Vì lợi nhuận, nhiều thương lái vẫn trà trộn các loại quả ngâm hóa chất để bán cho người tiêu dùng ở chợ. Nếu không tinh ý nhận ra, bạn sẽ dễ mua phải những loại quả không đảm bảo an toàn.
Hoa quả là thứ bổ dưỡng, nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tại chợ, có nhiều loại hoa quả được bày bán với nhiều mức giá và chất lượng khác nhau. Từ xa xưa, mọi người vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm "mùa nào thức nấy", mua hoa quả theo mùa vừa an toàn vừa ít có nguy cơ bị ngâm tẩm hóa chất.
Thế nhưng, vì chạy theo lợi nhuận, một số thương lái và tiểu thương trà trộn các loại quả không rõ nguồn gốc, hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo quản các loại quả được lâu hơn, giúp chúng có màu sắc bắt mắt và thu hút người tiêu dùng.
Dưới đây là một số loại quả bán đầy chợ dễ bị ngâm hóa chất, các chị em nên biết cách nhận biết để tránh mua về, tiền mất tật mang.
Chuối
Chuối là trái cây khoái khẩu của nhiều gia đình. Tuy nhiên ít ai biết được rằng chuối có nguy cơ rất cao đã trải qua quá trình phun ngâm hóa chất. Theo đó, thương lái thường thu mua cả vườn, chặt hàng loạt rồi đem nhúng vào xô nước có hóa chất hoặc dùng thuốc pha loãng phun trực tiếp lên từng buồng chuối rồi phủ bạt.
Cách này giúp chuối nhanh lên màu vàng đẹp sau một đêm trong khi cuống còn tươi, bảo quản được rất lâu thay vì để chuối tự chín sẽ mất cả tuần và sau khi chín cũng sẽ hỏng rất nhanh, khó bán hết. Các loại thuốc ngâm chuối được thương lái sử dụng thường có nguồn gốc không rõ ràng, giá thành chỉ vài nghìn đồng/lọ sử dụng cho 2 lít nước, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Đầu năm nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản, tạm giữ hơn 2 tấn chuối ngâm phun hóa chất bảo quản tại xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 2 bồn nước có màu trắng đục, mỗi bồn nước có dung tích khoảng 3.000 lít; 1 bình phun thuốc bảo vệ thực vật loại 20 lít bên trong dựng nước có màu trắng đục; 1 băng chuyền chuối; 2 bình thuốc bảo vệ thực vật màu vàng, không có tem, nhãn tiếng Việt chỉ có nhãn mác ghi chữ Trung Quốc. Ngoài tạm giữ lô hàng chuối trên, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tịch thu các tang vật liên quan để điều tra xử lý.
Cách nhận biết chuối chín cây và chín ép.
Để phân biệt chuối chín ép, người tiêu dùng có thể thông qua việc quan sát cuống, thân và màu sắc của vỏ chuối như sau:
Phần cuống: Nhìn bề ngoài, những quả chuối chín vàng đẹp mắt nhưng cuống vẫn có màu xanh, thậm chí còn dính nhựa, thì nhiều khả năng là chuối bị thúc chín.
Phần vỏ: Chuối chín tự nhiên có màu vàng sẫm và trên vỏ có những đốm màu nâu, đen, bóp nhẹ cảm nhận được độ mềm của ruột quả. Còn chuối chín do thuốc có vỏ bên ngoài màu vàng bắt mắt, vỏ chuối mịn màng, không tỳ vết nhưng nắm thấy cứng sượng.
Phần thân: Khi bóc vỏ ra ăn, thịt chuối chín ép bằng hóa chất vẫn sượng như ăn cơm sống, thậm chí hơi chát. Còn chuối chín tự nhiên ăn không bao giờ có vị chát mà có vị ngọt thơm.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn những nải chuối chín lác đác, màu sắc có thể sẽ không đẹp mắt bằng nhưng vì là chuối chín tự nhiên nên an toàn.
Mít
Mít là loại quả theo mùa, thường được thu hái nhiều nhất vào đầu hè. Loại quả này cũng được xếp vào những thứ quả dễ bị kích chín bằng hóa chất. Thực tế, cơ quan chức năng cũng đã đột nhập và bắt quả tang nhiều cơ sở sử dụng những loại hóa chất không rõ nguồn gốc kể kích thích mít chín nhanh.
Hóa chất thúc chín mít có thể là ethrel, được dùng thể kích thích mủ cây cao su tiết ra nhiều và rất có hại cho sức khỏe. Loại chất này vốn bị cấm dùng trong thực phẩm, tuy nhiên một số thương lái vẫn sử dụng để pha loãng và phun vào trái mít xanh, hoặc dùng ống tiêm bơm thuốc trực tiếp vào phần cuống của quả mít.
Mít là loại quả dễ bị kích chín bằng hóa chất
Ngửi mùi: Mít chín có mùi thơm nức mũi, có thể ngửi được từ xa mà không cần phải bổ quả mít ra. Mít ngâm hóa chất không có mùi thơm hoặc mùi thơm không nhiều ngay cả khi quả mít đã được bổ ra.
Phần múi mít: Múi mít chín cây có màu vàng óng hoặc vàng đậm, thịt dày, xơ mít không nhiều, có màu trắng ngà ngà hoặc vàng nhạt. Mít chín ép thì xơ vàng như múi mít. Mít chín cây khi bổ ra thường có ít mủ hoặc không có mủ chảy ra, mủ mít có màu ngà ngà, không phải là màu trắng. Mít ngâm hóa chất chảy mủ dày đặc, mủ có màu trắng.
Phần vỏ mít: Mít chín cây có gai thưa, không nhọn, vỏ mềm, có màu xanh chuyển vàng hoặc có đốm đen. Mít chín ép thường được hái lúc còn xanh nên mắt không nở to, gai nhọn và dày, vỏ cứng, có màu xanh do còn non.
Cách để mua được mít chín và ngon rất đơn giản, ngoài việc quan sát vỏ và gai mít, nên để ý hình dáng quả mít. Quả mít thuôn dài, không lồi lõm, vỗ vào phát ra âm thanh bịch bịch là mít ngon. Ngoài ra nên chú ý vào phần cuống của quả mít: Chẳng hạn như với mít tố nữ thì phải chọn quả có cuống dài 0,5 cm. Nếu là mít tây thì là những quả có cuống dài 1-1,5 cm.
Quả nhãn
Nhãn là một trong số những loại quả rất nhanh héo sau khi thu hoạch, đặc điểm nổi bật nhất của quả nhãn héo là phần vỏ quả bị khô không còn căng bóng, do đó người tiêu dùng rất dễ kén chọn loại quả này. Để khắc phục điều đó, người bán hàng thường phun lưu huỳnh vào nhãn giúp loại quả này giữ được sự bóng đẹp, tươi ngon, không còn cảm giác bị khô héo. Việc sử dụng công nghệ này cũng giúp quả vải tươi nguyên trong 5 tuần.
Chia sẻ trên báo Sức khỏe đời sống, ông Chu Doãn Thành, trưởng bộ môn Bảo quản và Chế biến, Viện Rau quả T.Ư, cho biết người trồng vẫn hay dùng một loại chất hóa học là lưu huỳnh để đốt, xông hơi diệt các loại côn trùng, vi khuẩn biến mất. Khi đốt lưu huỳnh, nhãn không còn mùi thơm tự nhiên, cuống có những hạt màu trắng li ti bám vào. Đây là công nghệ Ấn Độ chuyển giao sang Việt Nam, đã cho phép sử dụng, tuy nhiên, trong quá trình xông, khí SO2 gặp hơi ẩm trong phổi sẽ thành H2SO2 (axit xunfurơ) - một chất oxy hóa nên rất độc.
Nhãn ngâm thuốc có thời gian bảo quản lâu, vỏ nhãn màu đẹp rất bắt mắt.
Nhãn ngâm hóa chất có vẻ ngoài khá giống với nhãn bình thường nên phân biệt bằng mắt thường rất khó. Thế nhưng, chúng cũng có một vài biểu hiện bất thường mà nếu tinh ý bạn vẫn có thể nhận ra.
Màu sắc: Nhãn có ngâm qua lưu huỳnh sẽ có vỏ ngoài vàng sáng đẹp mắt, khác hẳn với loại nhãn có vỏ ngoài thâm xỉn thường thấy. Tuy nhiên nhãn có xuất xứ Trung Quốc thường có vỏ mỏng, rất nhanh thâm, thối.
Mùi: Nhãn ngâm qua hóa chất sẽ có mùi hắc khó chịu, chú ý phần đầu cuống nhãn, khu vực này dễ bám mùi lạ và mất mùi trái cây tự nhiên nếu đã được ngâm qua hóa chất nên cũng không quá khó để nhận ra chúng.
Mùi vị: Cùi nhãn dày hơn nhưng hạt cũng to hơn các loại nhãn Việt Nam, lưu huỳnh đi vào phần thịt nhãn sẽ làm cho phần thịt nhãn giòn hơn, vị ngọt hơn nhưng không có mùi thơm đặc trưng.
Nhà vườn nhãn lồng Hưng Yên chia sẻ cách phân biệt loại nhãn này với những dòng nhãn trôi nổi, có xuất xứ Trung Quốc trên thị trường: Nên mua nhãn được cắt cả cành, lá tươi, cuống xanh, cứng cáp, tỏa hương dễ chịu. Không nên mua nhãn vỏ sáng sạch, hoặc đã rụng cành, nhớ nếm thử để tránh bị nhầm lẫn. Đặc biệt, đặc sản nhãn lồng Hưng Yên có quả to, vỏ gai, trông dầy. Cùi nhãn dày và khô, hạt nhỏ nhưng mọng nướcm, vị thơm ngọt như đường phèn.
Đu đủ
Đủ đủ cũng là loại trái cây được yêu thích và rất tốt cho sức khẻo. Tuy nhiên, đu đủ chín rất khó bảo quản và dễ bị giập, hỏng, vì thế nhà vườn thường cắt đu đủ để bán khi quả còn xanh.
Theo một bài đăng trên báo Dân Trí, bí kíp mà một số người dân tại vựa đu đủ ở Hưng Yên thường xuyên sử dụng để kích thích đu đủ chín nhanh là cho vài giọt dung dịch từ lọ thuốc bé bằng ngón tay út vào cuống, đu đủ xanh vừa ngắt trên cây sẽ chín vàng ruộm, đẹp mã sau ít giờ đồng hồ. Loại thuốc kích thích đu đủ chín nhanh tại đa phần những cửa hàng bán thuốc trừ sâu trong khu vực với giá chỉ 2000 đồng/lọ.
Theo chủ cửa hàng hoa quả sạch nằm lâu năm chia sẻ: “Mùa vụ chính của đu đủ rơi vào tháng 7-8, tuy nhiên hiện nay do kĩ thuật canh tác và được nhập nhiều giống mới nên đu đủ có quanh năm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy nhiều người trồng muốn tăng thu nhập đã bơm và tẩm các hóa chất nhằm kích đu đủ chín nhanh".
Để phân biệt được đu đủ có ngâm thuốc hay không, có thể dựa vào phần vỏ ngoài: Đu đủ bị tiêm thuốc kích chín sẽ có vỏ sáng bóng, khi sờ trên bề mặt quả đu đủ thấy cứng, không được mềm như đu đủ chín tự nhiên mặc dù lớp vỏ bên ngoài đã chuyển sang màu vàng. Với những quả đu đủ không có hóa chất hay chín tự nhiên thì màu sẽ không được bắt mắt, sẽ có một lớp phấn trắng bên trên, nếu để ý kĩ sẽ xuất hiện vài nốt chấm đen sau đó bị lõm xuống.
Mùi vị của đu đủ: Những quả đu đủ chín tự nhiên vừa ngọt lại vừa thơm, ít hạt, thịt dày, còn đu đủ chín ép không có mùi thơm mà thường nhạt. Khi gọt đu đủ tiêm hóa chất vỏ vẫn còn nhiều nhựa, ruột không mềm mà có thể cứng, sượng, có màu vàng nhạt. Ngược lại, đu đủ chín tự nhiên khi gọt không còn nhựa, miếng đu đủ rất mềm và có màu nghệ đậm, có vị thơm đặc trưng.
Để chọn được đu đủ ngon, các bà nội trợ cần lưu ý nên hạn chế mua đu đủ vào mùa mưa, vì trong những ngày này đu đủ thường sẽ chín rất lâu vì không có ánh nắng mặt trời, do đó người trồng sẽ tiêm hóa chất thúc chín để có hàng bán, mặt khác ăn đu đủ vào những ngày này thường sẽ rất nhạt. Đặc biệt, quả đu đủ chín tự nhiên bao giờ cũng có một mặt chín hơn mặt còn lại do được ánh mặt trời trực tiếp chiếu vào, còn mặt kia bị áp vào thân cây.
Sầu riêng
Cách đây không lâu, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kon Tum, bắt quả tang bà Trần Thị Tuyết (38 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, TP Kon Tum, Kon Tum) có hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, để nhúng chín sầu riêng. Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng gần 2 tấn sầu riêng, trong đó có hơn 1,2 tấn đã được nhúng hóa chất. Sầu riêng cũng là loại trái rất dễ bị tẩm hóa chất ép chín, sau khi được nhúng thuốc sau 2 ngày sẽ chín. Theo lời của chủ vườn, sầu riêng bị nhúng thuốc ăn vẫn ngọt như vị tự nhiên. Thuốc nhúng này chỉ làm chín vỏ ở ngoài, không ảnh hưởng đến cơm sầu.
Sầu riêng sạch và sầu riêng ngâm thuốc sẽ có những dấu hiệu bên ngoài khác nhau. Bằng mắt thường vẫn có thể phân biệt được rất đơn giản.
Phần cuống: Sầu riêng bị ép chín bằng cách nhúng thuốc, do hái lúc trái còn xanh, chưa chín tới và để chồng lên nhau thời gian khá lâu nên các gai bị sậm màu, thâm và cũ. Có thể còn bị thối, rụng, bầm dập ở nhiều chỗ. Phần cuống thì cũ, ấn vào cảm giác khô, không có nhựa chảy ra.
Bề mặt vỏ sầu riêng: Nếu múi thịt cứng, có màu vàng nhợt nhạt hoặc trắng, tay bị dính màu vàng như vừa sờ vào thuốc nhuộm thì đó là sầu riêng đã nhúng qua thuốc. Còn nhấn vào cảm giác được độ mềm dẻo cùng màu vàng tươi óng ánh của múi thịt thì đó là sầu riêng chín cây và không qua hóa chất.
Mùi sầu riêng: Sầu riêng có mùi thơm rất đặc trưng, từ xa đã có thể ngửi được mùi thơm nồng nàn của loại trái cây này, tuy nhiên sầu riêng đã được ngâm qua hóa chất thường không còn giữ được mùi nồng nàn hoặc không có mùi do hóa chất đã làm mất đi hương thơm vốn có của nó.