9X kệ lời khen chê "lo chuyện bao đồng", mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ

An Phú - Ngày 15/04/2021 09:40 AM (GMT+7)

 “Chào quý khách, ở đây có những sản phẩm xanh thuần thiên nhiên, quý khách muốn mua gì ạ?”, vừa bước vào cửa hàng, chúng tôi đã nhận được lời mời chào từ các nhân viên đặc biệt, họ là những người khiếm thị.

Giữa ngày nắng của Sài Gòn, giọng nói vui tươi của họ xoa dịu cái oi bức ngoài kia, đó là một tạp hóa xanh nằm ở quận Tân Phú, TP.HCM. Đây cũng là một quán trong dự án mở chuỗi cửa hàng bảo vệ môi trường do người khiếm thị vận hành của Phạm Thị Kim Hằng (ở quậnTân Phú) sáng lập.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 1

Sau một tai nạn về sức khỏe khi vừa lập gia đình, bố của Hằng đã mãi mãi mất đi ánh sáng và chưa một lần nhìn thấy gương mặt con gái mình. Trải qua tuổi thơ hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa, nhưng có những chuyện nhìn lại Hằng thấy “giận mình vô cùng”. “Vẫn không tin được tại sao lúc đấy mình lại làm thế, có một lần đang chơi cùng mấy đứa bạn trong xóm, thấy bố của mình đi trước mặt, nhưng vì sợ bạn bè trêu chọc, tôi xấu hổ không dám chạy lại nhận bố. Nhiều lần mặc cảm của con trẻ khiến tôi cảm thấy ân hận và có lỗi vô cùng”, Hằng tâm sự.

Dù bố không thể nhìn thấy, nhưng mọi việc trong nhà bố đều rất giỏi, bố có thể sửa xe, sửa đồ điện trong nhà, mỗi lần đi học về, chỉ cần hỏi bố mấy giờ bố đều trả lời ngay. “Tôi nhận ra có một thế giới đặc biệt bên trong bố. Khi không thể thấy, bố dùng những giác quan hoặc khả năng khác của mình để nhận biết và sinh hoạt như người sáng mắt. Những tình cảm bố dành cho tôi và những người xung quanh làm tôi nhận ra bố hay bất kì người khiếm thị nào cũng tài giỏi và xứng đáng được tôn trọng”, Hằng tự hào nói.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 2

Phạm Thị Kim Hằng (bên phải) - người sáng lập chuỗi cửa hàng bảo vệ môi trường

Từ hình ảnh người bố của mình, Kim Hằng ấp ủ một dự án mở những cửa hàng bán sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường do chính người khiếm thị quản lý, điều hành. Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, Hằng nói: “Tôi mong ý tưởng của mình dù ít nhiều có thể thay đổi phần nào đó suy nghĩ của cộng đồng về công việc cũng như khả năng của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung”.

Mê làm từ thiện từ nhỏ, Hằng bật mí một phần tính nết lạ lùng này “do môi trường xung quanh một phần, còn lại tôi nghĩ do trời sinh tính tự nhiên thích chuyện bao đồng”. Đó là sở thích không lí do, như có người thích đọc sách, người thích chạy bộ. Hằng chia sẻ khi mình được cho đi, được giúp một ai đó thì cảm thấy “khoái” vô cùng.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 3

Thời sinh viên, Hằng chọn Học viện Hàng không Việt Nam để thực hiện giấc mơ “bay đi nhiều nơi để làm từ thiện được nhiều chỗ khỏi tốn tiền vé máy bay, nghĩ cũng thấy mình trẻ con lắm nhưng thật lòng tôi rất mê làm chuyện cộng đồng, nhiều người bảo tôi bao đồng, gia đình cũng nhiều lần lời ra tiếng vào, nhưng kệ, mê rồi thì biết sao giờ (cười)” – Hằng thổ lộ.

Kỳ vọng của gia đình đặt lên một người trẻ như Kim Hằng, đã có lúc khiến cô cảm thấy vô cùng áp lực. Hằng nói: “Đôi khi những nỗi lo đến từ công việc không bằng một góc từ họ hàng và gia đình. Nhiều lúc mấy cô chú gọi về hỏi thăm tình hình tôi, vì không hiểu sao tôi lại chọn làm chuyện xã hội, làm những việc không mấy liên quan đến ngành học, mẹ còn không dám bắt máy. Lúc đó tôi rất buồn, đáng lẽ mình phải là niềm tự hào của mẹ, nhưng lại làm mẹ xấu hổ khi nhắc đến”.

“Qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai”, Hằng tâm niệm như vậy cho đến ngày ra mắt chuỗi dự án tạp hóa xanh của mình qua hợp tác với người khuyết tật, Hằng trực tiếp sáng tạo, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm có nguyên liệu tái chế, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong thời gian nghỉ dịch COVID-19 vào tháng 4/2020, nhận thấy lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng khi người dân phải cách ly xã hội tại nhà, Hằng đã tổ chức hoạt động thu gom bao bì ni lông nhựa đổi quà, sau đó cắt thành sợi nhỏ rồi làm “vải” dệt thành những chiếc túi ni lông thời trang, thân thiện với môi trường. “Sản phẩm đó vừa là một giải pháp bền vững kéo dài vòng đời của nhựa dùng một lần, vừa cho những người trong cộng đồng sống xanh có thêm lựa chọn mới”, Hằng cho biết thêm.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 4

Cửa hàng chuyên bán những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường nằm ở  quận Tân Phú. Đây là cửa hàng xanh thứ tư trên địa bàn TP.HCM của chị Kim Hằng

Về dự án hiện tại, Hằng khẳng định rằng người khiếm thị có thể làm nhiều công việc khác nhau như người bình thường và thậm chí làm tốt hơn. Ở đây, họ sẽ sử dụng công nghệ bình thường như nhắn tin tư vấn cho khách hàng, chốt đơn sản phẩm, chụp ảnh đăng bài, quản lý tồn kho doanh thu, hướng dẫn, đào tạo nhân viên cũng là người khiếm thị… bằng phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói. “Trước đây, mọi người hay có một cách nhìn hơi thấp về công việc của những người khiếm thị, rằng họ chỉ làm được những việc như bán vé số, bán kẹo kéo, hát dạo, vì thế những việc làm này chứng minh rằng người khiếm thị có thể làm việc như những người bình thường nếu họ có cơ hội”, Hằng nhấn mạnh.

Khởi nghiệp với chuỗi cửa hàng organic từ những ngày đầu, Kim Hằng gặp không ít thử thách từ huy động vốn đến lượng người tiêu thụ. Theo Hằng, những cửa hàng nhỏ lẻ đầu tiên không hoạt động độc lập được vì gặp nhiều khó khăn trong thời buổi dịch bệnh. Chính vì thế, Hằng bắt đầu tìm đến những hộ kinh doanh nhỏ như quán cà phê, tiệm spa,… cùng ý tưởng hướng đến môi trường.

Chị kể: “Gặp những người cùng hội cùng thuyền làm mọi thứ suôn sẻ hơn, vừa giúp cửa hàng tiết kiệm chi phí mặt bằng, vừa có thêm người đồng hành phát triển dự án hướng về người khiếm thị”.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 5

Hiện tại, địa điểm ở quậnTân Phú là sự kết hợp giữa tạp hóa xanh và spa do người khiếm thị quản lý. Chị Bùi Thị Dung (cũng là người khiếm thị, làm chủ tiệm spa) cho biết ngoài công việc chính của nhân viên tại spa, thời gian rảnh các bạn có thể xuống trông quán để bán hàng, có thêm thu nhập và mở rộng mối quan hệ, khả năng giao tiếp của mình. “Sự kết hợp với Hằng là một cơ duyên đặc biệt, vừa giúp đỡ thêm các bạn trong cộng đồng người khiếm thị vừa nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho mỗi người”, chị Dung vui vẻ nói.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 6

Chị Bùi Thị Dung (quản lý chuỗi tạp hóa xanh) đang sắp xếp lại kệ hàng hóa

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 7

Xà bông nghệ thuật làm từ dầu dừa, dầu oliu, các chất hữu cơ có trong tự nhiên

Cũng là nhân viên tại tiệm tạp hóa, anh Nguyễn Minh Hải tỏ ra hào hứng khi có thêm cơ hội trải nghiệm công việc mới: “Mình tự tin có thể làm những việc như người sáng mắt, nên khi gặp Kim Hằng và biết được dự án của cô, mình rất vui vì ít ra đã có ai đó cho mình cơ hội thử sức, làm những công việc khác với cách nghĩ của xã hội”.

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 8

9X kệ lời khen chê amp;#34;lo chuyện bao đồngamp;#34;, mở chuỗi cửa hàng để nhân viên đặc biệt làm chủ - 9

Anh Nguyễn Minh Hải (trái, nhân viên bán hàng) đang tư vấn sản phẩm cho khách

Ngoài ra, những sản phẩm bày bán ở các cửa hàng được Kim Hằng lấy về ở các trung tâm người khuyết tật. Hằng chia sẻ: “Ngay từ đầu, mình đã xác định sẽ làm việc dựa trên những nguyên tắc và giá trị cộng đồng, từ các sản phẩm cũng sẽ dùng nhân lực từ cộng đồng, mọi nguồn thu về lợi nhuận cũng sẽ được trao đi”.

Cụ thể, từ những nghiên cứu cùng dược sĩ trong phòng thí nghiệm, Hằng sẽ đưa công thức rồi trực tiếp đến hướng dẫn các cô chú ở trung tâm khuyết tật làm, giúp mọi người có thêm công ăn việc làm lúc rảnh rỗi cũng như hiểu thêm về lối sống xanh, cách bảo vệ môi trường ngay cạnh mình.

“Trước mắt, tôi mong muốn sẽ giúp được những người khiếm thị, khuyết tật đã đồng hành cùng mình trong thời gian đầu. Từ một người, sau đấy sẽ là mười người, một trăm người khi có nhiều cửa hàng tạo thành chuỗi tạp hóa ở mỗi quận trong thành phố. Chúng tôi sẽ đi cùng nhau, không nhanh nhưng chắc chắn sẽ xa…”, Hằng chia sẻ.

Làm thiện nguyện từ những năm tháng sinh viên, Kim Hằng hiểu đã đến lúc phải tạo ra những dự án vì cộng đồng có tính bền vững và giải quyết được nhiều vấn đề cho những người có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi biết mình cần phải làm gì với họ, sẽ không trao con cá, mà chỉ trao cần câu, chỉ có làm vậy họ mới biết trân trọng sức lao động và có thể sống một cách chân chính, tự hào”, Kim Hằng khẳng định.

Người phụ nữ biến đồ jean cũ thành hàng thời trang chất, khách hàng bất ngờ với thành phẩm
"Khi khách hàng đến nhận túi, rất nhiều người ngạc nhiên và không tin đó là túi làm từ vải quần jean cũ họ đem đến đổi. Ai cũng cảm thấy thích thú với...
An Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động