Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng mà nhiều người yêu thích. Món trứng này có thể luộc, sốt me hoặc đem um theo cách của người Huế cũng cực kỳ ngon.
Dù là Đông y hay Tây y thì trứng vịt lộn vẫn luôn được xem là món ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe. Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, cứ trong 1 quả trứng vịt lộn sẽ có chứa tới hơn 180 calo. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này còn rất giàu protein, lipid, canxi, photpho và vitamin nhóm A, B, C cùng carotene.
Ngoài tác dụng dưỡng huyết, ích trí, ăn trứng vịt lộn thường xuyên còn giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường sinh lý. Vậy trứng vịt lộn nấu món gì ngon?
Có rất nhiều cách chế biến trứng vịt lộn khác nhau. Bạn có thể đem luộc rồi ăn với muối tiêu chanh. Hoặc nấu chung với ngải cứu để tạo ra món ăn bổ dưỡng. Bên cạnh các cách ăn quen thuộc, người Huế có một công thức um trứng vịt lộn ngon bất bại, mới nghe tưởng dị dị không ngờ là món đặc sản.
Nguyên liệu làm trứng vịt lộn um bầu
- Trứng vịt lộn: 15 quả
- Hành khô: 5 củ
- Hành lá: 1 mớ
- Rau răm: 1 mớ
- Bầu non: 2 quả
* Mẹo hay: Để chọn trứng vịt lộn non, ngon, bạn có thể áp dụng các mẹo sau:
- Ưu tiên những quả cầm chắc, nặng tay. Loại này đang còn non, nhiều nước và đủ lòng trắng, lòng đỏ.
- Lắc nhẹ nếu không nghe thấy tiếng động thì nên mua.
- Quan sát phần vỏ. Thường trứng ngon thì vỏ thô ráp, bên ngoài không có chấm đen.
- Soi trứng phía dưới ánh sáng, nếu thấy tối hoặc chỉ nhìn thấy lờ mờ bên trong thì những quả đó mới và non.
Đối với quả bầu, bạn nên mua quả vừa phải, trên bề mặt vỏ có lông tơ. Dùng ngón tay bấm nhẹ được vào bề mặt quả thì đó là bầu non.
Ưu tiên chọn mua những quả có cuống to, xanh và còn vết nhựa. Kinh nghiệm dân gian, bầu ngon thường sẽ thẳng, không bị quá cong, vênh.
Cách làm trứng vịt lộn um bầu chuẩn vị Huế
Bước 1: Luộc trứng
- Trứng vịt lộn mua về bạn rửa sạch dưới vòi nước rồi cho vào nồi sạch.
- Xếp trứng vào trong nồi rồi đổ nước ngập mặt trứng.
- Bật bếp luộc trứng khoảng 30 phút tới khi chín thì tắt bếp.
- Tách bỏ vỏ trứng vịt lộn. Chú ý, giữ lại phần nước trong trứng vì nó rất ngọt và bổ dưỡng.
* Mẹo hay: Để trứng vịt lộn ngon, thơm hơn, bạn có thể cho thêm lá dứa và gừng vào nồi luộc chung. Lưu ý, lúc mới luộc bạn có thể để lửa to. Khi nước sôi thì vặn nhỏ xuống rồi để khoảng 20 phút nữa là chín.
Bước 2: Sơ chế các loại rau
- Hành tím bóc vỏ thái nhỏ.
- Bầu gọt vỏ, thái miếng vừa ăn. Không nên thái miếng bầu quá dày nấu lâu chín, khó ăn. Hoặc thái quá mỏng, bầu sẽ dễ bị nát.
- Rau răm, hành lá bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 3: Nấu trứng vịt lộn um bầu
- Cho dầu ăn/mỡ lợn vào trong nồi. Trút hành tím thái nhỏ ở bước 2 vào phi thật thơm.
- Nêm vào đây 1 thìa ớt bột, 1 thìa nước mắm, 1 chút muối, ½ thìa bột ngọt. Dùng đũa đảo đều cho gia vị tan ra.
- Trút phần trứng vịt lộn đã bỏ vỏ trước đó vào. Chú ý, không đảo mạnh tay vì rất dễ khiến cho trứng vịt lộn bị nát.
- Cho bầu đã thái miếng vào, đậy vung um khoảng 20 phút.
- Ở bước này, bạn có thể thêm ½ bát con nước hoặc không cho cũng được.
Bước 4: Hoàn thành
- Mở vung kiểm tra thấy bầu và trứng vịt lộn đã chín, bạn cho hành lá thái nhỏ vào.
- Nêm nếm lại gia vị sao cho vừa miệng rồi múc ra đĩa/bát để thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm món trứng vịt lộn um bầu
Trứng vịt lộn um bầu chuẩn vị Huế sẽ có hương vị thơm ngon, đậm đà. Phần trứng vịt ngọt thơm, ăn béo ngậy xen lẫn bầu um thanh mát, mềm ngon ăn cực kỳ thích.
Nước um đậm vị có chút cay cay, the the của ớt bột, rau răm, thơm đặc trưng từ hành lá, ăn rất đã miệng.
Món trứng vịt lộn um kiểu này phải ăn khi còn nóng hổi. Người Huế thường ủ trong âu nhỏ bằng sành có nắp đậy nên khi ăn vẫn giữ được nhiệt độ lý tưởng đảm bảo hương vị ngon không gì sánh nổi.
Bạn có thể sử dụng món ăn ngon này cho bữa sáng, bữa trưa để bổ sung dinh dưỡng cho một ngày làm việc hiệu quả.
Một số lưu ý khi ăn trứng vịt lộn um bầu
- Không cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn vì trong trứng vịt lộn rất giàu dưỡng chất, dễ khiến trẻ bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
- Nên ăn từ 1 - 2 bữa mỗi tuần. Không ăn quá nhiều, tối đa 2 quả/lần.
- Những người bị béo phì, người cao tuổi hoặc mắc các bệnh như mỡ máu, rối loạn tiêu hóa… cần hạn chế ăn.
- Nên ăn kèm với rau răm hoặc gừng để chống lạnh bụng, đầy hơi.