Chúng ký sinh trên rễ của những cây gỗ lớn, được tìm thấy nhiều ở các địa danh khu vực phía Bắc như Tam Đảo, Cao Bằng, Yên Bái, Ba Vì, Lào Cai, Sapa, Hoàng Liên Sơn, Hoà Bình...
Ở các địa danh phía Bắc như Tam Đảo, Cao Bằng, Yên Bái, Ba Vì, Lào Cai, Sapa, Hoàng Liên Sơn, Hoà Bình... có một loại nấm có tên vô cùng lạ, ít người biết đến, đó là nấm ngọc cẩu.
Theo tìm hiểu, nấm ngọc cẩu loại thực vật kí sinh trên rễ của những cây gỗ lớn, mọc trong các khu rừng ẩm thấp. Hình dáng của nó tựa như một cây nấm nhưng thực chất đây là cây thoái hóa thành củ, thường gồm nhiều thùy, cao tầm 10 – 20cm.
Nấm ngọc cẩu mọc ở rừng sâu, mỗi năm chỉ có một mùa
Cây ngọc cẩu không có lá, mọc thành từng đám, màu đỏ nâu sẫm. Chúng có hoa đơn tính, mọc khác gốc. Được cấu tạo nên bởi một cán hoa lớn. Trên cán mang hoa dày đặc. Cán nạc và mềm, sần sùi, nhiều hình sáng, có mô bao bọc. Thân cây màu đỏ sẫm, được bao bọc bằng mo màu tím. Cụm hoa đực dài, hình trụ, dài 10 – 15cm, cụt đầu. Mùa nấm ngọc cẩu kéo dài từ tháng 10 - tháng 12.
Nấm ngọc cẩu chủ yếu sinh sống và phát triển tại các khu rừng có độ ẩm thấp, vùng núi cao hơn 1500m so với mặt nước biển. Tại Việt Nam, nấm ngọc cẩu có nhiều ở các tỉnh phía Bắc.
Loại nấm này có thể nấu ăn hoặc ngâm rượu
Nếu như trước đây không ai biết đến nấm ngọc cẩu thì mấy năm gần đây, thứ đặc sản này được nhiều người lùng mua. Nấm tươi có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Còn nấm ngọc cẩu khô có giá 300.000 đồng/kg. Từ thứ nấm dại này có thể dùng để nấu ăn, sắc uống hoặc ngâm rượu.
Trên chợ mạng những ngày này có nhiều địa chỉ rao bán nấm ngọc cẩu. Anh Hải An (một người bán các đặc sản núi rừng trên chợ mạng) chia sẻ: "Nấm này mỗi năm chỉ có một mùa, vào những tháng cuối năm. Hơn nữa, chúng chỉ mọc ở trong những khu rừng sâu tít nên việc khai thác không hề dễ dàng. Mình thường thu mua của những người chuyên đi rừng kiếm nấm, gom nhiều mối nhưng số lượng cũng không được nhiều, rao bán vài hôm là hết.
Trước đây nấm ngọc cẩu ít người biết, bây giờ nhiều người tìm mua nên dân địa phương đổ đi tìm hái, giá nấm cũng "giảm nhiệt" hơn".
Ngoài nấm tươi, bà con còn phơi khô nấm ngọc cẩu, nghiền thành bột để có thể sử dụng quanh năm.
Vì được lùng mua nên mấy năm gần đây dân địa phương đổ đi tìm hái
Theo Đông y, nấm ngọc cẩu có vị chát, ngọt, tính ôn, quy vào tỳ, thận và có nhiều tác dụng hỗ trợ điều trị chữa bệnh như yếu sinh lý, liệt dương, táo bón, đau nhức xương khớp, bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, tác dụng của loại cây này chỉ ở mức độ vừa phải, không “dữ dội” như những thông tin được truyền tai và chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh.