Vào mùa hè, người Nhật thường xuyên pha một loại nước uống có màu đỏ đẹp mắt, vừa có tác dụng giải khát, phục hồi sức khỏe, lại làm đẹp da, tốt cho tiêu hóa. Ở Việt Nam, loại cây này có ở khắp nơi, vừa là gia vị, vừa là thuốc quý.
Vì sao người Nhật chuộng dùng tía tô?
Tía tô là một loại thảo mộc thơm thường được sử dụng trong nhiều món ăn Nhật Bản như sushi, salad, tempura, mì... Loại cây này có mùi thơm và hương vị độc đáo, được người Nhật rất yêu thích.
Tía tô trong tiếng Nhật là Shiso (しそ, 紫蘇) còn trong tiếng Anh lại có nghĩa là bạc hà Nhật Bản. Với những chiếc lá lớn hình răng cưa, màu sắc tươi sáng và hương vị tươi mát, tại Nhật, tía tô có thể được dùng ăn tươi, ngâm chua hoặc chiên giòn, và nó thường xuất hiện trong các món sushi và đĩa sashimi.
Có hai loại tía tô chính: loại lá xanh và lá đỏ tía. Ở Nhật, loại lá xanh có quanh năm trong khi loại lá đỏ chỉ có trong mùa hè. Ảnh: Justonecookbook.
Vào mùa hè, người Nhật thích pha loại đồ uống tươi mát, tốt cho sức khỏe từ lá tía tô đỏ. Họ cho rằng loại nước này vừa mang lại cảm giác ngon miệng trong những ngày nóng nực vừa giúp phục hồi sau khi bị kiệt sức và rất tốt cho tiêu hóa.
Các chuyên gia tại Nhật cũng khẳng định, tía tô có nhiều lợi ích cho sức khỏe và cung cấp một số chất dinh dưỡng thiết yếu như:
- Chất chống oxy hóa và vitamin: Tía tô chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa và nhiều loại vitamin khác nhau như C, A và K. Lá thường được cho vào nước nóng để tạo thành một loại trà có hương vị giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
- Hợp chất Flavonoid: Tía tô đỏ rất giàu flavonoid, giúp điều chỉnh hoạt động của tế bào và chống lại các gốc tự do. Phụ nữ Nhật thường sử dụng loại lá này như một phương thuốc để cải thiện sức khỏe làn da.
- Đặc tính kháng khuẩn: Tía tô được sử dụng phổ biến nhất để giúp điều trị chứng khó tiêu, ốm nghén và các tình trạng đường tiêu hóa khác.
Nước tía tô đỏ là một thức uống tốt cho sức khỏe được nhiều gia đình Nhật yêu thích. Ảnh: Justonecookbook.
Tía tô - Vị thuốc tốt trong nhiều món ngon của người Việt
Tại Việt Nam, lá tía tô vô cùng phổ biến. BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM - cơ sở 3, cho biết, tía tô được trồng ở khắp nơi tại nước ta để lấy lá ăn sống hoặc chế biến làm gia vị cho một số món ăn ngon và làm thuốc. Trong đông y, lá tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm, không độc. Hương vị của tía tô được đánh giá như là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn. Tía tô có công dụng giải cảm mạo do phong hàn gây bệnh và làm cho cơ thể ra mồ hôi hạ nhiệt.
Tía tô chứa 0,5% tinh dầu (chủ yếu là perilla andehit tạo nên mùi thơm đặc biệt của tía tô). Tía tô cũng giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng canxi, sắt... Theo một số nghiên cứu, dịch chiết từ lá tía tô tăng nhu động của dạ dày, ruột, giãn cơ phế quản nên có tác dụng giúp tiêu hóa tốt hơn, chữa ho. Tía tô còn có tác dụng kháng khuẩn, ức chế một số vi khuẩn đường ruột.
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ, có nhiều cách chế biến với tía tô, đơn giản nhất là rửa sạch rồi ăn như rau sống, hoặc ăn kèm với các loại rau sống khác, hay nấu cháo giải cảm, nấu canh cua, nấu ốc, thái nhỏ trộn vào món nộm, hay đun cùng nước uống.
Cháo hành tía tô là món ăn - bài thuốc giúp giải cảm, kích thích tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
Món cháo tía tô giải cảm: Dùng lá tía tô đã rửa sạch cho vào cháo nóng ăn, đắp chăn cho mồ hôi rịn ra, lấy khăn khô lau sạch mồ hôi. Có nhiều cách nấu món cháo tía tô giải cảm như: Cháo tía tô kết hợp hành lá, gừng; cháo tía tô nấu thịt bằm hay cháo tía tô trứng gà... Những cách chế biến này giúp đa dạng các món ăn cho người bệnh giải cảm hiệu quả, vừa dễ nấu, dễ ăn, lại kích thích tiêu hóa tốt và giúp cơ thể mau hồi phục.
Lá tía tô kết hợp với vỏ gừng tươi mỗi thứ 6g, sắc với 500ml nước, đun còn 200ml, chữa trường hợp bụng đầy chướng, ăn uống không tiêu, buồn nôn.
Một số món ăn thơm ngon với tía tô như: bò nướng lá tía tô, lá tía tô kẹp thịt chiên giòn, trứng cuộn lá tía tô, thịt dê hấp tía tô, nộm gà tía tô, lẩu cua nấu tía tô…