Trước khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường, người bệnh trải qua giai đoạn tiền đái tháo đường, tuy nhiên rất nhiều người không nhận biết để tầm soát sớm.
GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng số lượng người mắc. Đây cũng là căn bệnh gây mù lòa, suy thận, cụt chi (chỉ sau tai nạn giao thông)… hàng đầu ở Việt Nam.
Đáng lo ngại, trước khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường, bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền đái tháo đường nhưng ít người lại để ý đến các triệu chứng để tầm soát bệnh. GS Dàng cho rằng tiền đái tháo đường là "mầm mống", sẽ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 trong 5-10 năm hoặc sớm hơn.
“Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh đái tháo đường. Chỉ số đường huyết người mắc tiền đái tháo đường được xác định ở mức 100-125 mg/dL so với mức <=90 mg/dL ở người bình thường. Tiền đái tháo đường hiện là một trong những vấn đề thời sự nóng hổi trên thế giới hiện nay”, GS Dàng nhận định.
GS Dàng cảnh báo về mầm mống gây bệnh đái tháo đường.
Dù là vấn đề nóng hổi, nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng GS Dàng cho rằng, người mắc tiền đái tháo đường nếu được phát hiện sớm có thể hồi phục, thông qua việc thực hiện các chương trình điều chỉnh lối sống dựa trên việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất.
Chính vì vậy, việc được tiếp cận chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường là vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân giảm sự tổn hại cho sức khoẻ lẫn chi phí chi trả cho các biến chứng đái tháo đường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhằm nâng cao nhận biết về tiền đái tháo đường, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam triển khai “Chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân”. Theo đó, từ tháng 11/2019 cho đến năm 2020 sẽ tầm soát tiền đái tháo đường cho trên 2.500 đối tượng nguy cơ cao tiền đái tháo đường tại 6 bệnh viện lớn trên cả nước...
GS Dàng (bên phải) cho rằng cần nâng cao nhận thức người dân để phòng bệnh.
Theo khuyến cáo của GS. Dàng, những đối tượng nên đi tầm soát tiền đái tháo đường là:
- Người từ 45 tuổi trở lên;
- Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ;
- Người thừa cân (chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2) có ít nhất 1 trong các yếu tố: tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường, tiền sử bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu, không hoạt động thể lực và phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Người mắc tiền đái tháo đường cần tầm soát hàng năm. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, ít nhất mỗi 3 năm/lần. Còn tất cả bệnh nhân khác, tầm soát từ 45 tuổi, lặp lại tối thiểu mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường
"Những thay đổi tích cực về lối sống có thể giúp bệnh nhân tiền đái tháo đường tránh diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2. Can thiệp lối sống bao gồm hoạt động thể lực 150 phút/tuần, giảm cân và duy trì giảm 7% cân nặng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo, ngưng hút thuốc lá. Tuy nhiên, các chuyên gia có lời khuyên, nếu vẫn không kiểm soát được đường huyết với các biện pháp thay đổi lối sống trong vòng 3-6 tháng, có thể bạn cần điều trị bằng thuốc. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm tiền đái tháo đường", GS Dàng nhấn mạnh.
Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017, ước tính 1/14 dân số trưởng thành mắc, tương đương 352 triệu người. Riêng khu vực Đông Nam Á, số người mắc tiền đái tháo đường dự đoán tăng từ 29 triệu người (năm 2017) lên 50 triệu người (năm 2045). Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ năm 2012, tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường thường cao hơn gấp đôi so với đái tháo đường (13,7% so với 5,4%). Mặt khác, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. |