Hiểu rõ những điều xảy ra trong cơ thể mình mỗi tháng có thể giúp bạn biết yêu thương, có trách nhiệm và chăm sóc tốt hơn cơ thể mình.
Điều gì khiến chu kỳ kinh nguyệt xảy ra?
Điều này có vẻ khó tin nhưng ngay bây giờ, 300 triệu phụ nữ trên hành tinh này đang trải qua cùng một việc: có kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng là một việc mà hầu hết phụ nữ trên trái đất sẽ trải qua trong đời mình. Nhưng tại sao chu kỳ này lại phổ biến như vậy, và trước hết, điều gì khiến nó xảy ra?
Dù ở đâu, một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 2 tới 7 ngày và lặp lại theo một vòng xoay 28 ngày. Toàn bộ hệ thống đó xảy ra lặp lại khoảng 450 lần trong suốt cuộc đời một người phụ nữ.
Đằng sau quá trình này là một loạt sự điều khiển nội tiết tố mà ăn khớp hài hòa với các hoạt động bên trong cơ thể, khiến kinh nguyệt xảy ra hoặc dừng lại trong suốt 28 ngày.
Bộ máy bên trong này bao gồm 2 buồng trứng chứa hàng ngàn túi nhỏ gọi là nang. Mỗi nang lại có một noãn bào - một tế bào trứng chưa được thụ tinh.
Khi dậy thì, các buồng trứng có hơn 400 nghìn tế bào trứng nhưng chỉ rụng một quả mỗi tháng - chính điều này dẫn tới việc mang thai hoặc hành kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng khá nhiều tới sức khỏe, cuộc sống của người phụ nữ. (Ảnh minh họa)
Đây là cách chu kỳ này xảy ra:
Mỗi tháng, bắt đầu từ lúc dậy thì, tuyến yên sản xuất hormone ở não bắt đầu giải phóng ra 2 chất vào máu: hormone kích thích nang (FSH) và hormone lutein hóa (LH). Khi các chất này đến buồng trứng, chúng kích thích các tế bào trứng phát triển và trưởng thành. Các nang trứng phản ứng bằng cách bơm estrogen. Các tế bào trứng phát triển và mức estrogen đạt đỉnh, ngăn chặn sản xuất FSH và báo hiệu để tuyến yên bơm thêm LH. Điều đó khiến chỉ một tế bào trứng trưởng thành nhất từ một trong các buồng trứng sẽ thoát ra khỏi nang trứng, xuyên qua thành buồng trứng. Quá trình này gọi là sự rụng trứng và nó thường xảy ra từ 10 tới 16 ngày trước khi bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt.
Noãn bào nhỏ xíu này di chuyển dọc qua ống dẫn trứng. Việc mang thai chỉ có thể xảy ra nếu trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng trong vòng 24h sau đó. Nếu không, hành trình di chuyển của trứng kết thúc và cơ hội mang thai khép lại tháng đó. Điều này có nghĩa là, nang rỗng bây giờ bắt đầu giải phóng progesterone - loại hormone báo hiệu cho niêm mạc tử cung cần làm dày với máu và các dưỡng chất để chuẩn bị cho một quả trứng đã thụ tinh có thể được đón nhận và phát triển tại đó.
Nếu nó không tiếp nhận, vài ngày sau đó, lượng estrogen và progesterone của cơ thể đột ngột sụt giảm mạnh, nghĩa là niêm mạc tử cung ngừng tăng sinh và bắt đầu thoái hóa, cuối cùng bong ra. Máu và mô rời khỏi cơ thể, hình thành kỳ hành kinh.
Mỗi phụ nữ có những đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt khác nhau. (Ảnh minh họa)
Tử cung có thể cần tới một tuần để tống sạch các phần không cần thiết, sau quá trình đó, chu kỳ bắt đầu lại. Ngay sau đấy, các buồng trứng bắt đầu lại tiết ra estrogen và lớp niêm mạc tử cung trở nên dày hơn, sẵn sàng đón nhận trứng đã thụ tinh hoặc bị rụng đi. Các hormone tiếp tục điều tiết các hoạt động này bằng một lưu lượng tuần hoàn hợp lý và phân phối đúng lúc. Chu kỳ tiếp tục trở lại, biến đổi từng ngày, từng tuần tiến tới những mốc quan trọng hơn đến khi có thai hoặc hành kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ có phải ai cũng giống ai?
Mặc dù chu kì này xuất hiện và biến mất đều đặn, vẫn có sự khác biệt. Xét cho cùng phụ nữ và cơ thể họ là duy nhất. Chu kỳ kinh nguyệt xảy ra ở các lần khác nhau trong tháng, sự rụng trứng xảy ra ở các thời điểm khác nhau trong chu kỳ, và một số kỳ kinh nguyệt thì kéo dài hơn một số khác. Kinh nguyệt bắt đầu và kết thúc ở thời điểm khác nhau với từng phụ nữ.
Nói cách khác, sự thay đổi giữa các lần hành kinh là bình thường. Nhận thức rõ sự khác nhau và tìm hiểu về chu kỳ hàng tháng sẽ giúp người phụ nữ hiểu rõ và có trách nhiệm với cơ thể mình. Bằng cách này, họ có khả năng đưa chu kỳ nhỏ này thành những quá trình lớn hơn trong đời mình.