Tổ chức Healthy Babies Bright Futures (HBBF) đã công bố các kim loại nặng độc hại gây ảnh hưởng tới não bộ của trẻ có thể có trong thức ăn dành cho trẻ nhỏ.
Nhóm nghiên cứu của HBBF đã tiến hành thử nghiệm 168 loại thực phẩm dành cho trẻ từ 61 nhãn hiệu lớn ở Mỹ. Kết quả cho thấy 95% trong số đó có chứa chì, 73% chứa asen, 75% chứa cadmium và 32% chứa thủy ngân, 25% thực phẩm này có chứa tất cả 4 kim loại nặng trên.
Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện có 20% thực phẩm dành cho trẻ được thử nghiệm đã vượt quá giới hạn chì cho phép gấp 10 lần. Thực tế, các chuyên gia cũng cảnh báo không có mức giới hạn chì nào là an toàn.
95% thực phẩm dành cho trẻ được thử nghiệm ở Mỹ có chứa chì. (Ảnh minh họa)
Kết quả điều tra của HBBF tương tự với cuộc điều tra của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trước đó. Cụ thể, báo cáo của FDA cho thấy nhiều hàm lượng kim loại được tìm thấy trong 33/39 mẫu thử thực phẩm trẻ em tại Mỹ.
Các phân tích cho thấy thực phẩm có nguy cơ gây độc thần kinh cao nhất là các sản phẩm làm từ gạo, khoai lang và nước ép trái cây. "Kể cả với hàm lượng kim loại rất nhỏ trong mỗi đơn vị thực phẩm, chúng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ cũng như IQ của trẻ sau này. Tác hại của chúng được tích lũy tăng dần qua mỗi gói hay miếng thực phẩm mà trẻ tiêu thụ", báo cáo cho biết.
Thực phẩm làm tự gạo là độc hại nhất
Ngũ cốc cho trẻ sơ sinh, các món cơm và đồ ăn nhẹ làm từ gạo đứng đầu danh sách các thực phẩm độc hại nhất cho trẻ sơ sinh. "Những thực phẩm phổ biến cho trẻ em này không chỉ chứa nhiều asen vô cơ, dạng asen độc hại nhất, mà còn gần như luôn bị nhiễm cả bốn kim loại độc hại", báo cáo cho biết.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng mức độ tiếp xúc với asen dù rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu năm 2004 nhận thấy những đứa trẻ ở Bangladesh từng tiếp xúc với asen trong nước uống, đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra trí tuệ. Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu về chủ đề này cho thấy nồng độ asen trong nước tiểu tăng 50% có liên quan đến việc giảm 0,4 điểm trong chỉ số IQ ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15.
Gạo lức (gạo nâu) và gạo đen (gạo hoang dã) là độc hại nhất vì lớp vỏ chưa được xay xát tập trung nhiều asen nhất. (Ảnh minh họa)
Asen là một nguyên tố tự nhiên được tìm thấy trong đất, nước và không khí, và asen dạng vô cơ là độc nhất. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, vì gạo được trồng trong nước nên rất dễ hấp thụ asen vô cơ và các sản phẩm từ gạo cũng chứa hàm lượng cao nhất chất độc này.
Trong đó, gạo lức và gạo đen (gạo hoang dã) là độc hại nhất bởi vì những loại gạo này chưa được xay xát loại bỏ lớp vỏ bên ngoài, trong khi đó là nơi tập trung nhiều asen nhất.
Thậm chí ngay cả thực phẩm hữu cơ cũng không thể tránh khỏi tình trạng này. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy siro gạo lức, chất làm ngọt thường được dùng trong các thực phẩm hữu cơ cũng chứa một hàm lượng asen đáng kể. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã từng phát hiện một công thức sữa “hữu cơ” dành cho trẻ nhỏ có chứa hàm lượng asen vô cơ cao gấp 6 lần mức cho phép.
Cha mẹ phải làm gì để bảo vệ con?
Trong khi FDA đang nghiên cứu làm thế nào để giảm phơi nhiễm kim loại trong thực phẩm thì tình trạng phơi nhiễm vẫn còn quá cao. Vì vậy trước khi các cơ quan chính quyền có hành động, các bậc phụ huynh có thể tự mình thay đổi để bảo vệ sức khỏe con bạn
1. Hạn chế dùng gạo và chế phẩm từ gạo
Báo cáo của HBBF đã xác định các loại thực phẩm có chứa nhiều kim loại nặng nhất mà cha mẹ nên hạn chế trong chế độ ăn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm: ngũ cốc từ gạo, bánh phồng làm từ gạo, đồ ăn nhẹ làm từ gạo và bánh gạo hoặc bánh quy cho trẻ đang mọc răng.
HBBF đề nghị phụ huynh sử dụng các loại ngũ cốc chứa ít asen, chẳng hạn như bột yến mạch, lúa mạch, lúa mỳ và đồ ăn nhẹ không làm từ gạo.
"Thực phẩm đầu tiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh là bơ, rau xay nhuyễn, bột yến mạch, bơ đậu phộng và cá hồi," bác sĩ nhi khoa Tanya Altmann, tác giả của "What to Feed Your Baby" Altmann nói. "Tất cả thực phẩm này đều cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng mà em bé cần, giúp phát triển vị giác và có thể làm giảm dị ứng thực phẩm."
Ngoài ra, thịt là nguồn cung cấp sắt và kẽm tốt hơn cho trẻ nhỏ so với ngũ cốc. Nếu bạn chọn nấu cơm cho trẻ nhỏ, HBBF khuyên bạn nên nấu cơm thành cháo và gạn nước ra trước khi ăn. Điều đó sẽ cắt giảm 60% asen có trong gạo.
Nếu muốn an toàn hơn, bạn có thể mua gạo Basmati được trồng ở California, Ấn Độ hay Pakistan. "Gạo trắng sẽ an toàn hơn gạo lức", báo cáo của HBFF xác nhận
2. Chọn đồ ăn nhẹ cẩn thận
Táo và chuối có thể là món ăn nhẹ an toàn cho trẻ hơn so với bánh quy dành cho trẻ mọc răng. (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của HBBF, bánh quy cho trẻ mọc răng có thể chứa asen, chì và cadmium. Vì vậy nếu các bậc phụ huynh muốn làm dịu cơn đau của bé có thể sử dụng chuối đông lạnh, dưa chuột gọt vỏ và ướp lạnh hoặc khăn ướt, sạch - nhưng hãy nhớ quan sát trẻ khi ăn đề phòng trẻ có thể bị nghẹn.
Jane Houlihan, giám đốc khoa học và sức khỏe của HBBF cũng gợi ý các món ăn nhẹ an toàn mà cha mẹ có thể chuẩn bị cho con như táo và chuối, phô mai, nho, đào và sữa chua.
3. Tránh nước ép trái cây đóng chai
Táo, nho và các loại nước ép khác có chứa lượng kim loại nặng đáng kể. Dù nó không có mức độ cao như các sản phẩm từ gạo nhưng Houlihan vẫn phải khuyến cáo bởi vì đó là loại đồ uống được trẻ em tiêu thụ rất nhiều.
Theo Học viện Nhi Mỹ (AAP), nước trái cây đóng chai thường được cha mẹ sử dụng cho con cái nhưng chúng không phải là lựa chọn khôn ngoan. Nước hoa quả đóng chai chứa nhiều đường, thiếu chất xơ và góp phần gây sâu răng lẫn béo phì.
Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng nước lọc hoặc sữa là an toàn nhất tùy thuộc vào độ tuổi cũng như môi trường sinh sống của trẻ. Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ và sữa bột là nguồn giải khát hữu hiệu nhất. Với trẻ dưới 2 tuổi thì nước sạch và sữa bột có thể là một lựa chọn tốt. Trẻ từ 2-5 tuổi có thể uống sữa ít béo cũng như để trẻ uống thật nhiều nước.
Ở bất kỳ độ tuổi nào, cha mẹ nên hạn chế tối đa cho trẻ uống nước hoa quả đóng chai. Nếu bắt buộc phải sử dụng, hay pha thêm nước lọc để làm loãng hoặc sử dụng nước hoa quả tự pha nguyên chất 100%.
4. Cẩn thận khi xử lý rau quả
Gọt vỏ khoai tây sâu hơn một chút có thể loại bỏ nhiều kim loại nặng hơn. (Ảnh minh họa)
Mặc dù, khoai lang và cà rốt là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, báo cáo lại cho thấy chúng cũng chứa nhiều chì và cadmium.
Nhưng thay vì loại bỏ cà rốt và khoai lang, Houlihan đề nghị các bậc phụ huynh nên hạn chế cho con ăn và nếu sử dụng thì nên gọt vỏ sạch sẽ. “Việc gọt vỏ sâu hơn một chút có thể loại bỏ nhiều kim loại nặng hơn”, Houlihan nói.
Ngoài ra, bổ sung thêm cho trẻ nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc khác để thêm đa dạng khẩu phần ăn uống.