Bé gái sốt cao rồi nổi hình sao dưới da, đi khám phát hiện mắc căn bệnh nguy hiểm, dễ tử vong

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/02/2023 09:09 AM (GMT+7)

Sau khi sốt cao và có những ban xuất huyết hình sao dưới da, cháu bé được đưa tới viện thăm khám và được chẩn đoán mắc căn bệnh nguy hiểm, dễ xảy ra biến chứng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhi mắc các triệu chứng trên là một bé gái 6 tháng tuổi ở Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) mới được các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai vừa cấp cứu, điều trị thành công. Bác sĩ Vũ Thị Hải Yến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai) cho biết, bệnh nhi vào viện trong tình trạng nặng, với nhiều biến chứng của bệnh viêm não mô cầu.

Khi vào viện, bé đã sốt cao nhiều ngày, xuất hiện ban xuất huyết hình sao ở trên người, trong đó tập trung thành từng mảng ở đùi. Các ban xuất huyết có màu đen, biểu hiện của hoại tử, nhiễm khuẩn huyết do nhiễm não mô cầu. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tích cực điều trị đến ngày thứ 5 thì bệnh nhân hết sốt, các chỉ số sức khỏe ổn định, ăn uống tốt và không còn dấu hiệu viêm màng não.

Bệnh nhi bị viêm não mô cầu được điều trị ổn định.

Bệnh nhi bị viêm não mô cầu được điều trị ổn định. 

Bác sĩ Yến cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca viêm não mô cầu. Theo bác sĩ Yến, dù bệnh này không hiếm gặp nhưng để điều trị bệnh nhân được ổn định thì rất hiếm. Nhiễm trùng huyết do não mô cầu đối với nhi khoa là rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Từ khi phát sốt, bệnh nhân sốc nặng và nhiễm trùng cho đến khi tử vong rất nhanh, chỉ từ 2 đến 3 ngày.

“Đối với bé gái trên khi vào viện cũng trong tình trạng nặng, khi có chẩn đoán chúng tôi đã điều trị ngay theo hướng não mô cầu. Đến hôm nay điều trị đến ngày thứ 10, bệnh nhân đã hết sốt được 5 ngày, toàn trạng ổn, ăn uống tốt và không còn dấu hiệu màng não”, bác sĩ Yến chia sẻ.

Viêm não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, bệnh lây truyền theo đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm bệnh, thường gặp ở trẻ và có khả năng gây thành dịch. Tại Việt Nam, bệnh hay gặp vào mùa đông - xuân, đây là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu phát triển.

Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo các gia đình có con nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng viêm não mô cầu để chủ động bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như: rửa tay bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng, đeo khẩu trang…

Khi các gia đình khi phát hiện trẻ sốt cao, trên người có nổi ban xuất huyết cần phải đưa đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán, điều trị ngay vì bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân thì nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hướng dẫn phòng bệnh.

Hiện nay vắc xin ngừa viêm não mô cầu là vắc xin dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin này chưa cao. Trong khi đó, không cần phải nằm trong khu vực có dịch bệnh, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh nơi sinh sống thì chủng ngừa viêm não mô cầu bằng vắc xin là cách giúp trẻ phòng tránh bệnh tốt nhất. Thời điểm tiêm như sau:

- Vắc xin viêm não mô cầu AC - phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp A và tuýp C: Tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh). Sau đó cần tiêm nhắc sau mỗi 3 - 5 năm.

- Vắc xin viêm não mô cầu BC - phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C: Tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Bé cần tiêm 2 mũi, mũi sau cách mũi trước 6 - 8 tuần.

Bé 2 tuổi Phú Thọ bị biến chứng viêm não, liệt mềm toàn thân nguy kịch sau khi nhiễm Adenovirus
Sau khi bị nhiễm Adenovirrus, bé trai 2 tuổi bị biến chứng rất nặng, không chỉ viêm não mà còn bị liệt mềm toàn thân.

Các vấn đề sức khỏe khác

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm não mô cầu