Nuôi cháu không được bao lâu, người bà bất hạnh tiếp tục nhận tin dữ khi một trong hai đứa cháu ngoại lên cơn sốt, tiêu chảy rồi… bại não. Bà dốc sạch tiền tiết kiệm, thậm chí chạy vạy khắp nơi mượn tiền chữa trị nhưng đã quá muộn.
Tới khu chợ cóc tại phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những lời “bàn ra tán vào” của các tiểu thương về hoàn cảnh của bà Hòa (70 tuổi, quê Tiền Giang). Chị Xuân – một người bán hoa quả nhanh nhảu nói: “Bà Ba (tên thường gọi của bà Hòa) khổ lắm. Bà bị ung thư vú cắt một bên, chỉ còn một bên. Bà làm đủ nghề để nuôi đứa cháu bị bại não. Ai biết cũng thương, thi thoảng cho gạo, nước tương hoặc chăn màn”.
Chị Xuân vừa dứt lời đã vội vàng đề nghị chở chúng tôi đến căn phòng trọ của bà Hòa. Song thực chất đây chỉ là nơi trú nắng tránh mưa của bà cùng 2 đứa cháu ngoại. Bởi nó tuềnh toàng, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường được ghép từ những mảnh ván bà nhặt về từ bãi rác.
Thân già nuôi nấng đứa cháu ngoại bại não
Thấy chúng tôi ghé thăm, một bé gái chừng 6 tuổi cất tiếng chào rồi vui vẻ khoe: “Con với chị ở cùng ngoại. Chị con không biết ngồi, chỉ nằm được thôi. Con đi bán kẹo cao su cùng ngoại. Con rất thích đi bán, được các cô chú cho tiền về nuôi chị”.
Sau đó bà Hòa bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống đằng đẵng gần 20 năm nơi xứ người và chục năm nuôi 2 đứa cháu ngoại bệnh tật. Bà cho biết, cách đây 19 năm – khi chồng bà có vợ nhỏ, bà đã quyết định dắt díu đàn con thơ rời Gò Công lên Sài Gòn mưu sinh. Bà làm thuê làm mướn đủ nghề với hi vọng có cái ăn cái mặc cho các con.
Lối vào căn phòng trọ của bà Hòa.
“Hồi đó, tôi hơn 50 tuổi nhưng vẫn quyết dứt áo, không đem theo bất cứ tài sản nào cả. Ông ấy sai khi có bồ nhí ở ngoài, vậy mà còn về đánh đập mẹ con tôi nữa. Tôi không chịu đựng được nên chấp nhận ra đi. Người ta bảo tôi già rồi, cứ ở đó để lũ trẻ có cha có mẹ đầy đủ, sau này lấy vợ lấy chồng cũng dễ. Song tôi làm vậy sao được, chịu đựng tổn thương thể xác lẫn tinh thần mãi ư? Chúng nó cũng ủng hộ tôi ly hôn rồi cùng mẹ lên thành phố mưu sinh”, bà Hòa nhớ lại quá khứ.
Dắt díu nhau lên Sài Gòn, người phụ nữ miền Tây làm đủ nghề kiếm sống với hi vọng các con có chỗ ăn chốn ở đàng hoàng như con người ta. Sau đó bà lần lượt dựng vợ gả chồng cho tất cả để khi về già sống đơn chiếc.
“Chúng nó đều tản lạc hết cả rồi. Đứa nào cũng nghèo khó nên tôi không trông cậy được, chỉ mong chúng nó sống đủ là may mắn lắm rồi. 8 năm trước, rể thứ của tôi bỗng dưng sốt cao rồi bị não phải phẫu thuật khẩn cấp. Sau đó nó trở nên điên dại, liên tục đánh đập lũ trẻ con. Tôi xót cháu ngoại nên đón 2 đứa con của nó về nuôi dưỡng đến tận giờ”, bà Hòa nghẹn ngào.
Bà Hòa gần 10 năm nuôi nấng cháu ngoại bại não.
Cuộc sống mưu sinh chật vật nơi phố thị
Nuôi cháu không được bao lâu, người bà bất hạnh tiếp tục nhận tin dữ khi một trong hai đứa cháu ngoại lên cơn sốt, tiêu chảy rồi… bại não. Bà dốc sạch tiền tiết kiệm, thậm chí chạy vạy khắp nơi mượn tiền chữa trị nhưng đã quá muộn.
Số phận nghiệt ngã đã đẩy người phụ nữ xuống vực thêm lần nữa. Song bà không vì thế mà chịu khuất phục, quyết tâm gắng gượng làm lụng nuôi các cháu lớn khôn. “Con bé lớn bị bãi não chẳng ngồi dậy nổi, suốt ngày nằm và í ới dăm ba câu. Tuy nhiên nó cảm nhận được hết những nhọc nhằn của tôi nên ngoan lắm, không quấy khóc gì đâu, kể cả có đau đớn.
Trước tôi tính về quê đi làm mướn cho người ta để đồng lương ổn định. Đùng cái tôi mắc ung thư vú, phải vay tiền của hội chữ thập đỏ phường đi cắt bỏ một bên. Thế là dự định hồi hương không còn, đành ở lại nơi này kiếm đồng ra đồng vào nuôi 2 đứa nhỏ”, bà Hòa kể lại.
Nét mặt khắc khổ của người bà 70 tuổi.
Giờ đây, bà Hòa đã ở tuổi gần đất xa trời song ngày nào cũng bươn trải lo từng bữa ăn cho 2 đứa cháu ngoại. Hằng ngày tranh thủ các cháu ngủ, bà liền đi lượm ve chai kiếm lạng thịt hay con cá. Còn tối đến, bà cùng đứa cháu còn lại đi bán vé số, kẹo cao su ở các quán nhậu… 22h tối, bà sẽ đưa cháu về nhà ngủ, đợi đến 0h lại tiếp tục công việc nhặt nhạnh chai lọ về bán.
“Mấy nay Sài Gòn mưa nhiều quá thành ra tôi chẳng làm ăn được gì cả. Vì thế hai đứa toàn ăn cháo trắng thôi, bữa nào kiếm được mới có thịt mà ăn. Tôi thương lắm nhưng chẳng biết phải làm sao,? Có lẽ tôi cũng sắp chết rồi, sống được với chị em chúng nó ngày nào hay ngày đó thôi”, bà Hòa bật khóc.
Nhắc đến nỗi lo cho tương lai, bà Hòa chỉ mong sau này khi nằm xuống, có ai đó cưu mang lấy hai đứa cháu ngoại để chúng không khổ cực. Như vậy bà mới có thể nhắm mắt xuôi tay.