Bệnh tiểu đường NS Chánh Tín mắc hơn 10 năm có biểu hiện âm thầm nhưng hậu quả nặng nề

Ngày 04/01/2020 18:25 PM (GMT+7)

Thông tin nghệ sĩ Chánh Tín qua đời tại nhà riêng vào sáng 4/1 khiến nhiều người hâm mộ và đồng nghiệp thương tiếc. Được biết nam nghệ sĩ đã mắc bệnh đái tháo đường suốt 10 năm trước khi qua đời.

Sáng ngày 4/1, NSƯT Nguyễn Chánh Tín được gia đình thông báo đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi. Theo lời kể của ca sĩ Bích Trâm – vợ nghệ sĩ Chánh Tín cho biết ông mắc cảm cúm nhẹ và sức khỏe yếu dần từ mấy ngày trước.

Được biết, ngoài việc sức khỏe suy yếu vài ngày nay, nam nghệ sĩ còn mắc phải căn bệnh đái tháo đường suốt 10 năm qua.

Bệnh tiểu đường NS Chánh Tín mắc hơn 10 năm có biểu hiện âm thầm nhưng hậu quả nặng nề - 1

Nghệ sĩ Chánh Tín qua đời ở tuổi 68.

Căn bệnh gây tử vong thứ 3 ở Việt Nam

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017, ước tính 1/14 dân số trưởng thành mắc, tương đương 352 triệu người. Riêng khu vực Đông Nam Á, số người mắc tiền đái tháo đường dự đoán tăng từ 29 triệu người (năm 2017) lên 50 triệu người (năm 2045).

Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong thứ ba với gần 5 triệu người mắc bệnh.

"Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường", giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết -  Đái tháo đường Việt Nam cho biết.

GS Dàng cũng cho biết đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng số lượng người mắc. Đây cũng là căn bệnh gây mù lòa, suy thận, cụt chi (chỉ sau tai nạn giao thông)… hàng đầu ở Việt Nam.

Điều đáng nói, đái tháo đường đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, không chỉ người cao tuổi mới có khả năng mắc bệnh mà ngay cả trẻ nhỏ cũng có nguy cơ. PGS Tạ Văn Bình – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đái tháo đường Việt Nam cho hay: “Hiện nay, đái tháo đường trở thành bệnh phổ biến. Đặc biệt, hơn 60% người bệnh mắc đái tháo đường mà không biết có bệnh. Đáng nói số người mắc đang càng trẻ hóa, thậm chí có những trẻ mới 8 - 9 tuổi đã bị đái tháo đường tuýp 2”.

Bệnh đái tháo đường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng

Các chuyên gia cảnh báo bệnh đái tháo đường đang là “kẻ giết người” thầm lặng bởi trong giai đoạn đầu, bệnh diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng. Vì vậy, hậu quả mà nó để lại thường rất nặng nề, thậm chí tử vong.

Bệnh tiểu đường NS Chánh Tín mắc hơn 10 năm có biểu hiện âm thầm nhưng hậu quả nặng nề - 2

Giáo sư Trần Hữu Dàng cho biết Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao.

Các triệu chứng đái tháo đường khác nhau tùy thuộc vào lượng đường trong máu của bạn tăng cao. Một số người, đặc biệt là những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc đái tháo đường loại 2, có thể không gặp các triệu chứng ban đầu. Trong bệnh đái tháo đường loại 1, các triệu chứng có xu hướng xuất hiện nhanh và nghiêm trọng hơn.

Theo Mayo Clinic, một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường loại 1 và loại 2 là:

- Thường xuyên khát nước

- Đi tiểu thường xuyên

- Luôn cảm thấy đói

- Giảm cân không rõ lý do

- Mệt mỏi, dễ cáu gắt

- Thị lực suy giảm

- Vết thương lâu lành

Theo khuyến cáo của GS. Dàng những đối tượng sau đi tầm soát tiền đái tháo đường là:

- Người từ 45 tuổi trở lên;

- Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ;

- Người thừa cân (chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2) có ít nhất 1 trong các yếu tố: tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường, tiền sử bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu, không hoạt động thể lực và phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Người mắc tiền đái tháo đường cần tầm soát hàng năm. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, ít nhất mỗi 3 năm/lần. Còn tất cả bệnh nhân khác, tầm soát từ 45 tuổi, lặp lại tối thiểu mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường

Để phòng bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường loại 1 không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, lựa chọn lối sống lành mạnh giúp điều trị tiền đái tháo đường, đái tháo đường loại 2 và đái tháo đường thai kỳ cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh:

- Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Chọn thực phẩm ít chất béo và calo, giàu chất xơ hơn. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc. Ăn uống đa dạng.

- Hoạt động thể chất nhiều hơn. Thực hiện khoảng 30 phút hoạt động thể chất vừa phải một ngày như đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi lội. 

- Duy trì cân nặng ổn định, tránh béo phì. 

Giáo sư đầu ngành chỉ rõ mầm mống bệnh tiểu đường và khuyên cách phòng tránh rất đơn giản
Trước khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường, người bệnh trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường, tuy nhiên rất nhiều người không nhận biết để tầm soát...
Hoàng Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường.