Cập nhật COVID-19 ngày 13/4: Bệnh nhân 22 kiểm tra dương tính trở lại sau khi xuất viện

Ngày 13/04/2020 19:06 PM (GMT+7)

Sau 3 lần âm tính và đựợc công bố khỏi bệnh, bệnh nhân 22, đi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân 17 và bệnh nhân 21 đã dương tính trở lại.

Bệnh nhân 22 sau khi xuất viện, kiểm tra dương tính trở lại

Theo Pháp luật TP.HCM, thông tin được ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM, chiều 13-4. 

Cập nhật COVID-19 ngày 13/4: Bệnh nhân 22 kiểm tra dương tính trở lại sau khi xuất viện - 1

Hai du khách người Anh là bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 22 và 23 đang làm thủ tục tại sân bay Đà Nẵng để di chuyển vào TP.HCM, về nước. Tuy nhiên, BN22 dương tính trở lại. Ảnh: DL

Theo đó bệnh nhân 22 được Đà Nẵng phát hiện dương tính từ ngày 8-3, điều trị đến ngày 27-3 thì cho xuất viện sau 3 lần âm tính. Sau đó, người này tiếp tục được cách ly 14 ngày tại khách sạn.

Đến ngày 10-4, người đàn ông quốc tịch Anh đi máy bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM. Trong khi chờ đi tiếp sang Anh, người này nghỉ tại một khách sạn trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình và được lấy mẫu xét nghiệm.

Đến tối 12-3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM xác định mẫu xét nghiệm của người này dương tính, tuy nhiên bệnh nhân này đã trở về Anh.

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã khử khuẩn khách sạn, cách ly tập  trung 14 người tiếp xúc gần người đàn ông quốc tịch Anh, 3 nhân viên phục vụ được cách ly tại khách sạn, 31 khách lưu trú tại khách sạn này cũng được giám sát, cách ly. Đồng thời, cơ quan chức năng đã liên hệ với Hãng hàng không Vietnam Airlines để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp ngồi gần người này.

Ông Bỉnh cho rằng các địa phương và sở ngành cần phải hết sức lưu ý trong việc chống dịch sau ca bệnh này. Bởi trường hợp này rất đáng quan ngại, bệnh nhân này có thể tái phát, hoặc tái nhiễm trong thời gian cách ly ở Đà Nẵng. Thời gian tới, những người tới TP.HCM phải được giám sát hết sức chặt chẽ.

Liên quan đến ca bệnh này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ 2 lây nhiễm. TP.HCM cần tập trung vào công tác dự phòng, giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người bệnh sau xuất viện.

Các cơ quan chức năng cần xét nghiệm kiểm tra nhóm người tiếp xúc gần có nguy cơ cao và những trường hợp từ nơi khác vào thành phố, đặc biệt là trường hợp người nước ngoài.

Virus corona chủng mới có thể tiêu diệt tế bào miễn dịch ở người

Virus corona gây ra đại dịch COVID-19 có thể tiêu diệt các tế bào miễn dịch của cơ thể con người. Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Thượng Hải và New York phù hợp với quan sát của các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, rằng COVID-19 có thể tấn công hệ miễn dịch của con người và gây tổn thương tương tự như ở người có HIV.

Cập nhật COVID-19 ngày 13/4: Bệnh nhân 22 kiểm tra dương tính trở lại sau khi xuất viện - 2

Các bệnh nhân nhìn ra từ cửa sổ bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán. Ảnh: EPA-EFE

Lu Lu, nhà nghiên cứu công tác tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, và Jang Shibo, công tác tại Trung tâm huyết học New York, cùng thực hiện nghiên cứu trên virus có tên gọi chính thức là SARS-CoV-2 trên các dòng tế bào lympho T (tế bào T) được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Các tế bào T đóng vai trò trung tâm trong việc tìm ra và loại bỏ mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Chúng làm nhiệm vụ này bằng cách bắt lấy tế bào bị virus tấn công, khoan một lỗ trên màng tế bào rồi bơm chất độc vào tế bào. Chất độc đó tiêu diệt cả virus và tế bào nhiễm bệnh để chúng vỡ ra thành nhiều mảnh.

Theo bài viết vừa đăng trên tạp chí Tế bào & Miễn dịch phân tử, các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi thấy tế bào T trở thành con mồi của virus corona mới. Họ tìm ra một cấu trúc độc nhất trong lượng protein rất cao của virus, có vẻ như đã kích hoạt hợp chất tạo nên màng bọc cho virus khi tiếp xúc với tế bào T. Các gien của virus sau đó xâm nhập tế bào T rồi chiếm lấy tế bào này, làm mất khả năng bảo vệ cơ thể con người.

Các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm tương tự với loại virus corona gây hội chứng viêm đường hô hấp (SARS) và phát hiện ra rằng virus SARS không có khả năng tấn công tế bào T.

Nhóm nghiên cứu nghi ngờ nguyên nhân có thể do thiếu chức năng tổng hợp màng tế bào. SARS chỉ có thể tấn công các tế bào mang protein thụ thể đặc hiệu là ACE2. Loại protein này có rất ít trong các tế bào T.

Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Kinh nói rằng phát hiện này là bằng chứng nữa cho thấy có cơ sở cho lo ngại của giới chuyên môn về nguy cơ virus corona mới hoạt động giống như các virus nguy hiểm nhất từ trước đến nay, đó là tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch của con người. “Càng ngày càng có thêm nhiều người so sánh nó với HIV”, báo SCMP dẫn lời một bác sĩ yêu cầu ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Hồi tháng 2, Chen Yongwen và các đồng nghiệp tại Viện miễn dịch học thuộc quân đội Trung Quốc, công bố một báo cáo lâm sàng cảnh báo rằng số lượng tế bào T giảm đáng kể trong các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là ở người già hoặc người cần điều trị tích cực. Lượng tế bào T càng thấp, bệnh nhân có nguy cơ tử vong càng cao. Quan sát này sau đó được xác nhận bởi kết quả tử thi trên hơn 20 bệnh nhân, cho thấy hệ miễn dịch của họ hoàn toàn bị phá hủy.

Các bác sĩ tham gia khám nghiệm nói rằng COVID-19 gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng tương tự như tác động của SARS và AIDS cộng lại. Gien đằng sau chức năng tổ hợp ở SARS-CoV-2 không được tìm thấy trong các virus corona từng tấn công con người hay động vật. Nhưng một số virus tấn công con người nghiêm trọng nhất như AIDS và Ebola có các chuỗi tương tự, dẫn đến suy đoán rằng SARS-CoV-2 có thể đã lặng lẽ lây lan trong xã hội loài người từ lâu trước khi gây ra đại dịch lần này.

Hiện tượng tái dương tính

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối tuần qua cho biết đang xem xét một số báo cáo về tình trạng bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi đã âm tính với virus và chuẩn bị được xuất viện.

Giới chức Hàn Quốc báo cáo có 91 bệnh nhân nước này đã dương tính trở lại sau khi được đánh giá đã hết virus. Jeong Eun-kyeong, giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, nói rằng virus đã tự “kích hoạt lại” chứ không phải bệnh nhân tái nhiễm.

Theo hướng dẫn của WHO, bệnh nhân có thể được xuất viện sau khi có kết quả âm tính liên tục cách nhau ít nhất 24 giờ.

Zhang Dingyu, giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán gần đây cho biết một trong những mối lo lớn nhất tại cơ sở y tế này là những bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng kết quả xét nghiệm luôn luôn dương tính

Có những người phải cách ly trong bệnh viện tới 60 ngày vẫn chưa thể ra viện. Ông Zhang nói rằng các bác sĩ không biết phải làm gì với những người này, Straitstimes đưa tin.

Cập nhật COVID-19 ngày 9/4: Tìm ra điểm yếu của virus SARS-CoV-2, hứa hẹn đẩy nhanh chế tạo vaccine
Một nghiên cứu mới cho biết virus SARS-CoV-2 chỉ có khả năng "đánh rồi chạy" và không được bảo vệ khỏi hệ thống miễn dịch như một số loại virus khác.
Theo Bình Giang ​
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19