Vùng gáy được xem là trung tâm điều hòa thân nhiệt và giúp giữ nhiệt độ cơ thể luôn cân bằng. Vị trí này nếu không được che chắn cẩn thận sẽ dễ làm cơ thể chúng ta bị say nắng, có khi dẫn đến tử vong.
Hiện nước ta đang bước vào mùa hè nên nắng nóng cũng trở nên gay gắt hơn, nhất là vào giữa trưa. Nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm đường hô hấp, bệnh về da, ngộ độc thực phẩm, sốc nhiệt và nhất là say nắng.
Mới đây, Bộ Y tế đã gửi công văn tới sở y tế các tỉnh thành trên cả nước về dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng động. Theo đó, Bộ Y tế cảnh báo thời gian tới, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn.
Hiện nước ta đang bước vào những đợt nắng nóng gay gắt. Ảnh minh họa.
Để bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên uống nước đúng và đủ 1,5 - 2l nước/ngày, không nên đi ra ngoài nắng đột ngột.
Đặc biệt, trong công văn này, Bộ Y tế chỉ ra bộ phận trên cơ thể chúng ta cần được che chắn cẩn thận, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng là vùng vai gáy. Vậy tại sao Bộ Y tế lại có khuyến cáo đặc biệt với vị trí trên cơ thể này trong thời tiết nắng nóng như hiện nay?
Hãy che chắn cẩn thận khi ra ngoài trời nắng nóng
Theo BS.CKI Lê Nguyễn Hoàng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), vùng gáy được coi là trung tâm điều hòa thân nhiệt, giúp giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt chiếu vào vùng đầu, gáy, trung tâm này sẽ bị tổn thương, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, cơ thể sẽ không giữ được sự cân bằng đó.
Nên che chắn cẩn thận vùng vai gáy khi ra ngoài trời nắng nóng. Ảnh minh họa.
Điều này dễ gây tình trạng cơ thể mất nước cấp, rối loạn các chức năng, nhất là hệ thần kinh, biểu hiện nặng ngay từ đầu tổn thương thần kinh có thể hồi phục hoặc không hồi phục, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Theo bác sĩ Hoàng, ánh nắng và sức nóng là hai nguyên nhân vật lý gây ra say nắng, say nóng. Do đó, tai nạn có thể xuất hiện ở ngoài trời, trong hầm lò, nhà máy - xí nghiệp, trong nhà, toa xe, trên ô tô…
Tỉ lệ say nắng, say nóng cũng gia tăng do tia cực tím của ánh nắng chiếu vào vùng gáy khi ra nắng không đội mũ rộng vành hoặc để đầu trần, đặc biệt là trẻ em chơi đùa, người tắm sông, suối, hồ, ao, biển giữa lúc trời nắng gắt.
Ngoài ra, say nắng là do chiếu xạ của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hoặc đang ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp đi ra ngoài đường hoặc tắm sông, ao hồ hoặc tắm biển lúc nắng gắt, nhiệt độ tăng cao.
Khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 - 39 độ C, thậm chí cao hơn, hiện tượng thường hay gặp nhất là say nắng ở cả người lớn và trẻ em, do cơ thể mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, rối loạn nghiêm trọng về điều hòa thân nhiệt khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người, nhất là vùng gáy.
Để tránh bị say nắng, say nóng, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 4 giờ chiều. Khi phải làm việc ngoài trời hoặc phải ra đường giữa trời nắng nóng, người dân cần sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Che chắn cẩn thận là một cách giúp chúng ta tránh được say nắng, say nóng. Ảnh minh họa.
Đối với vùng vai gáy, khi đi ra ngoài đường nên che kín gáy bằng cách đội mũ rộng vành, mặc áo có cổ cao, sử dụng khăn che mặt rộng có thể vòng ra sau che phủ phần gáy để hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, nhất là vùng gáy.
Không nên tắm sông, biển, ao hồ, sông suối lúc nắng gắt, nhất là buổi trưa, xế chiều. Không dùng quạt gió với tốc độ lớn, xoáy vào người, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi.
Nếu dùng máy lạnh, nên để ở nhiệt độ khoảng 25-26 độ là vừa. Khi đi ngoài nắng về, không nên vào phòng máy lạnh ngay, đặc biệt trẻ em, người cao tuổi.