Theo các chuyên gia, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện nay vắc xin viêm não mô cầu chủng A,C đang hết. Vậy, người dân cần phải làm gì để phòng bệnh?
Theo đó, khoảng 2 tuần gần đây liên tiếp phát hiện các ca mắc viêm não mô cầu ở Hải Dương và Hà Nội khiến người dân hoang mang lo lắng. Để chủ động phòng bệnh, nhiều người dân đã tìm đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên vắc xin chủng A,C của Pháp dùng để tiêm phòng bệnh cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi và người lớn đều đã hết.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dự kiến trong tháng 4 tới đây mới có vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân. Vậy, trong thời điểm hiện tại, người dân cần phải làm gì để phòng bệnh khi không có vắc xin?
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người có nguy cơ cao bị lây bệnh như: người tiếp xúc gần với bệnh nhân khi ho văng vi khuẩn vào mặt, những người cùng gia đình sinh hoạt với người mắc bệnh…thì cần phải uống kháng sinh dự phòng (theo chỉ định của bác sĩ).
Thông báo hết vắc xin viêm não mô cầu tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
Còn đối với những người tiếp xúc khác như ở cộng đồng thì cần phải theo dõi sức khỏe, khi bị sốt cần phải điều trị và làm các chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Tiến sĩ Kính cho biết thêm, do đây là bệnh do vi khuẩn gây nên, bởi vậy đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và nguồn lây nhiễm có vai trò rất quan trọng và đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm – giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, đối với những người khi bị viêm màng não, viêm não do não mô cầu, cần phải được nhập viện điều trị càng sớm càng tốt và phải được cách ly để không lây bệnh cho những người xung quanh. Chế độ ăn uống, sinh hoạt phải theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị.
Để phòng bệnh viêm não mô cầu, người lành (không mang bệnh) cần tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh này, nếu đã tiếp xúc thì phải dùng thuốc dự phòng. Súc họng hằng ngày bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng mũi họng. Giữ vệ sinh thân thể, thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc. Tránh làm việc quá sức và có thể đi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trong tháng 4 tới sẽ có vắc xin viêm não mô cầu, giá loại vắc xin này là 185.000 đồng.
Riêng đối với vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu, tiến sĩ Cảm cho biết, để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất thì cần phải tiêm 2 mũi vắc xin. Tuy nhiên, do vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên người có nhu cầu tiêm cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch.
Đồng thời ông Cảm cho biết, hiện nay ở Việt Nam Bộ Y tế cấp phép cho 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, một là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn A và C có tên thương mại là Meningo AC do Pháp sản xuất, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 2 mũi cách nhau 3 năm.
Hai là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn B và C có tên thương mại là VA-MENGOC-BC do Cu Ba sản xuất, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin này tiêm 2 mũi mỗi mũi cách nhau 6 đến 8 tuần cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Cục quản lý dược Bộ Y tế hiện nay chỉ tiêm cho trẻ 6 đến 10 tuổi, có thể thời gian tới vắc xin này sẽ được cấp phép tiêm từ 3 tháng tuổi trở lên. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có vắc xin do Cu Ba sản xuất tiêm cho đối tượng trẻ từ đủ 6 đến 10 tuổi. Vắc xin do Pháp sản xuất có thể có trong tháng 4/2016.