiện các triệu chứng của người bệnh. 

Có thể cải thiện chức năng nhận thức

Một nghiên cứu nhỏ từ Indonesia đã xem xét việc bổ sung rau má có thể mang lại lợi ích cho những người đang hồi phục sau đột quỵ như thế nào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia dùng 750 hoặc 1.000mg chiết xuất rau má mỗi ngày trong sáu tuần có sự cải thiện trí nhớ cao hơn những người dùng axit folic, chất thường được sử dụng để điều trị suy giảm nhận thức do mạch máu.

Uống nước rau má giúp thanh nhiệt cơ thể. (Ảnh minh họa)

Uống nước rau má giúp thanh nhiệt cơ thể. (Ảnh minh họa)

Thanh nhiệt

Rau má có tính hàn nên có thể giúp giảm bớt tình trạng nóng trong. Bên cạnh đó, rau má còn có tác dụng chữa rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt,… Dùng 30-100g rau má tươi giã hoặc xay lấy nước uống hàng ngày sẽ giúp giải nhiệt cho cơ thể. 

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Uống nước rau má có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, phòng ngừa huyết áp cao, nhiễm trùng đường tiết niệu, góp phần loại bỏ độc tố. Hơn nữa, dùng rau má còn có tác dụng giảm sốt và điều trị tiêu chảy.

Ai không nên uống nước rau má?

Hầu hết mọi người đều có thể uống nước rau má nhưng với một số nhóm người có thể bị tác động tiêu cực nếu sử dụng. Sau đây là những người nên tránh dùng rau má hay uống nước ép từ loại rau này. 

- Những người có vấn đề về gan hoặc mắc bệnh gan nếu dùng rau má có thể gây hại cho gan.

- Những người có tiền sử tổn thương ung thư da hoặc khối u ác tính. 

- Những người mắc bệnh tiểu đường: Rau má có thể làm tăng lượng đường trong máu, vì vậy hãy thận trọng nếu bạn đang điều trị bệnh tiểu đường.

- Những người chuẩn bị phẫu thuật: Rau má có thể gây suy nhược hệ thần kinh trung ương khi kết hợp với gây mê, vì vậy bạn nên ngừng sử dụng loại thảo mộc này ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật gây mê. 

- Người đang dùng thuốc điều trị bệnh gan, tiểu đường, cholesterol hoặc thuốc an thần vì chúng có thể tương tác tiêu cực. 

- Những người đang mang thai nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng rau má, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên.

Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em nên tránh uống nước rau má. (Ảnh minh họa)

Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em nên tránh uống nước rau má. (Ảnh minh họa)

Tác dụng phụ của nước rau má

Ngoài những nhóm người trên thì hầu hết mọi người đều không gặp vấn đề khi uống nước rau má. Tuy nhiên, bạn có thể gặp các tác dụng phụ sau nếu lạm dụng.

- Dị ứng da

- Đau đầu

- Đau bụng

- Buồn nôn

- Chóng mặt

- Buồn ngủ.

Để tránh những tác động tiêu cực này, mọi người nên sử dụng rau má với lượng phù hợp. Một ngày mỗi người khỏe mạnh có thể uống một cốc nước rau má khoảng 40g rau, nhưng cũng không nên uống quá một tháng. Nếu muốn dùng tiếp phải dừng nửa tháng mới được sử dụng.

Cá chép có tác dụng gì cho sức khỏe? Cá chép đỏ có ăn được không?
Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, cá chép còn là con vật gắn liền với truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng, vì thế chúng được dâng cúng trong ngày ông...

An toàn thực phẩm

Theo MINH THÙY (Dịch từ Everyday Health)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm tốt cho sức khỏe