Khi được thả mình với thiên nhiên, được chơi “trốn tìm” các cụ già dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” lại hồi nhớ về những ký ức tuổi thanh xuân đã qua.
Một ngày cuối tháng 5, dù đang giữa mùa hạ nhưng thời tiết Hà Nội vô cùng dễ chịu vì đêm hôm trước một cơn mưa lớn đã xua đi cảm giác oi nóng, ngột ngạt. Trong căn phòng nhỏ ở viện dưỡng lão, nghe tiếng gọi của nhân viên, ông Thịnh nở nụ cười hiền hậu và nói: "Đi rồi à! Được đóng Đen Vâu rồi à”. Chẳng cần chuẩn bị gì nhiều, ông quay vào phòng lấy chiếc áo vest đã cũ mèm, chân vẫn đeo dép lê và mặc bộ đồ ngủ rồi “lên đường”. “Thế cho nó chân thật, chứ quần là áo lượt làm gì”, ông vừa đi vừa nói.
Nghe tiếng bước chân chầm chậm ngoài hành lang, bà Thanh ở trong phòng ngoái đầu ra rồi hồ hởi dặn mọi người đợi mình vài phút để còn thử váy. “Mấy khi được lên hình, phải đẹp chứ”, cụ bà tủm tỉm cười. Điểm đến của các cụ ông, cụ bà là một cánh đồng bỏ hoang nhưng cũng vô cùng lãng mạn, cách viện dưỡng lão chỉ vài bước chân.
Hình ảnh các cụ đưa nhau ra bãi đất trống để chơi trốn tìm.
Chị Hoàng Ngân - Phó giám đốc Trung tâm dưỡng Diễn Hồng (Hà Nội) chia sẻ, tại viện dưỡng lão các cụ rất thích nghe nhạc Đen Vâu, đặc biệt là MV mới ra có tên “Trốn tìm” được các cụ chăm chú xem và nghe từng giai điệu. Trên mạng xã hội thấy nhiều người chụp bộ ảnh “bắt chước” giống trong MV, khi cho các cụ xem ảnh rồi rủ các cụ chụp, các cụ đồng ý ngay lập tức.
“Thấy các cụ vui vẻ hưởng ứng chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện làm sao cho được bộ ảnh ưng ý nhất. Điều khó khăn là các cụ cao tuổi, xương khớp yếu nên không thể làm theo đúng như MV, ví dụ như đoạn nằm võng…”, chị Ngân chia sẻ.
Những hình ảnh vô cùng nhí nhảnh của các cụ già.
Sau khoảng thời gian vừa tản bộ vừa nói chuyện, các cụ cũng đã tới được địa điểm được lựa chọn để chụp ảnh. Cụ Thịnh có nhiệm vụ cầm hoa sen đứng lên gốc cây khô, còn cụ Thanh và một vài cụ khác đóng vai các cô gái diễn cảnh xung quanh.
Không khí vui vẻ với những tiếng cười giòn tan của các cụ khiến tất cả những ai có mặt đều cảm thấy lạc quan và yêu đời hơn rất nhiều. Đặc biệt, cụ Thịnh liên tục pha trò khiến mọi người cười phá lên, còn các cụ bà khác dù lần đầu làm “diễn viên” nhưng kết hợp với nhau cũng vô cùng ăn ý.
Khi những bức ảnh đã được chụp xong, nếu như các bạn trẻ sẽ lập tức muốn xem các bức anh đẹp hay không thì các cụ lại khác. Dừng như chẳng ai quan tâm đến chuyện đó, các cụ đứng một góc cười nói râm ran với nhau, ai cũng vui vì có một buổi “dã ngoại” vô cùng lý thú, đưa các cụ trở về thanh xuân như cái thủa mới yêu.
Đã từ lâu rồi các cụ mới có dịp trở về thanh xuân.
Cụ Thịnh chia sẻ từ bé ông chưa bao giờ được chụp bộ ảnh như thế này, mà ngày xưa tuổi trẻ làm gì có máy ảnh để chụp, vì thế mọi kỷ niệm tuổi thanh xuân chỉ còn là ký ức và giờ mới được khơi gợi lại. “Tôi muốn được nhiều lần như thế này nữa, mấy khi được trẻ lại đâu. Tôi tin rằng các con cháu tôi khi thấy những bức ảnh này sẽ phải trầm trồ vì sự phong độ của tôi”, ông Thịnh tâm sự.
Đứng bên cạnh, bà Thanh vẫn mặc trên người bộ đầm sành điệu, bản thân bà không nghĩ rằng đến tuổi này mà còn được mặc váy, diện đầm.
"Mãi bên nhau bạn nhé" là thông điệp được các cụ đưa ra trong buổi hoạt động ngoài trời đầy thú vị.
“Khi mặc váy áo đẹp rồi cùng các bạn già chụp ảnh, tôi nhớ lại hồi trẻ cũng có những khoảng thời gian như thế, đó là những buổi cả lũ học trò nhỏ cùng nhau tắm mưa, chơi trốn tìm”, bà Thanh chia sẻ.
Các cụ ông cụ bà vào viện dưỡng lão mỗi người có một lý do khác nhau, có người vì neo đơn, nhưng cũng có người muốn vào đây để tìm bạn tâm giao tri kỷ. Thế nhưng, điều quan trọng nhất đó là tâm hồn các cụ sẽ được trẻ lại khi có những người bạn già ở bên, cùng nhau chia sẻ những chuyện vui buồn.