Mứt vỏ bưởi có tác dụng gì cho sức khỏe? 3 cách làm mứt vỏ bưởi vừa ngon vừa bổ dưỡng

Ngày 16/02/2024 19:12 PM (GMT+7)

Mứt vỏ bưởi có nhiều công dụng cho sức khỏe và bạn có thể tự thực hiện cho chính mình và người thân thưởng thức.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của BSCK 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, về tác dụng của mứt vỏ bưởi với sức khỏe và cách làm món mứt này.

Mứt là một món ăn, là linh hồn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Dù đã trải qua bao nhiêu năm, hương vị ngọt thơm của mứt Tết vẫn luôn in đậm trong tâm thức của mỗi người Việt như là một tặng vật tinh túy của ông bà xưa để lại. Ngày nay, việc chuẩn bị mứt Tết đã tiện lợi hơn, đáp ứng cho cuộc sống ngày một hối hả. Mọi người không còn tự chuẩn bị mứt Tết nữa, mà mua ở chợ, siêu thị hay các cở sở làm mứt truyền thống nổi tiếng. Đặc trưng vùng miền mà mỗi nơi lại bày ra những khay kẹo mứt với vô vàn các món khác nhau. Mứt Tết còn liên quan đến việc lễ cúng gia tiên, thể hiện lòng biết ơn và mong muốn cho một năm mới thịnh vượng và may mắn. Đây cũng là thời điểm để các thế hệ trong gia đình gặp gỡ, trò chuyện và thắt chặt tình thân.

Với màu sắc tự nhiên của các loại củ quả, mỗi loại mứt đem đến các hương vị chua, cay, ngọt, bùi khác nhau tượng trưng cho năm màu trong Ngũ hành của trời đất có tương sinh, tương khắc cùng hỗ trợ, tạo điều kiện cho vạn vật phát triển. Một loại mứt thường được mọi người ưa chuộng vào ngày Tết trong những năm gần đây là mứt vỏ bưởi, vừa ngon vừa có tác dụng đối với sức khỏe.

Bưởi được biết đến là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin. Nhưng đa số mọi người đều chỉ quan tâm đến phần múi bưởi bên trong, ít ai biết công dụng đến từ phần vỏ bưởi. Bưởi có tên khoa học là Citrus grandis (L.) Osbeck, trong dân gian còn được gọi là dữu, bòng, lôi dữu, xú dữu, chu loan, hương loan, phao, văn đán... Quả bưởi to, hình cầu và cầu phẳng, đường kính 15-30 cm, màu vàng hay hồng tuỳ loại.

Bưởi được trồng nhiều khắp nơi ở nước ta, có nhiều giống bưởi nổi tiếng như: bưởi Đoan hùng, bưởi Phúc trạch, bưởi Thanh trà, bưởi Tân Triều, bưởi Năm roi, bưởi da xanh… Người ta trồng bưởi chủ yếu để lấy quả ăn, lấy hoa ướp thơm thức ăn, bánh trái hoặc cất nước hoa bưởi. Người ta còn hái lá làm thuốc, thường chỉ dùng lá tươi để xông hay chiết xuất tinh dầu. Người ta còn dùng vỏ quả và hạt bưởi sau khi ăn quả.

Mứt vỏ bưởi có hương vị thơm ngon, được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa

Mứt vỏ bưởi có hương vị thơm ngon, được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa

- Vỏ bưởi chứa coumarin, caroten và 0,8-1% tinh dầu (chủ yếu là d-limonen). Vỏ quả bưởi rất giàu naringin (1,8-6%), một flavanon có vị rất đắng. Ngoài ra còn chứa pectin (20-30%) và một ít limonin.

- Hạt chứa nhiều limonin, vỏ hạt chứa nhiều pectin.

- Dịch quả gồm: Glucid, lipid, các chất khoáng (Ca, P, K) và các vitamin (C, B, B2, PP). Naringin có tác dụng trị loét dạ dày, làm bền thành mạch, hạ huyết áp, chống đông máu, được dùng để chữa các chứng rối loạn tuần hoàn mao mạch - tĩnh mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim và bệnh đau dạ dày.

- Đông y cho rằng mỗi bộ phận của quả bưởi đều có tác dụng riêng. Cơm bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Vỏ ngoài chứa tinh dầu (vỏ trong thường dùng làm mứt), vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giảm đau. Hạt bưởi vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị đau thoát vị bẹn. Lá bưởi vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.

Một số tác dụng của mứt vỏ bưởi

- Tăng cường sức đề kháng: Trong vỏ bưởi chứa nhiều vitamin C, giúp cải thiện hệ miễn dịch, phòng ngừa những bệnh cảm, cúm… Ăn mứt vỏ bưởi có thể tăng cường tối đa sức đề kháng giúp sức khỏe ổn định trong những ngày đầu năm mới.

- Cải thiện hệ tiêu hóa: Trong những ngày Tết, nhiều món ăn giàu năng lượng như giò thủ, giò lụa, thịt kho hột vịt và uống rượu bia sẽ khiến cơ thể dễ bị tích lũy độc tố, gây ra các bệnh về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu… Mứt vỏ bưởi có chứa nhiều chất xơ, làm giảm các vấn đề về tiêu hóa.

- Chữa ho, khan tiếng: Ho, khan tiếng là những triệu chứng thường gặp ở mọi đối tượng có thể do biến đổi thời tiết hoặc do tác động từ môi trường sống. Vỏ bưởi chính là vị thuốc hữu hiệu cho việc điều trị ho khan.

- Chữa hôi miệng: Vitamin C và tinh dầu có trong vỏ bưởi là những thành phần có khả năng chống hôi miệng một cách hiệu quả…

Cách làm mứt vỏ bưởi

1. Cách làm mứt vỏ bưởi sấy khô

- Nguyên liệu: Vỏ của 2 trái bưởi, muối 140g đường cát trắng, 1 trái chanh tươi.

- Cách thực hiện:

+ Với phần vỏ bưởi, gọt bỏ đi phần cùi trắng và cắt thành kích thước vừa ăn.

+ Ngâm vỏ bưởi với nước ấm pha chút muối loãng. Rồi bóp nhẹ phần vỏ bưởi trong khoảng 30 phút.

+ Bắc nồi đun sôi nước, rồi cho vỏ bưởi vào chần sơ qua khoảng 5 phút hoặc có thể nếm thử vỏ bưởi có mùi đắng nhẹ vừa ăn là tắt bếp. Vớt vỏ bưởi ra và rửa sơ với nước lạnh, để ráo nước.

+ Nấu nước đường đảm bảo tỉ lệ với phần vỏ bưởi là 1:1, sau đó, vắt 2-3 lát chanh vào và cho phần vỏ bưởi vào ngâm khoảng 3-4 tiếng.

+ Vớt phần vỏ bưởi ra để khô ráo rồi phơi dưới ánh nắng tầm 3 tiếng (điều này tùy thuộc vào tình hình thời tiết và độ khô lẫn độ giòn của mứt nếu bạn muốn).

Sau khi đạt được độ khô như mong muốn, cho mứt vỏ bưởi vào hũ đậy nắp kín là có thể ăn nguyên mùa Tết.

Bạn có thể tự làm mứt vỏ bưởi để cả nhà thưởng thức. Ảnh minh họa

Bạn có thể tự làm mứt vỏ bưởi để cả nhà thưởng thức. Ảnh minh họa

2. Cách làm mứt vỏ bưởi dẻo thơm

- Nguyên liệu: Vỏ của 2 quả bưởi, đường cát trắng 150g, muối 2 thìa cà phê, phèn chua một thìa cà phê, vani.

- Cách thực hiện

+ Bước 1: Làm sạch vỏ bưởi, tách cùi trắng

Để có món mứt vỏ bưởi thơm ngon, hấp dẫn, nên chọn những quả bưởi còn tươi, có vỏ vàng. Lượng ghi trong công thức là 2 vỏ bưởi nhưng nếu làm nhiều hoặc ít vỏ bưởi hơn thì có thể tăng hoặc giảm lượng đường cho phù hợp. Nếu dùng vỏ bưởi xanh thì sẽ tốn nhiều thời gian để khử đắng do vỏ bưởi xanh thường dày và chứa nhiều tinh dầu hơn.

Vỏ bưởi rửa sạch, bỏ phần cùi màu trắng. Nếu lấy thì chỉ lấy một lớp mỏng vỏ với độ dày khoảng 2 - 3mm. Sau đó, thái vỏ bưởi thành từng sợi theo ý thích.

+ Bước 2: Khử đắng cho vỏ bưởi

- Sau khi thái nhỏ, hãy cho vỏ bưởi vào ngâm với 1,5 lít nước có hòa 2 thìa cà phê muối khoảng 4 - 6 giờ. Khi ngâm, vỏ bưởi thường nổi lên, nên lấy một vật nặng đè vỏ bưởi xuống để đảm bảo tất cả vỏ bưởi đều được ngâm với nước muối. Sau khi ngâm, vớt vỏ bưởi ra, xả sạch với nước lạnh nhiều lần. Trong lúc xả, bóp vỏ bưởi để chất đắng ra bớt. Cứ bóp và xả cho đến khi cắn thử thấy có thể ăn được thì ngưng.

- Để khử đắng, cần luộc vỏ bưởi với 1,5 lít nước có pha 1 thìa cà phê phèn chua. Luộc khoảng 5 phút, vớt ra, rửa nhiều lần với nước sạch. Khi rửa dùng tay bóp vỏ bưởi để khử hết mùi phèn và giúp vỏ bưởi hết mùi hăng và cay.

+ Bước 3: Sên vỏ bưởi

Sau khi vỏ bưởi ráo bớt nước, cho vỏ bưởi vào nồi và ướp với đường theo tỷ lệ 1kg vỏ bưởi: 600g đường. Đảo đều và để đường tự tan.

Khi đường đã tan hết, bắc nồi lên bếp để sên mứt. Thời gian đầu khi nước đường còn nhiều để lửa lớn để nước bốc hơi nhanh. Khi nước đường đã gần cạn, hạ nhỏ lửa, đảo đều tay, liên tục. Sên mứt trên lửa nhỏ tới khi mứt trong lại, sau đó bắt đầu khô và có đường kết tinh bên ngoài, tắt bếp. Để nguội, cho mứt vỏ bưởi vào lọ kín để bảo quản.

Sau khi hoàn thành các bước trên, món mứt vỏ bưởi sẽ có mùi thơm phưng phức, thoang thoảng vị the đặc trưng, vị ngọt nhẹ nhàng. Đặc biệt, miếng mứt phải có độ dày vừa phải, không quá mỏng hoặc quá dày, khô ráo, có độ trong nhất định.

3. Cách làm mứt vỏ bưởi mật ong thơm lừng

- Nguyên liệu: 1 quả bưởi xanh, 250g đường phèn, 50g mật ong, muối.

- Cách thực hiện:

+ Gọt bưởi lấy phần vỏ xanh và không lấy cơm trắng. Thái vỏ bưởi thành từng sợi nhỏ vừa ăn. Với các múi bưởi bóc sạch phần vỏ và loại bỏ hạt.

+ Lấy vỏ bưởi bóp với một ít muối. Nếu muốn loại bỏ đi vị the, bạn hãy ngâm vỏ bưởi với nước trong vòng 5 tiếng, rồi rửa sạch lại nhiều lần với nước để hết vị the.

+ Bắc nồi lên bếp rồi cho đường phèn, vỏ bưởi và múi bưởi vào đun với lửa nhỏ, nhớ đảo đều tay để hỗn hợp thấm đều.

+ Khi phần nước bưởi cạn một nửa thì cho mật ong và đun tiếp trong khoảng 20 phút nữa. Đun đến khi vỏ bưởi chuyển thành màu vàng, sợi bưởi trong thì tắt bếp. Để mứt bưởi mật ong nguội rồi cho vào hũ đậy kín nắp, bảo quản trong tủ lạnh. 

Mứt vỏ bưởi có tác dụng gì cho sức khỏe? 3 cách làm mứt vỏ bưởi vừa ngon vừa bổ dưỡng - 3

Cách bảo quản mứt vỏ bưởi

Để vỏ bưởi có thể giữ được vị the mát trong thời gian dài, tốt nhất nên xào cho bưởi thật khô. Sau khi hoàn thành, cho mứt vỏ bưởi vào hũ sạch, đậy kín nắp, bảo quản nơi khô thoáng, không bị ẩm ướt.

Mứt vỏ bưởi giòn, ngọt, thơm đã trở thành một phần không thể thiếu tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực Việt. Khác với hương vị thanh ngọt của mứt dừa, vị chua chua của mứt cam, mứt vỏ bưởi mang đến cảm giác lạ miệng, the the, thêm chút vị ngọt tạo cảm giác mới lạ, thích hợp để thưởng thức trong những ngày đầu năm.

9 loại thực phẩm tốt nhất để giải độc cơ thể sau những ngày ăn Tết
Mặc dù không có bất kỳ loại thực phẩm nào giúp cơ thể bạn tránh khỏi độc tố hoàn toàn nhưng một số loại có thể hỗ trợ khả năng tự giải độc của các cơ...

Thực phẩm tốt cho sức khỏe

Theo BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm tốt cho sức khỏe