"Cho con nhìn thêm xíu nữa, lần sau U23 đá, không biết con có cơ hội nhìn nữa hay không"

Ngày 29/12/2019 12:00 PM (GMT+7)

"Không biết con có còn cơ hội được nhìn nữa hay không...", vừa xoa cái đầu trọc lóc, Tuấn vừa tần ngần đứng nhìn mãi vào màn hình tivi để níu giữ những phút giây cuối của trận bóng đá.

"Lần sau các anh đá, không biết con có còn cơ hội xem nữa hay không"

13 giờ 50 phút ngày 27/1/2019, tại sân Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh, các cổ động viên đặc biệt đã tươm tất áo quần chờ đợi theo dõi trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á của đội tuyển Việt Nam. Những mái đầu không có tóc nằng nặc đòi mẹ phải đeo băng rôn lên và tỉ mẩn soi gương, chỉnh sửa cho ngay và đẹp.

Đội bóng ra sân, khi mà những chàng trai của đội tuyển U23 đang nghiêm trang hát Quốc ca tại sân bóng Thường Châu (Trung Quốc), thì ngoài kia, ngay sân bệnh viện, có một cậu bé cũng nghiêm chỉnh đứng thẳng dậy, trịnh trọng để tay lên phía ngực. Cậu bé ấy là Đặng Hoàng Tuấn (Sinh năm 2006, quê ở Phù Mỹ, Bình Định).

Khoảnh khắc ấy, nhìn vào Tuấn, khiến cho người ta có cảm giác trên sân bóng hay trên sân bệnh viện - hết thảy họ đều là những chiến binh. Nếu như cầu thủ đang trong cuộc chiến giành lấy huy chương cao nhất của giải đấu, thì lát nữa, trở về phòng bệnh, cậu bé Tuấn lại tiếp tục lao vào cuộc chiến giành giật sự sống của mình, trước căn bệnh quái ác: Ung thư.

amp;#34;Cho con nhìn thêm xíu nữa, lần sau U23 đá, không biết con có cơ hội nhìn nữa hay khôngamp;#34; - 1

Bé Tuấn (hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) cùng các bạn theo dõi bóng đá. 2 trong số 4 bé ở hàng đầu trong bức hình đã qua đời vì căn bệnh ung thư.

Không phải bệnh nhi ung thư duy nhất trên sân bệnh viện, cũng không phải cậu bé duy nhất hào hứng theo dõi trận bóng đá, nhưng Tuấn gây ấn tượng đặc biệt bởi hình ảnh đáng yêu khi xuýt xoa ôm cái đầu tròn nhẵn khi những cú sút của đội nhà không thành công, rồi cũng cậu bé với thân hình mũm mỉm ấy cười và nhảy cẩng lên khi Quang Hải gỡ hòa. Cậu bé cười sung sướng: “ước gì con cũng là cầu thủ”.

Trận bóng kết thúc, khi mọi người trên sân dường như đã về hết, có một cậu bé vẫn tần ngần mãi trước màn hình tivi, thoáng chốc lại thở dài tiếc nuối. Khi được hỏi vì sao không về lại phòng bệnh, Tuấn mấp máy trả lời, mắt vẫn dán chặt vào những hình ảnh cuối cùng trên sân: "Cho con nhìn thêm xíu nữa, vì lần sau các anh đá, không biết con có còn cơ hội xem nữa hay không".

"Không biết có còn cơ hội hay không?", câu trả lời gửi gắm theo cùng nó là một câu hỏi. Thế nhưng khi nghe xong Tuấn trả lời, tất cả đều im lặng. Không phải câu hỏi ấy của em khó đến nỗi không thể tìm được ra một phương án trả lời, mà vì chẳng biết trả lời em sao cho đúng. Lần sau như lời em nói, là bao giờ, và khi ấy, em ở đâu? 

Màn hình tivi tắt, Tuấn không vội trở về phòng bệnh, em chọn cho mình một góc nhỏ bên chiếc ghế đá cạnh lối đi. Ánh đèn le lói từ trần nhà phòng bệnh ở khu trệt hắt lên chút ánh sáng ít ỏi, buồn bã như chính cuộc đời em - một cậu bé ở tuổi ăn, tuổi lớn lại mang trong mình khối u lớn ở thận đã di căn, mà khả năng điều trị bệnh, nói như bác sĩ: ngày nào bé còn khoẻ, gia đình hãy còn vui.

amp;#34;Cho con nhìn thêm xíu nữa, lần sau U23 đá, không biết con có cơ hội nhìn nữa hay khôngamp;#34; - 2

Tuấn đứng tần ngần mãi, níu kéo những giây phút cuối cùng của trận bóng đá.

Ước mơ trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh, kiếm tiền nuôi mẹ

Theo lời kể của chị Ánh (43 tuổi, mẹ của Tuấn), gia đình chị có 2 người con trai, Tuấn là em. Từ lúc sinh ra cho đến năm lớp 5, cu cậu vẫn phát triển khoẻ mạnh và bình thường. “Tuấn học giỏi lắm, năm nào cũng được nhận giấy khen. Năm lớp 5 bé còn được nằm trong đội tuyển thi Olympic tiếng Anh. Sách vở năm lớp 6 tôi đã chuẩn bị sẵn cho con. Nếu như…”, giọng ngắt quãng, bất chợt chị Ánh bật khóc.

Cả hai vợ chồng đều nghèo, phải đi làm nông, khi thất bát thì ai thuê gì làm đấy, ước mong của 2 vợ chồng chị chỉ cố gắng làm sao đủ tiền cho 2 anh em Tuấn đi học. 

Thương mẹ, thương cha, Tuấn cố gắng học ngày đêm, để sau này có tiền, chăm lo ngược lại cho cha mẹ. Áp lực công việc và cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai vợ chồng chị Ánh cuốn trôi, lấn ác cả dự cảm của một người mẹ về sức khoẻ của con. Thấy Tuấn ngày một xanh xao, hay than đau bụng, nhức đầu, cứ nghĩ do con học nhiều quá nên kiệt sức, chị chỉ biết động viên, rồi mua ít loại thuốc cho con uống cầm chừng. Càng ngày, bụng Tuấn càng to ra. Lúc gia đình phát hiện và đưa con đi khám mới phát hiện Tuấn có khối u to ở thận, cần phẫu thuật gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

amp;#34;Cho con nhìn thêm xíu nữa, lần sau U23 đá, không biết con có cơ hội nhìn nữa hay khôngamp;#34; - 3

"Con không sợ chết đâu. Mỗi ngày con đều thấy có bạn vừa chơi với con xong nằm nghỉ rồi đi luôn trong tay cha mẹ. Giờ thì đã quen"

“Lúc ấy cả nhà phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ bảo phải cắt bỏ quả thận trái vì khối u đã xâm lấn toàn bộ. Năm ấy, Tuấn mới 11 tuổi”, chị Ánh nói. Xuất viện, trong cơ thể chỉ còn vỏn vẹn một quả thận yếu ớt, Tuấn theo chân mẹ đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Những đợt hoá trị đau đớn bắt đầu. Tóc em dần rụng, người không ngừng tăng cân vì tác dụng phụ của thuốc. Tuấn mệt dần, có những đợt hoá trị, em lịm đi dần trong vòng tay mẹ. Ôm con vào lòng, chị Ánh bật khóc.

Người đàn bà một thân một mình vất vưởng ở hành lang bệnh viện, cùng con giành giật lại sự sống của mình. Những ngày phải điều trị ngoại trú, tức là đến bệnh viện truyền thuốc rồi về, chị Ánh phải cắn bụng thuê khách sạn gần bệnh viện để mẹ con có chỗ ngả lưng. Phòng đầy mùi thuốc, chật hẹp, lối đi cáu bẩn, những tối trời mưa, đứng đợi phát hộp cơm từ thiện ngoài cổng bệnh viện, trở về phòng, cả người chị ướt mem.  Ôm con, chị mím chặt môi, không để Tuấn nghe thấy tiếng khóc. Trở mình, vị nước mắt chạm vào má, nóng ran, ngước mắt lên nhìn mẹ, Tuấn khẽ vỗ về: “Mẹ đừng khóc, con sẽ cố gắng khoẻ để sống cùng với mẹ”.

Mười mấy toa thuốc hoá trị là mười mấy lần mẹ  thắt từng đoạn ruột nhìn con đau. Thế nhưng chỉ cần qua vài ngày, khoẻ lại, Tuấn lại hào hứng chạy nhảy vui chơi. Nhận được vài quyển truyện, Tuấn cười híp mắt cảm ơn rồi mở ngay ra đọc, chốc chốc lại đưa lên mũi hít lấy hít để mùi sách thơm. “Tuấn bảo nó ước có được bộ sách giáo khoa năm lớp 6”, chị Ánh thuật lại lời nguyện cầu của con vào ngày Noel năm ngoái.

“Con cũng sợ đau, nhưng con không sợ chết. Ai rồi cũng phải chết. Con không sợ chết đâu. Chỉ là con muốn có sức khỏe để sau này làm thầy giáo Tiếng Anh, kiếm tiền nuôi mẹ. Mỗi ngày con đều thấy các bạn xung quanh ra đi, có bạn vừa chơi với con xong, nằm nghỉ rồi đi luôn trong tay cha mẹ. Lúc đầu con sợ, nhưng giờ thì đã quen”, Tuấn nói, những câu nói mà ai nghe cũng phải nhói lòng.

Thần may mắn rồi cũng đã mỉm cười, sau đợt hoá trị, Tuấn được bác sĩ cho về nhà ăn Tết và chỉ cần điều trị duy trì. Em lại được đến trường, dù trễ 2 năm học. Ước mơ có được bộ sách lớp 6 đã được thành hiện thực. “Tóc con mọc lại rồi, nhiều lắm. Con đến trường học  cùng mấy em, ai cũng gọi bằng Anh Tuấn, tự thấy mình có trách nhiệm hẳn ra”, Tuấn hào hứng kể rồi phì cười. Lần đầu tiên sau 2 năm, em cười nụ cười trong veo đúng tuổi.

Con hứa tự đi làm để đóng học phí: Câu chuyện rơi nước mắt của cô á khoa
Ngày đậu á khoa đại học, Quỳnh Trang rơi nước mắt khi bộc bạch ước mơ đến trường với cha. Cầm 15 triệu vay mượn của cô chú, cô bé khăn gói từ Hà Tĩnh...
Yến Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động