Về nhà, tôi thuyết phục vợ nghĩ lại. Tôi nói hết nước hết cái, cả bố mẹ và anh trai tôi cũng khuyên nhủ hết lời mà vợ vẫn không nghe.
- Căn nhà này là bố mẹ dành riêng cho cái Ngọc. Là người phụ nữ rất thiệt thòi, nếu các con ăn đời ở kiếp với nhau thì nhà đất đó tên ai cũng như nhau cả. Nếu hai đứa nhỡ nhàng rồi chia tay thì tuổi xuân thì của nó chẳng còn nữa, nhưng ít ra còn có cái nhà để ở. Đó là bố mẹ nói vậy, còn quyết định cuối cùng để con đứng tên trên nhà đất hay không còn tùy thuộc vào cái Ngọc nữa.
Bố vợ nói xong, trước mặt cả gia đình, vợ tôi cũng nói thẳng là tán thành với ý kiến của bố mẹ, tức trên giấy tờ nhà đất đằng ngoại cho chỉ có tên của vợ tôi. Nghĩ mà uất, đã mang tiếng con rể được nhờ nhà vợ rồi, hóa ra tôi chẳng được miếng nào.
Tôi và Ngọc mới cưới nhau được gần 1 năm. Trước khi đến với nhau, tôi từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ và có một cậu con trai riêng, còn Ngọc vẫn là gái tân.
Bố vợ gọi vợ chồng tôi qua nhà, nói rằng cho nhà đất ra riêng. (Ảnh minh họa)
Sau khi cưới, chúng tôi ở chung với cả đại gia đình gồm bố mẹ tôi, gia đình anh trai và chị dâu. Thấy sống như vậy chật chội, nhiều cái bất tiện rồi mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị em dâu căng thẳng nên bố vợ mới gọi vợ chồng tôi sang bảo cho miếng đất ở ngoại thành.
Trên miếng đất đó có một căn nhà cũ 3 tầng, trước đó ông bà mua để đầu tư, giờ thấy con cái sống chật vật như vậy nên mới cho. Muốn ở như vậy hoặc đập đi xây lại cho đẹp thì tùy vợ chồng tôi.
Căn nhà đó vợ chồng tôi đã tới xem qua rồi, không đến nỗi cũ lắm, chỉ cần sơn sửa lại một chút là có thể ở được, chứ đập đi xây lại tôi không có tiền, vì cách đây mấy năm tôi và vợ cũ đã dồn hết tiền tiết kiệm để xây lại ngôi nhà mà cả đại gia đình đang ở rồi. Lúc ấy còn phải vay mượn thêm một ít nên thành ra bây giờ chẳng còn dư.
Tính vài bữa nữa rảnh rỗi, sắp xếp được thời gian tôi sẽ thuê người đến sơn sửa, lắp điều hòa, nóng lạnh,… để vào ở, ấy vậy mà giờ lại lòi ra tôi không được đứng tên nhà. Các cụ nói “của chồng công vợ” thì cũng phải “của vợ công chồng” chứ?
Tôi là đàn ông, nhà không đứng tên tôi thì khác gì tôi đi ở rể, chó chui gầm chạn, thế này ra đường làm sao tôi ngẩng mặt được lên nhìn ai nữa? Hồi mới cưới, bố vợ thường nói bố coi con trai cũng như con gái, dâu cũng như rể, không phân biệt vậy mà giờ lại tính toán với tôi thế này đây.
Tôi thật sự bất lực với suy nghĩ của vợ. (Ảnh minh họa)
Về nhà, tôi thuyết phục vợ nghĩ lại. Tôi nói hết nước hết cái, cả bố mẹ và anh trai tôi cũng khuyên nhủ hết lời mà Ngọc vẫn không nghe. Gia đình tôi giận Ngọc lắm, không phải vì nhà tôi tham đất cát gì nhà vợ mà thấy cô ấy đi làm dâu nhưng không hết lòng hết dạ với nhà chồng. Mới cưới chưa đầy năm mà cô ấy đã có bụng phòng thủ, tính đến chuyện sau này ly hôn rồi. Vợ chồng mà tính toán, đề phòng nhau như vậy thì sao có thể chung sống lâu dài với nhau.
Khi tôi phân tích như vậy để vợ biết đường cư xử thì cô ấy lại nổi khùng:
- Anh mới là người tính toán, nếu không tính toán thì anh để ý tên ai làm gì? Nhà đất của bố mẹ thì nên tôn trọng ý kiến của bố mẹ. Mà nếu không có chuyện bố mẹ vợ cho nhà, thì em ở cả đời trên đất nhà anh cũng đâu được đứng tên cùng, đúng không?
Bây giờ anh và em vẫn còn sống chung với nhau, nhưng nhỡ ly hôn thì sao? Em không dại như vợ cũ của anh, rút hết tiền tiết kiệm để xây nhà trên đất của bố mẹ chồng rồi lúc ly hôn ra đi tay trắng đâu.
Nghe vợ nói tôi sốc thật sự. Thật không ngờ Ngọc lại nghĩ về chồng và nhà chồng như thế. Đã là vợ chồng thì cùng nhau xây dựng nhà cửa, ai mà nghĩ đến ngày đường ai nấy đi chứ?
Lúc ly hôn, vẫn còn một ít nợ tiền xây nhà, là tôi đứng ra trả hết. Còn về phía vợ cũ, tôi để cô ấy chọn lựa, mang đi những món đồ cô ấy thích nhưng cô ấy bảo không cần đấy chứ. Hơn nữa, con trai cũng là tôi nhận nuôi mà.
Có điều tôi chán với suy nghĩ của Ngọc quá, chẳng buồn nói nữa. Vợ tôi vẫn giữ nguyên quyết định đó, không khí gia đình mấy ngày nay luôn ngột ngạt, bí bách rất khó chịu. Có cách nào để vợ tôi hiểu ra, cho tôi đứng tên nhà đất cùng không, xin hãy chỉ giúp tôi.