Việc tiếp xúc với bùn đất hoặc hít phải bụi có nhiễm vi khuẩn Whitmore đều có thể gây bệnh, đây là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong lên tới 40%.
Mới đây sự việc 2 anh em ruột trong một gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội) tử vong được xác định bị nhiễm vi khuẩn Whitmore khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Theo đó, bé trai thứ nhất là cháu T.C.V. (SN 2014) xuất hiện sốt 38,5 độ C, kèm theo đau bụng vào ngày 27/10 và không điều trị gì.
5 giờ sáng 28/10, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21 giờ ngày 31/10, bé T.C.V. tử vong tại bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Kết quả mẫu máu xét nghiệm cho thấy có kết quả dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.
Bé trai tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Mới đây, bé T.Q.H. (18 tháng, em trai bé V.) cũng đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trước đó, bé đầu tiên của vợ chồng này đã mất trong tháng 4, bé thứ hai cũng mất vào tháng 10. Cả 3 bé đều tử vong với cùng một biểu hiện giống nhau, nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Trước thông tin trên, nhiều người cho rằng hai bé trai mắc bệnh do lây nhau, tuy nhiên ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định hai cháu lây cho nhau.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên phát hiện người mắc căn bệnh này ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chúng. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tính từ đầu năm đến giữa tháng 9/2019, trung tâm tiếp nhận 20 ca, số ca mắc bệnh này bằng cả 5-10 năm trước cộng lại. Điều đáng nói, đây là căn bệnh đã bị lãng quên từ lâu, nay có nguy cơ bùng phát trở lại và tỷ lệ tử vong khi mắc phải lên tới 40%.
Vi khuẩn Whitmore lây qua đất, nước, bụi...
PGS Cường cho hay, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. “Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị lãng quên", bác sĩ Cường nói.
Theo vị chuyên gia này, bệnh Whitmore hay gặp vào thời điểm mùa mưa (khoảng từ 7 đến tháng 11), để phòng căn bệnh này người làm việc, tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.
Còn tại Hà Nội, TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc phòng bệnh. Theo đó người dân cần vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn đất, nước ô nhiễm; Khi có biểu hiện bệnh cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị.
TS Cảm cũng trấn an người dân rằng, bệnh Whitmore lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, số ít có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao.